Ảnh hưởng từ cha, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Nhược Pháp dù học hành giỏi giang, đỗ đạt cao, nhưng không quan tâm đến quan trường, mà chỉ mê đọc, nghiên cứu văn thơ, viết sách, làm báo. Ngoài thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết không ít truyện ngắn và kịch...
Tuy nhiên, khác nhiều bạn cùng làng văn thuở đó, Nguyễn Nhược Pháp sống hồn nhiên và trong sáng, không ham mê ả đào, thuốc phiện, những thứ hay cám dỗ tuổi trẻ tò mò.
Ông Nguyễn Lân Bình (cháu gọi Nguyễn Nhược Pháp là bác), từng kể: "Theo các bác trong gia đình nói chuyện, bác Pháp không chỉ được thừa hưởng sự tài hoa và thông minh của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ông còn được thừa hưởng luôn cả sự đào hoa và tâm hồn lãng mạn của cha mình.
Bởi vậy trong thơ, văn và kịch ông viết, luôn phảng phất những "bóng hồng" đầy mộng mị".
Mối tình câm với người đẹp nức tiếng Hà thành
Thông qua những thế hệ cùng trang lứa với Nguyễn Nhược Pháp, đặc biệt là các gương mặt từng là đồng môn với nhà thơ, chúng ta được đọc nhiều lần, qua nhiều thời kỳ những ghi chép và lời kể của những bậc tiền nhân, trong đó có câu chuyện nói về
Giai nhân Hà thành - Đỗ Thị Bính (1915). Bà Bính là con của thương gia Đỗ Bá Lợi - nhà tư sản lớn vào loại có hạng ở Hà thành lúc đó. Bà Bính được miêu tả là người thiếu nữ với làn da nõn nà, vóc dáng thanh tú với đôi mắt phượng hồng. Bà đã làm cho bao kẻ mê mẩn, thầm yêu, trộm nhớ....
Vậy nhưng, dù là tiểu thư khuê các, con nhà giàu có, lại đẹp nức tiếng, nhưng bà Bính được nhiều người chung quanh quý mến vì lối sống rất giản dị, nhân hậu, chan hòa với mọi người.
Ngày ấy, trước hiên nhà cô Bính ở phố Nguyễn Thái Học có trồng nhiều loại hoa thơm. Thường cứ đến chiều, nàng vừa ra ngắm hoa, vừa ngồi trên ghế đá đọc sách.
Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính (mặc áo màu dài đen). Ảnh tư liệu |
Chàng thư sinh nhỏ nhắn Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào cũng mang một hồn thơ lai láng, mộng mơ và đầy cảm xúc, đã đem lòng thương trộm cô tiểu thư Đỗ Thị Bính từ lúc nào không biết..
Bấy giờ Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo L’Annam Nouveau - Nước Nam Mới, chàng thường tìm đủ lý do để được đi qua nhà nàng, chỉ những mong được thấy nàng, ngắm nàng, người yêu trong mộng, từ đó thêm cảm xúc làm thơ ngợi ca.
Tất nhiên, giai nhân cũng biết chàng thư sinh ấy "cảm mến" mình. Đã có đôi lần, hai người đã trò chuyện với nhau qua rào cây tầm xuân hữu tình và thật lãng mạn. Cái sự "đầu mày cuối mắt" của chàng thi sĩ với giai nhân đã để cả hai bên gia đình đều biết.
Nhưng một biến cố khủng khiếp của gia đình chàng thi sỹ đã khiến cho mối tình ấy không thể đơm hoa, kết trái, đó là sự kiện học giả Nguyễn Văn Vĩnh - cha của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, gặp đại nạn, ông mất một cách cô độc bên miền Nam nước Lào heo hút.
Đỗ Thị Bính, bóng hồng một thuở của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh tư liệu |
So với gia cảnh người đẹp Đỗ Thị Bính, chàng thi sĩ lúc này chỉ là kẻ tay trắng. Nhất là trong bối cảnh gia đình đang bị chính quyền đương thời o ép, chàng đã đành phải đào sâu chôn chặt mối tình ngắn ngủi qua hàng rào ấy.
Nhà thơ đã gửi gắm nỗi lòng vào tập thi phẩm mang tên “Ngày xưa” với 10 bài thơ đầy tâm sự. Thi phẩm này đã đưa tên tuổi ông tìm được chỗ đứng trong phong trào Thơ mới ở thế kỷ 20.
Mặt khác, lòng tự trọng của Nguyễn Nhược Pháp cũng không nhỏ khi tự đặt mình trong hoàn cảnh một cuộc sống đổ vỡ, nên hãy đừng mơ ước cao xa, nhất là với một tiểu thư khuê các, cành vàng lá ngọc...
Hình như, thi sỹ đã "tự ti" về cái thân phận của một người vốn đã mất mẹ đẻ từ nhỏ, giờ lại mất cả người cha uy danh...
Mối tình hoảng loạn với người con gái bí ẩn
Người đời, cứ nghĩ đến chàng thi sỹ đa cảm đó, họ lại nhắc đến mối tình trong mộng của chàng với mỹ nhân đất Hà Thành - Đỗ Thị Bính. Nhưng mấy ai biết rằng, tác giả của bài thơ "Chùa Hương" đã từng có tình ý với một người con gái bí ẩn cho đến khi kết thúc bằng sự bi đát.
Vẫn Ông Nguyễn Lân Bình lại kể: “Trước đây, tôi đã có được nghe các bác các chú trong gia đình đôi lần kể về giai thoại này. Tôi nghĩ với sự hào hoa, đa tài của Nguyễn Nhược Pháp, việc ông khiến bao bóng hồng thổn thức là điều làm sao tránh”.
Trong một vài bài viết, nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971) - bạn rất thân của Nguyễn Nhược Pháp, từng thuật lại mối tình của bạn mình với một cô gái... bí ẩn.
Câu chuyện diễn ra nhân chuyến đi chơi xa cùng Nguyễn Vỹ với ba cô gái bằng tàu hỏa từ Hà Nội lên Yên Bái. Tất cả ngồi cùng toa. Tàu lướt qua bao nhiêu vùng đất lạ, nhưng hôm ấy, chẳng thấy chàng thi sĩ quan tâm đến.
Ngược lại, mắt Nguyễn Nhược Pháp đã phải sững sờ, dán chặt vào một cô gái mặc bộ áo dài đen. Khuôn mặt nàng thanh tú, làn da như trứng gà bóc trên một thân hình cân đối được nhấn mạnh bằng đôi môi chúm chím, đỏ mọng.
Lập tức, vẻ đẹp của nàng đã khiến Nguyễn Nhược Pháp liêu xiêu. Với tính cách rụt rè, hình như chưa bao giờ thấy ai nói chàng là người mạnh dạn, cho nên, suốt cuộc hành trình, Nguyễn Nhược Pháp chỉ dám nhìn trộm, ngắm nàng từ xa bằng ánh mắt như nhìn vào cõi xa xăm, chứ không dám dấn bước làm quen.
Chiều tối, khi tàu đến Yên Bái, cô gái đã ngồi xe kéo chạy nhanh xa khỏi tầm mắt, Nguyễn Nhược Pháp vẫn mơ màng dõi theo, lòng dạ ngổn ngang, xao xuyến.
Nhà thơ tài hoa Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh do gia đình cung cấp |
Cả đêm hôm đó, chàng thao thức chẳng ngủ được, rầm rì nhỏ to với nhà thơ Nguyễn Vỹ. Được biết, chuyến đi chơi đó, là do cô Thanh Tú - là người thầm yêu Nguyễn Nhược Pháp đứng ra chủ trò, tổ chức.
Nguyễn Vỹ viết: “Tôi biết từ lâu rồi, rằng Nguyễn Nhược Pháp không yêu cô Thanh Tú, nhưng Thanh Tú thì yêu Nguyễn Nhược Pháp gần như mê mẩn.
Thanh Tú chủ mưu tổ chức cuộc du hành này, để có cớ mời Nhược Pháp lên nhà. Chết nỗi, ông cụ của cô lại là bạn thân với ông Nguyễn Văn Vĩnh, và nghe đâu, ông cụ cũng muốn gả Thanh Tú cho người con trai giỏi giang mà hiền lành của ông Vĩnh”.
Hôm từ Yên Bái trở về, làm sao, vô tình Nguyễn Nhược Pháp lại đi cùng tàu hỏa với cô gái đó. Tàu vừa dừng, là chàng thi sĩ trẻ mất hút... lướt theo gót giai nhân.
Nguyễn Nhược Pháp đã đeo đuổi cô gái đó có đến cả năm trời. Chàng đã kiên nhẫn tìm được địa chỉ nhà nàng “cô tiên giáng trần”, và đánh tiếng làm quen.
Nhưng thật lạ lùng và buồn bã thay, người con gái đó tỏ ra rất lạnh lùng, thậm chí, nàng đã cương quyết từ chối dứt khoát tình cảm nồng nàn của chàng thi sĩ, cho dù hình như, trong lòng nàng đã có những rung độn.
Thấy bảo, chàng thi sĩ, tuy là người duy nhất được làm quen với nàng, nhưng tình cảm của chàng luôn nằm trong thế tuyệt vọng, chẳng khác gì ném một quả bóng xịt vào tường.
Và cũng có được một ngày, Nguyễn Nhược Pháp liều lĩnh viết lá thư mời cô gái đến để trò chuyện tại nơi ở riêng của Nguyễn Vỹ. Chàng thi sĩ đau khổ, quyết định một lần nữa, dồn tất cả sự liều lĩnh, sẽ nói thẳng lời cầu hôn với nàng. Chàng bấm bụng, đây là lần cuối cùng mình bày tỏ.
Khi gặp nhau, cô gái lặng lẽ nhìn chàng, rồi gục đầu xuống vai, vừa thổn thức, vừa nức nở khóc, và xin chàng tha lỗi... vì em không thể yêu anh được, dù anh là người duy nhất em yêu!
Nói xong, cô vụt chạy khi nước mắt vẫn dàn dụa, mà vẫn không quên chào vĩnh biệt Nguyễn Nhược Pháp.
Ngay ngày hôm sau, có tin báo: Một thiếu nữ đã tự tử trên hồ Trúc Bạch, thi thể được vớt đã chở vào nhà thương Phủ Doãn (bệnh viện Việt Đức ngày nay). Như có linh cảm, Nguyễn Nhược Pháp rủ Nguyễn Vỹ cùng đến bệnh viện.
Nguyễn Nhược Pháp được phép vào nhận mặt nạn nhân, khi chàng quay ra, khuôn mặt chàng thất thần, với sự hoang mang đến tột độ, vì không hiểu tại sao giai nhân lại từ chối lời tỏ tình của mình, và bỏ chạy bằng việc nhảy xuống hồ quyên sinh?!
Người y tá thấy Nguyễn Vỹ là bạn với chàng trai thất thần kia, bèn kéo ra một góc khuất nói nhỏ: “Chúng tôi đã khám nghiệm tử thi. Nhưng có điều khác thường, là cô ấy không phải hoàn toàn là phụ nữ. Những trường hợp người con gái như thế, thường người ta gọi là ái nam ái nữ!".
Chẳng bao lâu, Nguyễn Nhược Pháp cũng đã từ biệt cuộc đời tài hoa của mình khi tuổi đời đang ở ngưỡng thanh xuân phơi phới, mang theo bao nỗi day dứt về trần thế, trong đó có cả mối tình với cô gái bí ẩn ngày nào.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn