'Kêu Thủ tướng' nhìn từ thể chế

Thứ sáu - 28/09/2018 03:22
Chuyện công dân kêu lên Thủ tướng Chính phủ không phải là mới và nếu nhìn một cách bình thường thì việc ấy rất dễ đồng cảm, chia sẻ. Bởi có lẽ phải đến mức “cùng đường, hết nước” thì buộc lòng dân mới phải kêu. Thế nhưng, nhìn lại nhiều vụ việc thì thực tế không hẳn như vừa nêu.
'Kêu Thủ tướng' nhìn từ thể chế

 



Công ty Ba Huân vừa qua có đơn gửi Thủ tướng, nhờ can thiệp để hủy thỏa thuận hợp tác đã ký với VinaCapital - Ảnh minh hoạ: TL
 

Bởi ngoài những người dân “thấp cổ bé họng” bị oan sai, oan khuất “cùng đường” phải kêu lên Thủ tướng, thời gian qua còn có nhiều doanh nghiệp, đại gia “tiềm lực dư thừa”, làm ăn lọc lõi trên thương trường cũng kêu lên Thủ tướng.

Chỉ nhắc những vụ kêu lên Thủ tướng “nổi đình nổi đám” gần đây nhất của các cá nhân, doanh nghiệp cũng thấy không ít băn khoăn, nghi ngại về việc hành xử, thực thi luật pháp từ bộ máy công quyền ở nhiều cấp, nhiều nơi. Cả chuyện “kêu” lẫn chuyện “cứu” trong những vụ việc như thế cũng cho thấy những điều cần xem lại.

Chẳng hạn, vụ “nữ hoàng hột vịt”- Giám đốc Công ty Ba Huân ký kết hợp đồng làm ăn với đối tác khi thấy bất lợi liền “kêu lên Thủ tướng”. Đó là chuyện ông bà chủ cà phê Trung Nguyên lục đục ly hôn, tranh chấp tài sản đã đưa nhau ra tòa xét xử, nhưng bà chủ cũng “kêu lên Thủ tướng”. Đó là chuyện ông bác sĩ, bị can trong vụ chạy thận gây chết hàng loạt bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khi bị tòa xét xử cũng gởi đơn “kêu lên Thủ tướng”.

Lại còn có chuyện 70 khách hàng mua ô tô của một hãng xe bị hư hộp số chưa được bồi thường như ý, những người mua đã khiếu nại đến các cơ quan và cả khiếu kiện ra tòa; họ lại còn gởi cả đơn kêu cứu lên tới Thủ tướng để được xem xét, chỉ đạo giải quyết…

Đó là chưa kể còn rất nhiều vụ việc làm ăn, kinh doanh khác hay việc một số địa phương cho làm các dự án không đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành cũng “kêu”, cũng “xin” lên tới Thủ tướng Chính phủ. Có cảm giác dường như việc gì các doanh nghiệp, cá nhân, chính quyền một số địa phương gặp khó, gặp vướng, cần dựa thế, cũng đều có thể “kêu lên Thủ tướng”.

Trong khi đó, nước ta đã có cả hệ thống luật pháp và bộ máy hành chính, tư pháp đồ sộ đủ cấp, đủ tầng để thực thi cả “rừng luật pháp” ấy. Dưới Hiến pháp đã có bộ luật Dân sự cùng nhiều luật chuyên ngành để quản lý, điều chỉnh các hoạt động, quan hệ, giao dịch dân sự của công dân, doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội.

Về hành chính đã có các luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các quy định, phân định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, thẩm quyền của từng cấp chính quyền và các cơ quan rất cụ thể, rành rành. Pháp luật cũng đã có cả hệ thống các quy định cùng với các bộ máy hành chính, kiểm sát, tòa án các cấp để giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện của công dân, doanh nghiệp.

Đó là chưa kể những hệ thống song trùng của Đảng ở các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp… cũng được “nuôi dưỡng” bằng ngân sách từ nguồn thuế của dân để thực hiện các chức năng hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho từng công dân, tổ chức, doanh nghiệp thành viên thuộc các tổ chức ấy.

Như vậy, nếu tất cả các cơ quan thuộc bộ máy hành chính, tư pháp quốc gia, từ trung ương đến các địa phương, các ngành, các cấp đều thực thi đúng chức năng nhiệm vụ và hành xử theo đúng các quy định pháp luật thì liệu có còn nhiều người dân, doanh nghiệp bị oan sai, phải kêu lên Thủ tướng nữa không? Thực tế, có những vụ việc của công dân, doanh nghiệp “bị ngâm”, “bị dìm” cho tới khi họ kêu lên Thủ tướng, được Thủ tướng chỉ đạo thì mới được xử lý hoặc giải quyết hết oan, hết sai.

Thực tế đó đã tạo ra “niềm tin” và thói quen “kêu lên Thủ tướng” của nhiều người dân, doanh nghiệp như đã diễn ra. Thậm chí, có vẻ như không ít doanh nghiệp đã tận dụng việc “kêu lên Thủ tướng” như một “kênh” khác để đạt được kết quả như họ mong muốn trong làm ăn, tranh chấp. Đó cũng là một hệ quả không nên để tồn tại.

Bởi, nếu như các hệ thống hành pháp, tư pháp hoạt động đúng luật, bình thường thì những việc làm ăn như kiểu của Công ty Ba Huân phải kiện đến tòa, phải hành xử theo Luật Dân sự và các quy định luật pháp về kinh tế, thương mại để giải quyết. Hay chuyện hôn nhân lục đục, tranh chấp tài sản của vợ chồng cà phê Trung Nguyên muốn giải quyết cũng đã có tòa, có Luật Hôn nhân và gia đình và các luật lệ liên quan...

Vì vậy, chuyện để dân kêu hay doanh nghiệp cứ kêu lên Thủ tướng “như cơm bữa” không thể xem là bình thường và để “tiếp tục phát triển”. Bởi, cùng với thực trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, tình trạng cứ để dân kêu, doanh nghiệp kêu cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng, của cấp trên mới chịu xử lý, giải quyết đúng pháp luật là chỉ dấu chứng tỏ đang có tình trạng “chờ nhắc, chờ chỉ đạo” của cán bộ, lãnh đạo ở nhiều cơ quan, địa phương liên quan trong bộ máy công quyền.

Đó là một “tệ nạn hành chính” cần phải loại bỏ, bởi nó có thể cản ngại việc vận hành, phấn đấu xây dựng “chính phủ liêm chính, hành động” cùng những cố gắng mong muốn “cải cách thể chế” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc đến.

Nguồn tin: Người đô thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây