Phát hiện chấn động: Việt Nam có người rừng?

Thứ ba - 18/07/2017 09:34
(Phapluat News) -“Người rừng là có thật và ở Việt Nam có người rừng”, đó là những lời khẳng định của PGS.TS Trần Hồng Việt sau hơn 20 năm miệt mài tìm kiếm dấu vết “người rừng”. Đặc biệt năm 1982 ông đã may mắn tìm thấy và chụp được dấu chân “người rừng” để lại sau cơn mưa đầu mùa trên đỉnh núi Ngọc Vin (tên còn được nhiều người biết đến là  núi Ngọc Linh - PV). 
Phát hiện chấn động: Việt Nam có người rừng?

 

 
Phát hiện chấn động: Việt Nam có người rừng?

Cuộc bắt gặp “may mắn”


Nhắc đến chủ đề “người rừng ở Việt Nam”, người ta không thể không nhắc đến tên tuổi PGS.TS Trần Hồng Việt, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu động vật ẩn sinh và động vật quý hiếm thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Có thể nói, ông là một trong những nhà khoa học hiếm hoi “đeo đẳng”, thậm chí có thể nói là “ám ảnh” với đề tài này. 

Gặp ông ở nhà riêng trên đường Nguyễn Khoái (TP.Hà Nội), ở cái tuổi 81 nhưng trông ông vẫn còn rắn rỏi, nhất là khi nhắc đến người rừng. Vị chuyên gia đầu ngành cho biết: Người rừng là một loài giống người, là họ hàng gần gũi với người văn minh. 

Đi tìm người rừng chính là cuộc hành trình tìm về nguồn gốc, lịch sử tiến hóa loài người. Đây không chỉ là công cuộc có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa rất lớn trong di truyền học, sinh học và giải mã câu hỏi lớn của nhân loại về lịch sử tiến hóa loài người khi đến tận bây giờ mắt xích về thuyết tiến hóa giữa giai đoạn linh trưởng đến người vẫn còn chưa có lời giải.

Kể về hành trình đi tìm người rừng, PGS.TS Trần Hồng Việt cho biết ông là người rất may mắn khi tận mắt thấy và chụp được dấu chân người rừng để lại ở trên đỉnh núi Ngọc Vin (Tây Nguyên) vào năm 1982. 

Đó là một ngày đầu mùa mưa khi ông đang thực hiện chuyến thám hiểm trong khuôn khổ chương trình bảo vệ môi sinh 5.202. Như một sự sắp đặt của tạo hóa, hôm đó thực sự ông đã rất may mắn bởi nhờ có cơn mưa đầu mùa nên các loài động vật sống ở trong rừng mới ùa ra và để lại dấu chân. Càng may mắn hơn khi cơn mưa chỉ vừa đủ để đất dẻo mà không bị nhão nên khi “người rừng” đi qua đã để lại dấu chân in lên rất rõ. 

Ông nói đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy “một dấu chân đẹp đến như vậy, nó rất lớn và các ngón chân dài”, “các ngón chân để lại rõ giống như khi ta lấy tay ấn lên bột bánh trôi”. PGS.TS Việt cho biết, từ trước đến giờ ông cũng đã bắt gặp nhiều dấu chân được cho là của người rừng để lại nhưng chỉ có thể có thể đo được kích thước vì trên cát hoặc trên đất khô nên không rõ “đó là lần duy nhất ông chụp được dấu chân người rừng rõ mồn một”.

PGS.TS Trần Hồng Việt cho biết ông là người rất may mắn khi tận mắt thấy và chụp được dấu chân người rừng để lại ở trên đỉnh núi Ngọc Vin (Tây Nguyên) vào năm 1982. 


PGS.TS Trần Hồng Việt cũng đã rất may mắn, bởi khi đó đã xin trang bị được một chiếc máy ảnh để phục vụ quá trình nghiên cứu và xin được từ đồng nghiệp một túi bột thạch cao mang theo. Với sự nhảy cảm của 1 người làm công tác nghiên cứu, ông không chỉ chụp lại mà còn dùng bột thạch cao đổ vào dấu bàn chân người rừng mang về làm tư liệu nghiên cứu. 

Theo mô tả của PGS.TS Việt và phóng viên chúng tôi cũng được tận mắt xem bức ảnh thì bàn chân đó dài khoảng 28cm, rộng khoảng 12 cm. Các ngón chân rất dài, giữa lòng bàn chân có một vùng lõm rất sâu. 

Căn cứ vào các đặc điểm như vậy, đặc biệt chi tiết bàn chân có vùng lõm sâu cho thấy nó rất phù hợp với điều kiện leo núi đặc biệt là đi đứng trên các mỏm đá. Dấu chân chân này khi được bắt gặp vẫn còn rất mới. 

PGS.TS Trần Hồng Việt cho rằng đây chính là một bằng chứng cho thấy trong những cánh rừng đại ngàn ở Tây Nguyên người rừng vẫn còn sống. Ông đã tin là có người rừng ở Việt Nam và việc “tóm” được dấu chân trên đỉnh núi Ngọc Vin càng cũng cố thêm niềm tin sắt đá rằng người rừng đang hiện hữu ở Việt Nam.

Kể lại câu chuyện này, vị PGS đầu ngành động vật vẫn còn tỏ ra vô cùng tiếc nuối về cuộc bắt gặp dấu chân người rừng hôm đó. Ông nói nếu ngày ấy chiếc xe của ông không bị gãy nhíp, nếu trong tay ông có thêm các trang bị để tránh thú dữ thì rất có thể hôm đó ông đã ở lại đỉnh núi Ngọc Vin và đã có một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa lớp cháu chắt văn minh và những người rừng cổ đại. 

Ông cũng kể thêm, ngoài dấu chân chụp được trên đỉnh núi Ngọc Vin vào năm 1982, ông còn từng chụp được dấu chân cũng được cho là của người rừng ở tư thế đứng thẳng, để lại cạnh một cây chuối khi bóc lõi cây ăn phần lõi ruột bên trong. Dấu chân này được ghi nhận ở Đắk Lắk nhưng tương đối mờ, không rõ chỉ biết kích thước của nó cũng lớn tương đương với dấu chân ông chụp được trên đỉnh núi Ngọc Vin.

Theo PGS.TS Trần Hồng Việt: có hai căn cứ quan trọng để khẳng định về sự tồn tại của người rừng ở Việt Nam là căn cứ vào vết dấu chân và căn cứ vào dấu hiệu thức ăn để lại


Có sự tồn tại người rừng 

Theo PGS.TS Trần Hồng Việt có hai căn cứ quan trọng để khẳng định về sự tồn tại của người rừng ở Việt Nam là căn cứ vào vết dấu chân và căn cứ vào dấu hiệu thức ăn để lại. 

Ngoài việc nghe người dân kể lại là nhìn thấy người rừng rung cây để tìm kiếm trứng chim, ông cũng tận mắt nhìn thấy và chụp được hình ảnh những khúc gỗ mục sau khi đã bị “ai đó” bới tìm sâu bọ bên trong được gác lên cao và hình ảnh những vết cắn được để lại trên các chiếc lá trong rừng. 

Ông cho rằng, những dấu tích đó không thể là của lợn rừng hay loài động vật khác ủi để tìm sâu bọ được vì như thế sẽ để lại dấu chân và sẽ bị ủi lật lên chứ không thể xếp chồng lên nhau như thế được. Hoặc nếu là khỉ ăn lá cây thì sẽ để lại vết cắn khác chứ không thể để lại vết cắn rộng và có vết răng nanh nhẹ như vậy.

Ngoài việc tận mắt nhìn thấy các dấu vết để lại, PGS.TS Việt cũng được nghe kể rất nhiều câu chuyện về người rừng. Nhiều chiến sĩ quân giải phóng cũng từng bắt gặp người rừng khi hành quân qua rừng Trường Sơn. 

Trong đó, đáng chú ý là chuyện về cuộc hội ngộ giữa một đoàn dân công với người rừng trong một đêm trăng sáng. Đêm đó, hơn hai chục anh chị em trong đoàn văn công đang thồ hàng lên núi thì đột ngột sững sờ khi thấy một cái bóng to lớn, sừng sững đi xuống từ trên đỉnh đèo Ngọc Vin. 

Con người to lớn đầy lông lá này thản nhiên rẽ đám đông sang hai bên và nhanh chóng mất hút trong rừng già. Sau này kể lại, các thành viên trong đoàn khẳng định họ đã nhìn thấy rõ người rừng, có người còn sợ quá trượt xuống cái hố bị thương. Ông cũng cho biết hiện nay một số nhân chứng trong đoàn văn công đó vẫn còn sống.

Hay câu chuyện năm 1980, anh nhân viên kiểm lâm ở lâm trường Bắc Sa Thầy đã tận mắt “nhìn ngắm” người rừng từ vị trí rất gần. Thoạt đầu, họ tưởng đó là gấu, nhưng tiến sát lại gần thì thấy một con vật to lớn, người đầy lông lá, đứng thẳng bằng hai chân, tóc xõa ngang lưng, đang rung một thân cây để nhặt trứng chim rơi xuống. Người rừng đó rất cao khoảng 1m8 và rất khỏe, cái cây lớn có đường kính khoảng 20cm người rừng rung thấy cây rung rất mạnh. 

Trở lại Bắc Sa Thầy vào năm 1983, PGS.TS Trần Hồng Việt được một số người dân sinh sống trong rừng sâu cho biết: khoảng 1 tuần trước đó, họ đưa đoàn văn công biểu diễn xong thì trời đã tối nên vào một cái hang trong rừng để trú lại qua đêm và cũng đã “giáp mặt” người rừng. 

Theo lời kể, nửa đêm họ nhìn thấy một cái bóng cao lớn khoảng 1m50, đi thẳng hú lên và có nhiều tiếng hú xung quanh hang đáp lại. Sợ quá họ liền lấy súng AK để bắn dọa, người rừng sau đó bỏ đi và tiếng hú cũng xa dần. Sáng hôm sau họ nhìn thấy những dấu chân to hơn chân người xung quanh hang. 

“Như vậy không chỉ có những cuộc bắt gặp những cá thể người rừng hay gia đình ba cá thể to lớn mà còn có những cuộc bắt gặp dạng người rừng thấp bé hơn và sống theo đàn”, PGS Việt nhấn mạnh...

(Bài sau: 20 năm theo tìm dấu vết và quyết định “bảo vệ người rừng” của Hội đồng Bộ trưởng)

Ngọc Linh (hay Ngọc Vin) là tên ngọn núi nằm ở phía Đông dãy núi Trường Sơn thuộc địa bàn xã Ngọc Linh, huyện Đắkglei, tỉnh Kon Tum, nơi giáp giới với tỉnh Quảng Nam.

Ngọc Linh, tên gọi bắt nguồn từ tiếng dân tộc ở địa phương. Ngọc có nghĩa là núi. Vì thế mới có những tên như Ngọc Linh, Ngọc Gơ-Le-Lang, Ngọc To-Ba, Ngọc Giơ-Lang, Ngọc B'Biêng, Ngọc Vin, Ngọc Kót, v.v.

Núi cao 2.598m được xem là ngọn núi cao nhất miền Nam nước ta. Trên núi, cây cối dày đặc, bốn mùa mây phủ. Ngọc Linh là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn trong khu vực như sông Tranh, sông Cái chảy sang Quảng Nam, sông Sê San chảy sang Campuchia và sông Ba chảy sang Phú Yên.  Núi Ngọc Linh vốn được xem là kho dược liệu của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là loài sâm quý hiếm Ngọc Linh được phát hiện nơi đây.

Rừng đặc dụng trên núi có diện tích tự nhiên 46.574 ha. Rừng có nhiều cảnh quan và động thực vật phong phú đa dạng. Rừng đặc dụng Ngọc Linh có loài Sâm khu 5, là loài cây đặc sản và quý hiếm. Hiện khu vực này đã được bảo vệ để chăm sóc các nguồn gen động thực vật quý hiếm.

Nguồn tin: PLVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây