Công trình độ sộ có nhiều đường nét, bố cục kiến trúc tương tự Văn Miếu – Quốc Tử giám ở Hà Nội nằm tại khu đô thị Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên. Công trình này được khởi công từ năm 2012 đã đi vào hoạt động được nửa năm nay và đón một lượng lớn du khách đến thăm quan.
Theo Ban quản lý di tích Văn Miếu (Vĩnh Phúc) cho biết, các hạng mục của công trình giai đoạn một đã hoàn thành. Các hạng mục giai đoạn hai đang trong đang trong quá trình hoàn thiện nhưng Văn Miếu đã mở cửa đón du khách đến thăm quan. Một số điểm gần khuôn viên Văn Miếu có cỏ dại mọc, nhân viên di tích hàng ngày vẫn hương khói, chăm sóc cây cối, nhổ bớt cỏ…
Qua nhiều hội thảo, hiện tại Văn Miếu (Vĩnh Phúc) là nơi thờ bài vị Khổng Tử, Chu Văn An và 393 vị khoa bảng ngạch văn và ngạch võ của tỉnh Vĩnh Phúc trải qua các thời kỳ từ thời Lý đến thời Nguyễn. Hiện khu công viên sát Văn Miếu đã hoàn thiện, rất đẹp, đây là nơi để người dân đến nghỉ ngơi, tập thể dục… đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Đến tham quan Văn miếu Vĩnh Phúc du khách dễ dàng nhận thấy đây là công trình kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại. Văn Miếu là quần thể kiến trúc tập hợp nhiều công trình- mỗi công trình vừa là thành tố của cả quần thể, vừa có chức năng riêng được bố trí theo thứ tự từ ngoài vào trong (kiểu đối xứng trên trục thần đạo) gồm: Tứ trụ, cầu đá, Văn miếu môn, giếng thiên quang, nhà bia Tiến sĩ, Đại Thành môn, gác chuông, gác trống, tả mạc, hữu mạc, sân hành lễ và khu nhà thờ chính.
Phần cổng Nghi Môn Nội với tứ trụ bằng đá xanh Ninh Vân (Ninh Bình)
Qua Tứ trụ là cầu đá để bước vào bên trong. Cầu đá được thiết kế bằng chất liệu đá khối xanh tự nhiên, chạm khắc hoa văn. Đây là điểm nhấn trước khi vào không gian tiếp theo
Qua cổng Nghi Môn Nội, du khách sẽ thấy các hạng mục như nhà che bia tổng, hồ Thiền Quang, nhà bia hai bên tả - hữu, đại thành môn, gác chuông, sân hành lễ, đền thờ chính, đại bái, hậu cung... rất giống di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội
Đối xứng hai bên Giếng Thiên Quang là hai dãy nhà bia Tiến sĩ. Tương tự ở Văn Miếu Hà Nội, mỗi bên có một hàng gồm 9 bia, khắc tên 91 vị đỗ Đại khoa của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn
Gác chuông, gác trống: Hai nhà gác chuông và gác trống có kích thước và quy cách kiến trúc như nhau đối xứng qua trục thần đạo và có cùng trục dọc với tả mạc, hữu mạc. Gác chuông, gác trống đều có hai tầng, mặt bằng 6x6m, cao 6,5m bằng gỗ kết cấu giản đơn hình thức cổ truyền.
Hạng mục quan trọng và bề thế nhất là khu nhà thờ chính, gồm 2 tòa tiền đường và hậu cung
Tiền đường nối với hậu cung bởi một nhà cầu hay còn gọi là ống muống, có mái che bằng gỗ sơn son thếp vàng. Vật liệu chủ yếu được dùng để dựng lên khu nhà này là đá và gỗ.
Tiền đường là nơi làm lễ trước khi vào hậu cung. Tại gian chính giữa của Tiền đường được đặt ban công đồng thờ chân linh các vị tiên hiền tiên thánh
Các không gian còn lại là nơi giới thiệu, tôn vinh các danh nhân đương đại của tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1945 đến nay
Nhiều hạng mục được làm bằng gỗ lim với hoa văn chạm trổ cầu kỳ
Tầng 2 chính điện đều được sơn son thếp vàng bắt mắt. Chính điện- là nơi phụng thờ các bậc Tiên thánh và thờ 86 vị đỗ Tiến sĩ Nho học của tỉnh Vĩnh Phúc trải các thời kỳ từ thời Lý đến thời Nguyễn
Tại hai gian dĩ ở hai đầu hồi bố trí mỗi bên một bàn sách, trên mỗi bàn có đặt một cuốn sách đồng lớn, nội dung ghi thân thế sự nghiệp của 86 vị Đại khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Hình ảnh khu công viên bên ngoài sát Văn Miếu đã hoàn thiện
Trước đây, việc tỉnh Vĩnh Phúc chi gần 300 tỷ đồng xây Văn miếu đã gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc đang lãng phí nguồn ngân sách khi đầu tư xây dựng một Văn miếu hoành tráng, trong khi trên địa bàn tỉnh này có rất nhiều dự án phục vụ cho an sinh, xã hội đang cần vốn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc để thờ Khổng Tử, một danh nhân Trung Quốc. |
Tác giả bài viết: Hồng Phú
Nguồn tin: danviet.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn