Tàu vỏ thép 67 hư hỏng ở Bình Định và Phú Yên: Hoàn thành sửa chữa chậm nhất đến 30.8

Chủ nhật - 02/07/2017 21:48
(Phapluat News) - Sở NNPTNT Bình Định vừa tổ chức cuộc gặp giữa 18 ngư dân có tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị hư hại và 2 cơ sở đóng tàu liên quan là Cty TNHH MTV Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương. Đây là lần đầu tiên, đại diện Cty đóng tàu Nam Định xuất hiện ở Bình Định để đối mặt với giới chức địa phương, với khách hàng cũ và những hệ lụy do mình gây ra sau thời gian dài “mất hút”.
Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương... tái xuất sau thời gian dài vắng mặt. Ảnh: X.N
Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương... tái xuất sau thời gian dài vắng mặt. Ảnh: X.N

Còn UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các đơn vị đóng tàu khẩn trương, tích cực chủ động phối hợp với ngư dân (chủ các tàu cá bị sự cố) khắc phục những sự cố kỹ thuật, hư hỏng, đồng thời đề nghị Cty Bảo hiểm Bảo Minh Phú Yên chấn chỉnh việc từ chối bảo hiểm ngư lưới cụ cho ngư dân.

Khoảng cách còn lại: Thay máy hay thay cả chân vịt, hộp số, trục láp

Sau phần thủ tục, Giám đốc Đại Nguyên Dương Nguyễn Xuân Nguyên và Giám đốc Nam Triệu Đặng Ngọc Oanh đã có những cuộc thảo luận riêng với khách hàng của mình nhằm thống nhất kế hoạch khắc phục sự cố.

Ở nhóm của Cty TNHH Đại Nguyên Dương, phần vỏ tàu, hai bên thống nhất đưa lên đà kiểm tra tổng thể mẫu thép. Vị trí nào thép Trung Quốc đạt chuẩn cấp A thì giữ lại, vị trí không đạt cấp A thì thay bằng thép Hàn Quốc. Cơ sở đóng tàu có trách nhiệm hoàn trả phần giá trị chênh lệch giữa hai loại thép cho ngư dân. Doanh nghiệp phải làm sạch bề mặt, tiến hành sơn lại theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép. Đại Nguyên Dương không gặp “vấn đề” ở máy chính, máy phụ nên phần tiếp theo là trang thiết bị hàng hải, khai thác.

Cụ thể, Cty phải khắc phục tình trạng không hoạt động của một máy dò sonar và thay thế một màn hính máy khác (hiện đang lắp bằng màn hình máy tính Dell). Về hầm bảo quản (bị đọng nước, tiêu đá, rỉ sét...), chủ tàu và cơ sở đóng tàu thống nhất sửa chữa theo đúng quy chuẩn của Bộ NNPTNT về điệu kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tàu cá.

Một tình tiết mới nảy sinh trong quá trình thương thảo là phát hiện từ ngư dân: Máy bảo ôn trên các tàu là máy Trung Quốc chứ không phải máy Đức như hợp đồng. Phó Giám đốc Sở NPPTNT Bình Định Trần Văn Phúc nêu giải pháp: Sở kiểm tra sau, nếu đúng như phản ánh của ngư dân thì cơ sở đóng tàu phải thanh toán giá trị chênh lệch.

Về cải hoán thiết kế, trong 5 tàu do Đại Nguyên Dương đóng, có 4 tàu đã chuyển từ nghề vây mạn sang lưới chụp. Chiếc còn lại, đang chờ chuyển đổi là của ngư dân Nguyễn Văn Lý. Chi phí cải hoán Cty đóng tàu phải gánh chịu.

Địa điểm sửa chữa, tùy điều kiện cụ thể, là Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) hoặc Đà Nẵng. Thời gian đưa tàu lên đà đến khi hoàn tất công việc là 20.7 - 20.8.

Tại nhóm làm việc của Cty TNHH MTV Nam Triệu, hai bên thống nhất khắc phục cố đến cuối tháng 8. Nam Triệu sẽ sơn lại toàn bộ 14 con tàu (1 tàu mới phát sinh không có tên trong danh sách thẩm định) tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan; tiến hành thay mới 11 máy hiệu Misubishi.

Vấn đề tranh cãi liên quan nguồn gốc, xuất xứ máy điện được nhất trí chuyển sang “hậu kiểm” trước khi quyết định thay mới hay chỉ sửa chữa bộ phận hỏng hóc. Vấn đề gai góc nhất ở “nhóm Nam Triệu” là bên cạnh việc thay máy chính Misubihsi, ngư dân còn muốn thay cả chân vịt, trục láp, hộp số. Đây là bài toán kỹ thuật nan giải bởi nó “đụng” tới thiết kế có sẵn. Đến cuối buổi họp, đáp án cho thách thức này vẫn chưa được tìm ra.

Kiến nghị gia hạn, kéo dài ân hạn cho các khoản vay ngân hàng

Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ ấn định thời hạn trình phương án sửa chữa cho hai cơ sở đóng tàu là 5.7. “Đăng kiểm viên phải có mặt tại hiện trường, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng máy móc trước...”, ông Hổ cảnh báo.

Trước đó, ngày 29.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu ký văn bản 3317/UBND-TH gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ không ra khơi sản xuất.

Phú Yên: Yêu cầu khẩn trương khắc phục, chấn chỉnh

Tính đến ngày 31.5, tại Phú Yên, tổng số hợp đồng tín dụng đã ký kết là 20 tàu (16 tàu đóng mới, 4 tàu nâng cấp), trong đó có 12 tàu cá đóng mới theo NĐ 67 đã đi vào hoạt động khai thác, gồm: 4 tàu vỏ gỗ, 6 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composite. Trong đó, có 3 tàu vỏ thép đã xảy ra một số sự cố kỹ thuật.

Liên quan đến thực trạng này, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các đơn vị đóng tàu khẩn trương, tích cực chủ động phối hợp với ngư dân (chủ các tàu cá bị sự cố) tiếp tục khắc phục những sự cố kỹ thuật, hư hỏng do lỗi từ phía cơ sở đóng tàu; đồng thời yêu cầu phía liên danh đóng tàu cử cán bộ kỹ thuật đi cùng các tàu vỏ thép tham gia khai thác để hướng dẫn cho ngư dân sử dụng.

Đối với vấn đề bảo hiểm, theo quy định thì ngư lưới cụ cũng được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm nhưng đơn vị bán bảo hiểm lại chối bỏ việc bảo hiểm này là không đúng với NĐ 67. UBND tỉnh yêu cầu Cty Bảo Minh Phú Yên xem lại tất cả các hợp đồng đã ký kết với ngư dân theo Nghị định 67, sớm chấn chỉnh những sai sót này. Sở Tài chính phối hợp với Sở NNPTNT có báo cáo cụ thể về tình hình bảo hiểm các tàu nói trên và tham mưu cho UBND tỉnh để kiến nghị với Bộ Tài chính có hướng xử lý.

 

Tác giả bài viết: Xuân Nhàn - Nhiệt Băng

Nguồn tin: laodong.com:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây