Chép bài, đứng bục giảng, đuổi ra khỏi lớp…
Anh Vương Tuấn, một giáo viên cấp 3 ở Nghệ An, cho biết trong nhiều năm đi dạy, anh đã dùng nhiều biện pháp để rèn luyện học sinh, bao gồm cả biện pháp nhẹ và biện pháp mạnh.
Với những lỗi như nói chuyện trong lớp, anh sẽ nhắc nhở. Khi học sinh tiếp tục tái phạp nhiều lần, anh ghi vào sổ đầu bài, báo giáo viên chủ nhiệm phạt học sinh.
Riêng với lỗi không làm bài tập, không học bài về nhà, anh cũng nhắc nhở. Nếu tái phạm, học sinh bị phạt bằng việc làm thêm bài tập về nhà và sau đó kiểm tra riêng học sinh vi phạm.
Cũng có lần, anh thẳng tay “phết” cho học sinh một điểm 0 vào sổ điểm, dù sau đó cho khắc phục và chữa thành điểm 6.
“Một lần, trong giờ mà học trò quá ồn ào, đó là những em cá biệt nên khi tôi nhắc nhở thì em chống đối. Tôi yêu cầu em lên góc bảng đứng. Nhưng lên trên đứng rồi em vẫn lại trêu các bạn ở dưới lớp. Tôi đã cho em một “bạt tai” và đuổi ra khỏi lớp” - anh Tuấn kể.
Theo anh Tuấn, sau đó, anh cảm thấy hối hận nên đã tới nhà học trò để nói chuyện tìm sự thông cảm. Rất may, gia đình và em đều hiểu nên không có ý kiến gì thêm. Từ đó trở đi, học trò này đã rất nghiêm túc chấp hành nội quy, nên anh không còn phải nhắc nhở lần nào nữa.
Cô Trần Diệu Hương, giáo viên ở Quận Thủ Đức (TP.HCM), tự nhận mình là người nghiêm khắc nên đầu năm học, được phân công dạy lớp nào cô cũng đưa ra những quy định riêng cho học sinh lớp đó. Sau đó, cô và cả lớp sẽ thỏa thuận với xem hình phạt như vậy có thích hợp, học trò có phục không. Nếu được học trò cho là thích hợp và “thông qua” thì áp dụng.
Thông thường là các hình phạt là chép bài, làm bản kiểm điểm, ghi sổ đầu bài, báo giáo viên chủ nhiệm, đứng lớp, đuổi ra khỏi lớp.
Cô Hương cho biết đã nhiều lần yêu cầu học sinh lên bảng đứng hết cả tiết học vì làm mất trật tự.
“Khi gọi lên, tôi hỏi "em biết mình sai ở đâu chưa?", nhưng em này không nói. Tôi yêu cầu em đứng ở góc bảng nhìn xuống cả lớp, hết tiết học mới cho về chỗ” - cô Hương nói.
Tìm hiểu nguyên nhân kỹ lưỡng
Cô Thu Nguyệt, giáo viên dạy Hóa ở Quận 11 (TP.HCM), đưa ra quan điểm tùy từng đối tượng học sinh mà áp dụng hình phạt, vì không phải học sinh nào cũng có tính cách giống nhau.
Cô Nguyệt cho rằng có học sinh thích nhẹ nhàng, chỉ nhắc nhở một lần các em sẽ sửa, nhưng với học sinh cá tính mạnh thì giáo viên cũng cất công hơn.
“Đối với những học sinh mới vi phạm lần đầu, tôi sẽ nhắc nhở để các em không tái diễn lần thứ hai.
Với những em nhiều lần không làm bài tập về nhà hoặc không học bài thì tôi sẽ cho điểm thấp, nhưng vẫn dành cơ hội để các em sửa chữa.
Với những em nhắc nhở nhiều lần không được, thì phải phạt bằng cách ghi vào sổ đầu bài. Cũng có trường hợp tôi mời phụ huynh lên làm việc” - cô Nguyệt cho biết.
Anh Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3 TP.HCM), hình thức phạt anh thường áp dụng đối với học trò không học bài là bắt chép bài nhiều lần, vì mục tiêu cho hình phạt là giải quyết vấn đề còn thiếu của các em:
"Chép bài nhiều lần để các em hiểu và học thuộc bài".
Đối với những học trò nói chuyện, mất trật tự trong lớp lần đầu, anh sẽ nhắc nhở để học trò im lặng. Vẫn tái diễn, anh yêu cầu đứng lên và hỏi lý do. Nếu học sinh có lý do chính đáng thì cho ngồi xuống học tiếp, nếu không sẽ yêu cầu ra khỏi lớp để không làm ảnh hướng tới các bạn khác.
“Bất kỳ vi phạm nào của các em cũng có lý do riêng, nên giáo viên phải tìm hiểu vì sao học sinh phạm lỗi để giải quyết” - anh Du nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Thúy, giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1, TP.HCM) nhận xét việc nói chuyện trong giờ học, không làm bài tập, mất trật tự là lỗi thường xuyên học trò mắc phải. Vì vậy, khi học sinh vi phạm, cô gặp riêng để hỏi lý do, sau đó sẽ phân tích nguyên nhân cho các em hiểu.
“Vì dụ học sinh đi học muộn tôi sẽ hỏi vì sao con đi muộn. Nếu con nói vì mẹ chở con đi muộn thì tôi sẽ nhắc bé về nói với mẹ chở con đi sớm hơn, vì mẹ chở muộn thì con bị muộn học, con muộn học sẽ ảnh hướng tới cá nhân con và tới cả lớp. Cả cô cũng bị nhà trường phạt nữa.
Riêng những học sinh vi phạm 2-3 lỗi/tuần, tôi yêu cầu các em viết bản kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh, với mục đích thông báo cho phụ huynh biết. Nếu học sinh không tiến bộ và vẫn vi phạm, tôi sẽ gọi điện thông báo trực tiếp cho phụ huynh”.
“Trong bất kỳ trường hợp nào, giáo viên cũng phải tìm hiểu nguyên nhân và khéo léo xử lý, để học sinh tự nhận ra lỗi của mình và thay đổi. Không phải ép là các em theo được ngay, và nhất là không được làm các em tổn thương” - cô Thúy nói.
Điều 42. Khen thưởng và kỷ luật 1. Học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây: a) Khen trước lớp, trước trường; b) Khen thưởng cho học sinh tiên tiến, học sinh giỏi; c) Cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, nếu đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; d) Các hình thức khen thưởng khác. 2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây: a) Phê bình trước lớp, trước trường; b) Khiển trách và thông báo với gia đình; c) Cảnh cáo ghi học bạ; d) Buộc thôi học có thời hạn. (Trích Thông tư 11/2011 của Bộ GD-ĐT về Ban hành điều lệ Trường THCS, Trường THPT và Trường THPT có nhiều cấp học) |
Tác giả bài viết: Tuệ Minh
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn