Chiều 8-11, Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hàng loạt vấn đề lớn về phát triển kinh tế, văn hóa cùng những giải pháp nào để đạt được mục tiêu nâng cao cuộc sống của nhân dân… được các đại biểu (ĐB) nêu ra.
Không chấp nhận nền văn hóa lai căng
Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Thủ tướng đánh giá thế nào về mức độ độc lập, tự chủ nền kinh tế và cho biết những giải pháp để nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.
“Nhiều cường quốc kinh tế đồng thời cũng là cường quốc văn hóa, xin Thủ tướng cho biết phát triển văn hóa có phải vấn đề có tầm chiến lược quan trọng xây dựng đất nước ta hay không? Thủ tướng có giải pháp đột phá gì?” - ĐB Yến nêu vấn đề.
Trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập, phấn đấu có khả năng chống chịu những biến đổi, những cú sốc của nền kinh tế thế giới.
Theo Thủ tướng, kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể, từ một nước thiếu ăn đến nay Việt Nam đã xuất khẩu nông nghiệp với giá trị trên 4,2 tỉ USD; các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng liên tục; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát thấp; doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân…
“Chúng ta đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập bởi một thị trường, một quốc gia nào. Đã có 13 hiệp định thương mại tự do đã ký và có ba hiệp định đang thảo luận, sắp ký trong tương lai” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng bên cạnh kinh tế, nếu Việt Nam không trở thành cường quốc văn hóa thì không thành công. Đất nước có trên 4.000 năm lịch sử, có một sức mạnh nền tảng rất lớn của dân tộc, 54 dân tộc anh em đoàn kết một lòng, di sản văn hóa phong phú… mà không đất nước nào, dân tộc nào cũng có được.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay: “Mục tiêu của Chính phủ là kinh tế sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình nhưng chúng ta không chấp nhận tình trạng văn hóa Việt Nam lai căng, mà phải giữ gìn văn hóa của đất nước để xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc”.
Thủ tướng cho hay tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về văn hóa; bỏ tư duy không quản lý được thì cấm; chấn chỉnh lệch lạc về văn hóa; chấn hưng giáo dục văn hóa, đạo đức, truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ…
X
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.THANH
“Không bỏ ai ở lại phía sau”
Tại phiên chất vấn, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhắc lại trong nhiều bài phát biểu trong nước cũng như quốc tế, Thủ tướng đều khẳng định Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm. Tuy nhiên, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vừa qua đạt được một số kết quả nhưng vẫn chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn yếu, ít có doanh nghiệp lớn mạnh để cạnh tranh với quốc tế.
“Thủ tướng dự kiến sẽ có giải pháp đột phá gì để cải thiện thực trạng trên?” - ĐB Tám nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng khẳng định: “Mô hình tăng trưởng của chúng ta nhấn mạnh đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội để mọi người dân thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau… Phát triển nhanh nhưng lạm phát cao thì nhân dân chẳng được gì, vì vậy việc giữ chỉ số lạm phát như vừa qua là rất cần thiết”.
Thủ tướng cũng thừa nhận tính cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, chưa có những tập đoàn lớn như những nước phát triển khác nhưng có chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng để có thu nhập, tạo cơ hội cho lao động có thu nhập. Chính phủ cũng có chính sách tạo điều kiện về nguồn lực, về tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp phát triển…
“Sắp hết nhiệm kỳ, Thủ tướng có đột phá gì? Trước hết chúng tôi đề nghị chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng tốt hơn nữa, mà cái này là nền tảng cho sự phát triển” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, cần tập trung xây dựng thể chế pháp luật, đào tạo nguồn lực và chất lượng cao vì đây là điểm nghẽn của đất nước hiện nay.
“Nhà nước tạo thuận lợi về thủ tục cho doanh nghiệp. Nhà nước chỉ can thiệp thị trường bằng công cụ kinh tế, không bao cấp cho sự yếu kém, không bao cấp tràn lan…” - Thủ tướng nói.
Thưởng huy chương cho doanh nghiệp tư nhân
Tại phiên chất vấn, các ĐB cũng đề nghị Thủ tướng cho biết chính sách cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân.
Về nội dung này, Thủ tướng khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Và chúng ta có nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Thủ tướng cho biết: Thời gian tới, doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ nên thưởng huân chương bậc cao. “Chúng ta không hề phân biệt kinh tế tư nhân và Nhà nước, chúng ta bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vì vậy, yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của trung ương, nghị quyết trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Không nhân nhượng các hành vi xâm phạm chủ quyền Chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Chúng ta cũng tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Câu hỏi rõ ràng, sâu sắc, trả lời nghiêm túc, chân thành Các ĐB đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề chất vấn. Nhiều ĐB tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề quan tâm, cơ bản các vị ĐB Quốc hội hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ. Qua tám kỳ họp phiên chất vấn, trả lời chất vấn đã cho thấy sự năng động và sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành cũng như trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri và cho thấy trách nhiệm trí tuệ, năng lực hoạt động của các ĐB Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề ĐB nêu. Người trả lời cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực mình phụ trách cũng như đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN Mỗi bộ trưởng đều nắm chắc lĩnh vực mình đang quản lý. Các bộ trưởng trả lời rất thẳng thắn và cầu thị, nhận khuyết điểm. Năm nay các bộ trưởng nhận khuyết điểm nhiều. Điều đó cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại chúng ta phải giải quyết trong thời gian tới. ĐB TRẦN HOÀNG NGÂN (TP.HCM) Tôi đồng tình với phần trả lời của Thủ tướng. Cái quan trọng nhất Thủ tướng nêu ra được đó chính là vấn đề quy hoạch. Trong ba ý mà Thủ tướng trả lời, tôi đồng tình nhất đó chính là xem xét lại và khẳng định quy hoạch về nước sạch rất quan trọng. Thủ tướng đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào thì không địa phương nào có quyền nói khác. Đây là chỉ đạo có tính chung nhất. ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG (Bến Tre) Tôi nhận thấy những vấn đề ĐB nêu ra tại hội trường đều là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Qua đó ĐB đã thực hiện đúng quyền và trách nhiệm đại diện cho nhân dân. Người dân và cử tri cảm giác như chính mình đang được chất vấn các bộ trưởng tại hội trường. ĐB NGUYỄN THANH HẢI, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội |
Tác giả bài viết: NHÓM PV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn