Doanh nhân hiến 5.000 lượng vàng và chuyện chữ tín, lòng tin

Chủ nhật - 12/11/2017 02:43
(Vietnamnet) - Đất nước muốn phát triển như nhiều quốc gia văn minh, làm sao nhà nước phải thực sự tin vào doanh nhân và ngược lại, doanh nhân cũng có đủ cơ sở đặt niềm tin vào nhà nước...
Doanh nhân hiến 5.000 lượng vàng và chuyện chữ tín, lòng tin

 

Bà Hoàng Thị Minh Hồ, người cuối cùng của giới tư sản yêu nước giai đoạn Cách mạng tháng Tám, quả phụ của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, vừa ra đi hôm 5/11 ở tuổi 104. Ông bà là tấm gương sáng của thế hệ doanh nhân Việt Nam yêu nước và có những đóng góp vô cùng lớn lao. Lịch sử, báo chí đã ghi lại chuyện ông bà đã hiến tặng Chính phủ Cách mạng hơn 5.000 lượng vàng, chuyện ngôi nhà 48 Hàng Ngang giá trị vô cùng lớn, nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, sau này đã được ông bà hiến tặng cho nhà nước để làm Nhà lưu niệm Lịch sử…

Tiếc rằng, chính sách cũng như ứng xử của chúng ta sau này với những doanh nhân hết lòng vì đất nước ấy đã thiếu trọn vẹn, không đủ sự trân trọng như cần có. Ảnh: Linh Tâm (TTO).

Chính vì thế, không ít người cảm thấy day dứt khi bà Hoàng Thị Minh Hồ ra đi mà vẫn đang phải "ở nhờ" tại chính ngôi nhà 34 Hoàng Diệu của gia đình mình. Khi mà việc đưa tên Trịnh Văn Bô vào danh sách đặt tên đường phố ở Hà Nội, đến mãi năm 2016, gần 30 năm sau khi ông mất, bất thành với lý do người dân khu vực “không biết ông là ai”. Chỉ đến mới đây, sau khi bà Hoàng Thị Minh Hồ mất, ngày 7/11, chính quyền Hà Nội cho hay đã trình HĐND TP phương án đặt đổi tên đường phố, trong đó ông Trịnh Văn Bô được đề nghị đặt tên cho một phố thuộc quận Cầu Giấy.

Sự ra đi của bà Hoàng Thị Minh Hồ khiến chúng ta thêm một lần ngẫm nghĩ về những tấm gương doanh nhân lớn, hết lòng vì dân tộc một thời, ngẫm về câu chuyện chữ tín và niềm tin…

Gia đình ông bà và nhiều doanh nhân yêu nước ngày ấy là tầng lớp doanh nhân rất đặc biệt. Họ có một nền tảng văn hoá rất đáng trân trọng, cùng chung tay gây dựng và bảo vệ đất nước, chống lại thù trong giặc ngoài bao vây, uy hiếp mà không tính toán so đo hơn thiệt, với một niềm tin sâu sắc vào cách mạng. Ngược lại, niềm tin của cách mạng với họ khi đó cũng rất mạnh mẽ.

Có những người như vợ chồng doanh nhân Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền từng ngồi tù vì tham gia cách mạng và bị đánh đập dã man mà dứt khoát không khai báo.

Doanh nhân Đỗ Đình Thiện. 

Trong Tuần lễ Vàng, ông ủng hộ 100 lượng vàng và 10 vạn đồng Đông Dương (không kể sau đó tham gia đấu giá mua bức chân dung Hồ Chủ tịch 1 triệu đồng rồi tặng luôn cho chính quyền Hà Nội). Nên nhớ, ngân khố quốc gia ngày đó, khi cách mạng vào tiếp quản chỉ có vỏn vẹn 1,2 triệu đồng bạc rách nát, thực ra là tiền không thể tiêu được.

Đó là chưa kể, khi Đảng còn hoạt động bí mật, vào năm 1943, quỹ Đảng chỉ vỏn vẹn có 24 đồng Đông Dương. Ngay khi được nhờ trợ giúp, bà Trịnh Thị Điền đã đưa luôn 3 vạn đồng Đông Dương cho Quỹ, khiến vị trưởng ban kinh tài của Đảng Nguyễn Lương Bằng phải sững sờ vì đây là số tiền quá lớn...

Tôi còn được biết, lẽ ra, nếu cơ sở buôn bán tơ lụa ở 54 Hàng Gai của gia đình ông bà rộng rãi và có thể thoát hiểm an toàn một khi bị lộ, thì nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội sau ngày Tổng khởi nghĩa đã không phải là số nhà 48 Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô, mà là nhà ông. Bởi dù sao, ông bà đều là người đã và đang hoạt động cách mạng, là cơ sở qua lại của cán bộ ta.

Vì căn nhà chưa đủ đảm bảo an toàn nên khi tổ chức yêu cầu, bà Trịnh Thị Điền là chỗ bạn thân với gia đình ông bà Trịnh Văn Bô, đã phải suy tính và quyết định bảo lãnh trước ông Nguyễn Lương Bằng, được Đảng phân công tìm cơ sở an toàn, để đưa Bác Hồ và Ban thường vụ Trung ương Đảng bí mật về nhà cụ Trịnh Văn Bô.

Tôi kể lại chi tiết này để thấy, khi quyết định đưa Bác Hồ và đoàn cán bộ quan trọng đến ở tại gia đình tư sản Trịnh Văn Bô, không hề là cơ sở cách mạng cũ, thì quả là một quyết định táo bạo, rất mạo hiểm nếu Đảng không có đủ niềm tin vào giới tư sản yêu nước như họ. Phải chăng, trong cả chặng đường cách mạng ngày đó, chúng ta giành thắng lợi vẻ vang như vậy cũng xuất phát từ những niềm tin tương tự đối với các giai tầng xã hội. Niềm tin lẫn nhau quan trọng là thế!

Tiếc rằng, chính sách cũng như ứng xử của chúng ta sau này với những doanh nhân hết lòng vì đất nước ấy đã thiếu trọn vẹn, không đủ sự trân trọng như cần có. Như câu chuyện với gia đình ông Trịnh Văn Bô, tôi đã kể nhiều, nên không muốn nhắc tường tận ở đây.

Nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô nay thành nhà lưu niệm.

Ngày 8/11, trả lời phỏng vấn, nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn cho rằng: “Việc căn nhà của ông bà Trịnh Văn Bô đến giờ, về mặt pháp luật cũng vẫn chưa hoàn thiện cũng chính là điểm để mọi người nhìn vào và đánh giá xem Nhà nước đối xử như thế nào với những người như vậy. Tôi không nói đến chuyện hơn 5.000 lượng vàng hay bao nhiêu tài sản họ đã đóng góp mà riêng việc họ đi cùng cách mạng cho đến ngày hôm nay, đã hi sinh rất nhiều những lợi ích vật chất của mình… với một niềm tin tưởng như vậy cũng chính là một thử thách với chế độ chúng ta. Hãy đáp lại lòng tin vì nếu ta để làm mất lòng tin nghĩa là mất tất cả. Câu chuyện này, cuối cùng, chính là chuyện về sự thử thách lòng tin.”[1]

Lòng tin cũng là điều được GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: “Người kinh doanh chân chính luôn giữ gìn đạo lý "chữ tín quý hơn vàng". Khi đã tin, đã tín thì vì đại nghĩa, vàng bạc cũng được hiến dâng không nuối tiếc. Vậy nên, việc nhà nước tri ân xứng đáng những "tấm lòng vàng" như các cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ cũng là để giữ gìn chữ tín của chính quyền đối với nhân dân." [2]

Còn nhớ, tháng 9 vừa qua, phát biểu tại buổi tọa đàm với một số doanh nghiệp tư nhân lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: "Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển? Do môi trường kinh doanh hay thuế khoá, lao động, môi trường thì nhà nước cần làm gì nữa để khối DN tư nhân phát triển? Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?”.

Nghị quyết Trung ương 5 (khoá 12) vừa qua cũng đã có hẳn chuyên đề về vai trò của kinh tế tư nhân đối với kinh tế nước nhà. Đó là hướng đi đúng bằng một cách nhìn đúng sau nhiều chục năm chúng ta tuy cũng có nói đến khu vực doanh nghiệp này nhưng còn rất khiêm tốn, thậm chí phạm phải sai lầm thêm hơn một lần ở miền Bắc đầu những năm 1970 và cải tạo tư sản ở miền Nam sau ngày giải phóng 1975.

Để doanh nghiệp tư nhân phát triển, chắc chắn còn rất nhiều điều nhà nước cần làm, nhưng một điều quan trọng hàng đầu là câu chuyện niềm tin. Đất nước muốn phát triển như nhiều quốc gia văn minh, làm sao Nhà nước phải thực sự tin vào doanh nhân và ngược lại, doanh nhân cũng có đủ cơ sở đặt niềm tin vào nhà nước...

Tác giả bài viết: Quốc Phong

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây