Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những đề xuất mới cho Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012. Trong đó, nội dung được nhiều người quan tâm là Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất giảm thời giờ làm việc chính thức của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/ tuần; thêm 3 ngày nghỉ trong năm. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Đề xuất tăng số ngày nghỉ, giảm số giờ làm đang thu hút sự quan tâm của người lao động |
Trong khi nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, việc tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm là phù hợp với xu hướng chung của thế giới và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động thì một số hiệp hội lao động lại nhấn mạnh, việc tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm vào thời điểm này là chưa phù hợp, nhất là trong điều kiện năng suất lao động ở nước ta vẫn ở mức thấp.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn một số ý kiến xung quanh nội dung này.
Với cường độ làm việc 6 ngày/ tuần, thậm chí tăng ca cả chủ nhật, chị Hoàng Thị Cúc, công nhân công ty may TNG Thái Nguyên cho biết: "Bản thân tôi là một người lao động trực tiếp trong một ngành nghề đặc biệt. Nếu được giảm thời gian làm việc từ 6 ngày/tuần xuống còn 5,5 ngày/ tuần là điều chúng tôi rất mong muốn vì sẽ có thời gian nhiều hơn cho gia đình và đảm bảo được sức khỏe hơn cho bản thân. Qua đây chúng tôi cũng rất mong muốn Quốc hội đưa nội dung này vào luật để người lao động như chúng tôi có điều kiện tái tạo sức lao động".
Hoàng Thị Cúc, công nhân công ty may TNG Thái Nguyên |
Bày tỏ quan điểm của mình về việc tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm, chị Phương Thị Thanh Hải (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, đây là điều mà tất cả người lao động đều mong muốn.
“Cá nhân tôi, tăng ngày nghỉ giúp tôi có nhiều thời gian bên gia đình hơn, chăm sóc con cái, bố mẹ, sắp xếp công việc tốt hơn. Đặc biệt, tôi rất muốn tăng thêm ngày nghỉ vào dịp lễ tết bởi vì quê tôi ở rất xa, đi từ thành phố về hết một ngày nên nếu tăng thêm ngày nghỉ thì tôi sẽ có thêm thời gian ở bên gia đình”- chị Hải chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, điều 104, Bộ Luật Lao động năm 2012 đã quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Sau 7 năm khuyến khích cũng đủ để doanh nghiệp điều chỉnh. Hiện nay, tuần làm việc 40 giờ nên là quy định bắt buộc. Với lộ trình hai bước, bước một là 44 giờ/tuần và bước hai là 40 giờ/tuần thì để kết thúc giai đoạn khuyến khích 40 giờ nên là quy định bắt buộc.
Thạc sĩ Phạm Thu Lan cho rằng, việc giảm giờ làm không chỉ đảm bảo quyền lợi của người lao động mà còn tạo ra sự kích thích để giúp doanh nghiệp có động lực thúc đẩy đổi mới công nghệ: “Các doanh nghiệp thường muốn thu lợi ngay, khi lợi thế so sánh đang có vẫn là sức lao động. Do đó, họ không muốn mất tiền để đầu tư vào đổi mới công nghệ và quy trình quản lý. Điều này có lợi trước mắt cho doanh nghiệp nhưng sẽ là bất lợi về lâu dài cho nguồn lao động khi mà người lao động mất sức lao động, về già thì bệnh tật sẽ là gánh nặng cho hệ thống y tế khi Việt Nam qua thời kỳ dân số vàng.
“Tôi nghĩ chắc chắn Nhà nước sẽ không mong là chỉ vì mục đích thu thuế của doanh nghiệp mà chấp nhận vắt sức của người lao động bởi vì thu thuế không đủ để giải quyết các bài toán về xã hội, về sức khỏe tuổi già của người lao động và những hệ lụy khác”- Thạc sĩ Thu Lan bày tỏ.
Về việc tăng ngày nghỉ trong năm, bà Lan cho biết: Ở Việt Nam, lao động chủ yếu là lao động di cư, nên tăng ngày nghỉ thì họ sẽ có thời gian tái tạo sức lao động. So với số ngày nghỉ lễ của các nước trên thế giới, số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam thuộc loại thấp. Trung Quốc có số ngày nghỉ là 21 ngày, trong khi đó Việt Nam chỉ có 10 ngày. Tiêu chuẩn quốc tế, công ước ILO khuyến cáo là nghỉ không dưới 3 tuần. Đây là một điểm rất đáng lưu tâm vì kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt./.
Tác giả bài viết: PV/VOV.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn