Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra tại phiên thảo luận ở Quốc hội về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), chiều 30-5.
Ông Nghĩa cho rằng việc dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) gạt toàn bộ số nợ DNNN ra khỏi nợ công là không ổn. Nếu tính luôn số nợ của DNNN vào nợ công thì nợ công sẽ lên đến 431 tỉ USD, bằng 210% GDP chứ không phải 63,9% GDP như cách tính hiện nay.
Doanh nghiệp phá sản, Nhà nước có ngồi yên?
Ông Nghĩa phân tích: “Hiện nay có chủ trương là nếu của DNNN mà không do Nhà nước bảo lãnh, không phải do Nhà nước cho vay lại thì không đưa vào nợ công.
Nhưng các DNNN đều do Nhà nước quyết hết về nhân sự và nhiều tổ chức bố trí cán bộ Đảng chuyên trách về quản lý, phải chấp hành lo kinh phí cho hệ thống chính trị trong doanh nghiệp. Cho nên toàn bộ hiệu quả trong DNNN là Nhà nước chịu.
Đã nói DNNN là có vai trò tác động nhất định trong địa phương, trong ngành, trong nền kinh tế nên nếu nói Nhà nước không chịu trách nhiệm gì cả là không ổn. Doanh nghiệp đó vay nợ, phá sản thì Nhà nước có đứng yên được không?”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Đừng nói DNNN, ngay doanh nghiệp tư nhân có vài trăm công nhân phá sản thì Nhà nước cũng không thể ngồi yên, không thể không làm gì cả.
Huống chi là DNNN phá sản, rồi đất đai bị phát mãi, công nhân, cán bộ một bộ phận là trong biên chế. Nói không có trách nhiệm là không được!”.
Xử lý nợ DNNN quá đơn giản
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỉ USD, bằng 158% GDP. Con số này còn cao hơn cả số nợ mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác đang nợ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Tuy chúng ta cắt nợ của DNNN ra khỏi nợ công, cho rằng đó là trách nhiệm hữu hạn thì đó là do luật quy định thôi. Ở nhiều nước, nợ DNNN thì nhà nước vẫn phải chịu”.
Từ lập luận này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tính toán, nếu cộng cả nợ Chính phủ và nợ DNNN (sau khi trừ phần nợ Chính phủ bảo lãnh trùng lắp) thì tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ USD, bằng 210% GDP.
“Nói như vậy để thấy trong luật này đã gạt hẳn nợ DNNN ra khỏi nợ công, theo nghĩa là doanh nghiệp tự vay tự trả là cách xử lý quá đơn giản, phải có một cách xử lý khác” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn