Ngọc Trinh- Hoàng Kiều và... truyền thông

Thứ tư - 25/01/2017 18:18
Ngọc Trinh- Hoàng Kiều và... truyền thông

 



Ngọc Trinh và Hoàng Kiều
   Năm nay tôi chọn đề tài này để viết cho dịp Tết con gà 2017. Lại viết về truyền thông của Việt Nam.  

Trước hết tôi xin không phê phán mối tình nào, của bất cứ ai. Vì biết đó là quyền lựa chọn riêng tư của mỗi người, huống gì tôi lại là bạn của anh Hoàng Kiều, có dịp làm việc với anh, cũng hiểu anh. Tôi chỉ muốn đề cập đến khía cạnh truyền thông. Rất rùm beng trong những tháng cuối năm 2016 này.

Đành rằng là người trong nghề truyền thông lâu năm. Biết rằng, vấn đề gì mà độc giả quan tâm thì báo phải đề cập. Biết rằng cả vấn đề thu hút người đọc, câu view cũng là cần thiết với bất cứ tờ báo điện tử nào. Có những trang mạng chính trị xã hội “được tự cho” là đứng đắn cũng nhiều lúc câu view quá đà khi thấy một nhân vật chính khách nào đó ảnh hưởng đến công chúng có dính líu đến “scandal” là ra sức khai thác, ra sức “câu view” để giành giật độc giả, cả khi những nguồn tin đó thiếu căn cứ, vu khống mà người có trách nhiệm vẫn cho đăng kéo dài để lôi kéo người đọc.

Tôi đã có dịp viết bài cho New York Times và một vài tờ báo có uy tín ở nước ngoài, khi dẫn một số liệu về nhập siêu giữa Trung Quốc và Việt Nam hoặc đơn giản là số liệu xuất khẩu lương thực của Việt Nam trong một thời điểm, họ buộc người viết phải dẫn nguồn được công bố của một cơ quan có thẩm quyền thì họ mới đồng ý đăng. Tính chuyên nghiệp và đòi hỏi chứng cứ, nguồn, căn cứ của họ là rất quan trọng và gần như bắt buộc.

Ở ta, được thế giới cho là nơi kiểm soát báo chí nghiêm ngặt, những cái cần “chặt” thì lại không chặt chẽ, còn việc cần “thoáng” thì lại bị ràng buộc.

Có nhiều nhà trí thức chuyên đọc các trang mạng các loại ở Việt Nam và các trang mạng người Việt ở nước ngoài, gần đây họ nói với tôi rằng, đã ngưng đọc tất cả các loại này vì thấy “nhức đầu” bởi không biết cái nào đúng, cái nào “dựng chuyện”, ví dụ chuyện gần nhất là chuyện của nguyên Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Nhà báo Nguyễn Công Khế (người thứ hai từ bên phải sang) và ông trùm truyền thông Mỹ Donald Trump tại Las Vegas năm 2008

Truyền thông của chúng ta đi vào ngõ cụt và bộc lộ rất nhiều khuyết điểm cực lớn, nhất là khi người ta bắt đầu đọc báo mạng nhiều hơn là báo giấy. Và hiện nay, thực sự báo giấy đã bắt đầu kết thúc kỷ nguyên hoàng kim của nó.

Trở lại chuyện của tỷ phú Hoàng Kiều 72 tuổi yêu cô người mẫu Ngọc Trinh 27 tuổi đã khuấy động mạng xã hội suốt vài tháng vừa qua. Tôi đoán biết được anh Hoàng Kiều cũng chẳng thú vị gì khi đọc những tin tức kiểu này, chắc rằng anh cũng không cần nổi tiếng kiểu này, bởi vì anh đã làm ăn có tiếng từ ngành huyết tương ở Thượng Hải và được tạp chí Forbes của thế giới công bố tên tuổi.

Ở Việt Nam cũng nhiều người biết đến anh trong chuyện làm ăn và cả chuyện từ thiện. Với lại chuyện có người yêu, kết hôn với Ngọc Trinh cũng chẳng có gì phải đáng ầm ĩ. Đa số tin tức được các trang mạng và báo chí đăng lại đều lấy từ Facebook cá nhân của Ngọc Trinh, con dâu của Hoàng Kiều và một vài Facebook có quan hệ khác. Đó chỉ là tin tức và cảm xúc cá nhân.

Rất nhiều người nổi tiếng là nạn nhân của sự khai thác câu view kiểu này. Một ca sĩ nổi tiếng khác là Hồ Ngọc Hà từng than vãn với tôi: "Nhiều tờ báo câu view đối với em vào thời điểm này, bất luận sự thật đúng sai thế nào, chắc em không thể tiếp tục chịu nổi sức ép của dư luận đâu”.

Câu chuyện về truyền thông như một lời tâm sự cuối năm của tôi dành cho tạp chí Duyên Dáng Việt Nam vậy.

Nguyễn Công Khế/DDVN

Tác giả bài viết: NGUYỄN CÔNG KHẾ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây