Cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội các tháng cuối năm 2018, đầu năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo của Chính phủ vẫn nghiêng về kinh tế và đề nghị cần bổ sung những đánh giá về nguyên nhân, giải pháp những vấn đề xã hội bức xúc trong thời gian qua.
Cử tri hoài nghi về tính minh bạch hoạt động EVN
Sáng 8.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 34, cho ý kiến về báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 của Chính phủ trước khi trình QH tại kỳ họp thứ 7 tới.
Đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, song thành viên UBTVQH cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc trong thời gian qua và cho rằng vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, nhất là về nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng ma túy, tai nạn giao thông, các vụ án giết người, tình hình cháy nổ, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, “tín dụng đen”... đều là những vấn đề đang rất bức xúc. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ phải báo cáo sâu hơn, đồng thời với tư cách cơ quan điều hành, phải đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội nêu trên”, bà Nga nói.
Một vấn đề bức xúc khác cũng được bà Nga nêu ra là việc
tăng giá điện. Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp QH, mặc dù rất hoan nghênh việc Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, Bộ Công thương cũng có đoàn kiểm tra về việc này, song lâu nay dư luận vẫn hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện và hoạt động của Tập đoàn điện lực VN (
EVN), do đó Chính phủ cần kiểm tra để giải đáp cho dư luận, cử tri. Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá việc tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế... là những rủi ro lạm phát, có thể ảnh hưởng bất lợi đến sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với chỉ số giá tiêu dùng CPI, cũng như các mặt KT-XH”, ông Thanh nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Thủ tướng đã có quyết định về khung, lộ trình tăng giá và cơ chế tính giá điện cũng đã có. Vấn đề hiện nay là phải xem việc điều hành giá điện có đúng các quyết định đã được Thủ tướng ban hành hay không để công bố cho nhân dân yên tâm.
“Tôi đi tiếp xúc cử tri, tôi nói là chắc chắn việc tăng giá này, Bộ Công thương phải thực hiện theo đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ, chứ làm sao Bộ Công thương dám làm hay EVN tự làm được?”, Chủ tịch QH nói và đề nghị, Chính phủ phải lên tiếng giải thích, chứ không chỉ công bố lập đoàn thanh tra. “Phải giải thích coi họ làm đúng hay không, vì họ đang làm theo lộ trình, quyết định của Chính phủ”, bà Ngân nói thêm.
Xử lý nghiêm cán bộ quản lý tiếp tay gian lận thi cử
Một vấn đề xã hội khác cũng nhận được sự quan tâm của thành viên UBTVQH là việc xử lý vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia làm nóng dư luận thời gian qua. Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày nhấn mạnh, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi THPT quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả, biện pháp khắc phục; xác định rõ trách nhiệm và bài học trong công tác quản lý.
“Cơ quan chức năng phải xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương”, ông Thanh nhấn mạnh.
Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH Phan Thanh Bình đề nghị cần “đánh giá đúng hiện tượng sai phạm” trong vụ việc gian lận thi cử vừa qua. “Đây là những hiện tượng hay còn có vấn đề gì sau lưng?”, ông Bình đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Tôi nói thật, khi đặt ra vấn đề sai phạm trong thi cử thì tôi không nghĩ đây là vấn đề đơn giản của một số cán bộ quản lý ở một vài địa phương khi lên đến hàng trăm em được sửa điểm”.
Ông Bình cho rằng cần phải nghiêm túc nhìn nhận và phải ngăn chặn ngay vì đây là nhận thức coi thường hệ thống thi cử của cán bộ quản lý giáo dục và cả cán bộ quản lý ở các địa phương.