Thảo luận tại hội trường về Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sáng 26/10, nhiều đại biểu cho rằng, quyền lợi của người gửi tiền vẫn chưa được thể hiện rõ trong dự luật sửa đổi. Đây là lần thứ 2 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật này, sau khi thảo luận, chỉnh lý và tiếp thu từ kỳ họp trước.
Góp ý vào dự luật đã được chỉnh lý, tiếp thu, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) cho rằng, việc sửa đổi của Luật các tổ chức tín dụng lần này vẫn mang tính chắp vá, chưa toàn diện. Quyền lợi của người gửi tiền vẫn chưa được quy định rõ nét trường hợp ngân hàng đổ vỡ, phá sản, trong khi đây là cổ đông đặc biệt của ngân hàng khi góp 85% vốn huy động. Theo quy định hiện hành, người gửi tiền được chi trả bảo hiểm tiền gửi một mức chung là 75 triệu đồng cho tất cả các hạn mức gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản.
“Tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền trường hợp ngân hàng phá sản vẫn theo mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng là quá thấp. Không thể người gửi 100 tỷ đồng và người gửi 100 triệu cũng đều nhận số tiền đền bù cào bằng như nhau, là 75 triệu đồng. Người gửi tiền phải được nhận lại số tiền ứng với số đã gửi”, bà Thuý nói.
Cùng quan điểm, Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho rằng, một khi ngân hàng phá sản thì phải “trả cả tiền gốc, lãi cho người dân”, để tránh hiệu ứng domino rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ dây chuyền cả hệ thống. “Không trả đúng, đủ cho người dân sẽ khiến họ mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề nghị người gửi tiền được trả vượt hạn mức quy định của bảo hiểm tiền gửi hiện tại trường hợp ngân hàng phá sản. |
Đại biểu Nguyễn Công Nhường (Bình Định) đề nghị cần quy định chi trả “vượt hạn mức” tiền gửi cá nhân khi ngân hàng đổ vỡ, để đảm bảo tránh đổ vỡ ngân hàng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi tới Quốc hội, đến nay hệ thống ngân hàng đã xử lý được 22 tổ chức. Tổng tài sản của hệ thống tín dụng đã lên đến 9 triệu tỷ đồng, trong đó tổng tài sản của các ngân hàng là hơn 8 triệu tỷ. Riêng tiền gửi của dân cư chiếm khoảng 4 triệu tỷ đồng.
Trước những lo ngại này, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank nêu ý kiến, vấn đề hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền khi phá sản ngân hàng tại báo cáo giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ quyết định biện pháp đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đảm bảo an ninh tiền tệ...
“Tôi thấy quy định như trên chưa rõ ràng, có thể khó khăn cho thực hiện. Vì khái niệm biện pháp cho vay đặc biệt chưa rõ là biện pháp gì, có bao hàm cho vay bắt buộc không”, ông nói.
Chủ tịch VietinBank phân tích thêm, trường hợp cho vay đặc biệt nhưng không thu hồi đủ thì tiền thiếu hụt sẽ phải xin ý kiến Quốc hội, trong khi tiền đã đưa ra trả cho người gửi tiền rồi. Với các khoản vay không thu hồi được thì chưa rõ ai sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn nếu cho phép sử dụng nguồn lực Nhà nước để hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức thì sẽ có khoảng trống khi ngân hàng phá sản, không đủ tiền trả cho người gửi, sẽ gây mất an toàn hệ thống.
Giải trình thêm trước Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, dự luật đã cho phép Chính phủ áp dụng các giải pháp đặc biệt, do đó có thể quy định chi trả vượt hạn mức cho người gửi tiền trong trường hợp đặc biệt. "Việc quy định trả vượt hạn mức cho người gửi tiền trường hợp ngân hàng rơi vào kiểm soát đặc biệt, Quốc hội có thể xem xét thêm và quyết định", ông nói thêm.
Cũng góp ý vào dự luật chỉnh lý, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh quan điểm không dùng ngân sách "giải cứu" ngân hàng yếu kém.
Theo bà Vũ Thị Lưu Mai – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, dự luật nêu không sử dụng ngân sách Nhà nước xử lý ngân hàng yếu kém, nhưng thực tế việc đưa ra các giải pháp "giải cứu" số nhà băng này như cho vay các khoản vay đặc biệt với mức ưu đãi lãi suất 0%, hay được miễn phí bảo hiểm tiền gửi… thì đã dùng ngân sách gián tiếp để cứu ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt.
“Trường hợp cho vay rồi nhưng sau đó các ngân hàng này không thể phục hồi, vẫn phá sản và không có khả năng thanh toán các khoản vay thì ai sẽ chịu trách nhiệm? tiền ngân sách bỏ ra cho vay lấy lại thế nào?”, bà Mai nói, đồng thời nhấn mạnh, đã quy định không sử dụng ngân sách cứu ngân hàng yếu kém thì dù trực tiếp hay gián tiếp đều không nên.
Tán thành quan điểm này, ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng băn khoăn khi dự luật đưa ra loạt biện pháp hỗ trợ với ngân hàng trong diện bị kiểm soát đặc biệt. Dẫn kinh nghiệm các nước, ông cho hay, họ thừa nhận việc dùng tiền thuế đóng góp của dân vào giải cứu ngân hàng, nhưng có phương án phục hồi rõ ràng và “giám sát chặt chẽ từng đồng đôla gói giải cứu đó”.
“Nếu không dùng ngân sách trực tiếp, mà lại gián tiếp giải cứu qua loạt biện pháp thì phải tính toán cụ thể sẽ đạt được hiệu quả thế nào sau thời gian xử lý. Chúng ta không nên né tránh, người dân được quyền biết họ đóng thuế và tiền thuế đó được dùng thế nào”, đại biểu TP HCM nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, dự luật đang thiếu sự nhất quán trong đưa ra nguyên tắc không dùng ngân sách cơ cấu lại ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. “Đưa ra quy định ngân hàng được vay các khoản vay đặc biệt, thực chất đây là ngân sách Nhà nước. Nếu tái cơ cấu không thành công thì chúng ta lại mất vốn”, ông Minh lo ngại.
Từ thực tế trong ngành ngân hàng, ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch VietinBank cho rằng, trường hợp phải cân đối chấp nhận bỏ ngân sách hỗ trợ các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt thì đó cũng là “khoản tiền rất nhỏ, nhưng sẽ đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, xã hội”.
“Tôi đề nghị cho phép Chính phủ được sử dụng nguồn lực Nhà nước hỗ trợ bồi thường tín dụng trong trường hợp phá sản”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Anh Minh
Nguồn tin: kinhdoanh.vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn