Nói về kế hoạch triển khai việc sáp nhập huyện, xã theo nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của UB Thường vụ QH, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt cả 2 tiêu chuẩn, đều dưới 50% tiêu chuẩn về dân số và diện tích cần sắp xếp lại.
Bên cạnh đó, vẫn khuyến khích các địa phương sáp nhập nếu đảm bảo điều kiện thuận lợi, ổn định và được nhân dân ủng hộ.
UBND cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể về sắp xếp huyện, xã đến Bộ Nội vụ trước tháng 5/2019 để triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn |
"Việc sắp xếp này không thực hiện theo kiểu áp đặt duy ý chí mà có tính đến yếu tố đặc thù của địa phương về lịch sử, văn hoá, địa lý, phong tục tập quán và phải đảm bảo có sự đồng thuận của người dân", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Nhiều địa phương lo ngại khi sáp nhập huyện, xã khó nhất là sắp xếp nhân sự, nếu làm không khéo dễ gây tâm tư, còn nếu nể nang thì dễ cộng cơ học, không đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như Bộ Chính trị yêu cầu, thưa ông?
Đúng vậy. Trong quá trình sắp xếp, nếu không kết hợp tinh giản biên chế, tạo điều kiện giải quyết số lượng cán bộ, công chức dôi dư thì mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ không thể đạt được.
Trách nhiệm các cấp uỷ Đảng và địa phương rất lớn, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng trong triển khai đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để thực hiện tốt mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã lần này.
Vì vậy, các địa phương phải bám sát quan điểm chỉ đạo trong ghị quyết của Bộ Chính trị cũng như nguyên tắc quy định trong nghị quyết của UB Thường vụ QH.
Đó là việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, phải rà soát để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức.
Ngoài việc bố trí cán bộ, công chức được sắp xếp vào các đơn vị hành chính mới theo đề án, những cán bộ dôi dư phải thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế.
Ví dụ, với cán bộ không tái cử do không đủ điều kiện thì có thể thực hiện theo nghị định 26 của Chính phủ về giải quyết chế độ chính sách cho người chờ hưởng hưu trí do không đủ điều kiện để tái cử.
Nếu thực hiện tốt theo nguyên tắc này, sắp xếp gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua rà soát, sắp xếp thì sẽ tránh việc gom cơ học cán bộ, công chức khi sáp nhập.
Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp cũng phải đảm bảo sự ổn định, đảm bảo chế độ chính sách cho người tiếp tục làm việc cũng như đội ngũ cán bộ dôi dư để họ yên tâm công tác cũng như yên tâm khi thực hiện các chế độ chính sách khác.
Một trong những vấn đề địa phương đặt ra là việc “xếp ghế” các chức danh như Chủ tịch HĐND hoặc UBND được lựa chọn qua bầu cử khi sáp nhập thì ai là trưởng, ai là phó?
Đây là vấn đề mà Bộ Nội vụ sẽ cùng phối hợp với Ban Tổ chức TƯ, Ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ QH bàn bạc để có văn bản hướng dẫn trong thời gian tới.
Sáp nhập phải tương thích với cách mạng 4.0
Như ông nói, tinh thần sáp nhập phải đảm bảo bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, vậy liệu bộ máy sau sáp nhập có đủ sức đảm đương nhiệm vụ với công việc quản lý gần như gấp đôi? Và làm thế nào để phục vụ người dân bằng hoặc tốt hơn trước khi sáp nhập?
Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0 nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, ứng dụng mạnh mẽ CNTT thì việc sáp nhập huyện, xã cũng là giải pháp đảm bảo sự tương thích trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Điều đó cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Nếu không sắp xếp lại mà vẫn để các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ gây lãng phí nguồn lực từ ngân sách, không giảm được biên chế.
Sáp nhập sẽ góp phần tinh giản biên chế, giảm được gánh nặng ngân sách. Với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức cấp huyện, cấp xã.
Việc này cũng giúp thực hiện tốt nghị quyết 18 TƯ 6 khoá 12 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Tôi tin bộ máy chính quyền địa phương sau đợt sáp nhập này sẽ thực hiện tốt chức năng của mình, hoạt động hiệu lực hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn