Đề xuất ba mức kỷ luật với cán bộ đã nghỉ hưu

Thứ tư - 17/04/2019 21:09
Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những điểm mới đáng chú ý trong lần sửa đổi này là quy định về việc xử lý cán bộ về hưu có vi phạm.
Đề xuất ba mức kỷ luật với cán bộ đã nghỉ hưu
Ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
 Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, dự thảo luật đã bổ sung điều 84, quy định cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Ủng hộ chủ trương này, tuy nhiên để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị tách nội dung này thành điều riêng quy định theo hướng: Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định.
Đồng tình với quy định trên, song Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ hưu cần phải được cụ thể thêm, vì trong Đảng đã có các quy định để xử lý kỷ luật một cách nghiêm túc. Còn ở phía chính quyền nên cụ thể hóa các hình thức kỷ luật như cách chức, hay giáng chức chứ không nên quy định chung chung.

Tìm người tài chứ không “chờ nộp đơn xin”
 Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị bổ sung thêm chính sách đối với “nhân tài”, bởi người giỏi, người có tài khác với nhân tài. “Nếu chỉ có chính sách với người có tài năng mà không có chính sách với nhân tài thì sẽ thiếu. Song điều quan trọng không chỉ thu hút, bồi dưỡng mà phải trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng”, ông Chiến cho hay.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần quan tâm đến việc phát hiện và tuyển dụng người tài năng. Bởi trên thực tế hiện nay, đa phần các cơ quan chỉ chờ “người đến xin việc” chứ ít phát hiện, chủ động tìm đến họ. Cũng có trường hợp, có nơi phát hiện ra người tài và đưa về làm việc, nhưng lại bị vướng quy trình. 
Theo ông Hiển, phát hiện ra người tài đã quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sử dụng họ như thế nào. Qua thực tế đi làm việc với các viện nghiên cứu, ông Hiển “nghe anh em nói mà thấy xót xa lắm”. Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng về một Viện KH&CN của Bộ Công Thương. “Thấy anh em sống lay lắt, kiếm ăn từng bữa, như vậy thì lấy đâu thời gian mà nghiên cứu?”, ông Hiển nói và cho biết, hiện đang có việc người tài không muốn làm công chức vì lương thấp. Cho nên phải cụ thể hóa vào trong luật, nếu không sẽ không thu hút được người tài.
Từ thực tế khi làm việc ở địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị có hẳn một cơ quan để đi thu hút nhân tài. Theo ông Thanh, trước kia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã giao cho Ban Tổ chức đi phát hiện người tài. Luật này cũng phải có cách để các cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện có đầu mối đi phát hiện và thu hút nhân tài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ hưu cần phải được cụ thể thêm, vì trong Đảng đã có các quy định để xử lý kỷ luật một cách nghiêm túc. Còn ở phía chính quyền nên cụ thể hóa các hình thức kỷ luật như cách chức, hay giáng chức chứ không nên quy định chung chung.

 

 

Tác giả bài viết: THÀNH NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây