Cảnh báo trẻ liệt tứ chi, hôn mê sâu do viêm não Nhật Bản

Chủ nhật - 02/07/2017 21:39
Cảnh báo trẻ liệt tứ chi, hôn mê sâu do viêm não Nhật Bản

Liên tiếp những ngày gần đây, khoa Truyền nhiễm (bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội) đã tiếp nhận hàng loạt ca viêm não. Nhiều trẻ đã tử vong, số còn lại gần như bị di chứng nặng nề.

Liệt tứ chi vì mắc viêm não Nhật Bản

Theo thống kê từ bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận 176 ca viêm não trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong tháng Sáu, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.

Tại TP.HCM, số lượng bệnh nhi mắc bệnh viêm não Nhật Bản cũng tăng đáng kể. Theo thông tin PV báo ĐS&PL cập nhật, tại khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) hiện đang có 6 bé đang phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản. Đây đều là những ca rất nặng, trong đó có 2 ca đã kéo dài gần 1 năm qua.

Cảnh báo trẻ liệt tứ chi, hôn mê sâu do viêm não Nhật Bản - Ảnh 1

Bệnh nhi đang được điều trị tại bệnh viện.

Nhiều trẻ bệnh nặng, hôn mê sâu, phải thở mở, khả năng tử vong chiếm khoảng 10%; số còn lại nhiều khả năng để lại di chứng nặng nề, nhẹ nhất là chậm phát triển trí tuệ đến động kinh, sống thực vật. Rất khó có bệnh nhi nào không để lại di chứng.

Ghi nhận của PV tại bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, có những bệnh nhân phải can thiệp bằng thở máy, dùng thuốc chống viêm, chống phù. Điển hình, bệnh nhi Đào Khánh L. (7 tuổi, Nghệ An), sau 14 ngày điều trị viêm não Nhật Bản tại khoa Truyền nhiễm, sức khoẻ cháu có tiến triển hơn ngày đầu. Đến nay, dù được các bác sĩ tích cực can thiệp bằng thở máy, dùng thuốc chống viêm, chống phù nhưng cháu đã xuất hiện thêm di chứng nặng như liệt hô hấp, liệt tứ chi, phụ thuộc vào thở máy.

Một trường hợp khác là cháu Nguyễn Quốc Đ. (4 tuổi, Bắc Ninh) cũng bị di chứng nặng sau viêm não. Bé Đ. được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Trước khi nhập viện 3 ngày, cháu Đ. sốt cao 400 C, gia đình dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. Hai ngày sau, cháu trở nên li bì, co giật nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán bé Đ. mắc viêm não Nhật Bản. Sau 17 ngày được điều trị, cháu Đ. đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng vẫn còn di chứng vận động.

Trẻ tiêm phòng vẫn rải rác mắc bệnh

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Trẻ cần được tiêm 2 lần cách nhau từ 7-14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3-4 năm tiêm nhắc lại, giá mỗi mũi khoảng 130.000 đồng.

Theo TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương, hiện đang là cao điểm mắc viêm não Nhật Bản (từ tháng Năm đến tháng Chín). Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.

“Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi”, TS.Lâm lưu ý.

Theo đó, bệnh thường diễn biến theo 3 giai đoạn ủ bệnh, toàn phát và lui bệnh. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 5 đến 14 ngày. Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 – 400 C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 - 2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ virus xâm nhập vào tế bào não, tủy gây hủy hoại các tế bào thần kinh. Bước sang thời kỳ khởi phát các triệu chứng không giảm mà lại tăng lên dẫn đến bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản.

Thông thường, bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh và không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.

Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: Loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hóa. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần...

 

 

Tác giả bài viết: N.Giang

Nguồn tin: doisongphapluat.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây