“Nhận thêm dễ, cắt đi khó”
“Ai cũng nói đến việc giảm biên chế. Nhưng theo tôi, cần cải cách bộ máy. Làm thế nào sắp xếp lại, làm thế nào để thay đổi về số lượng người hưởng lương ngân sách, điều này rất khó, vì nhận thêm dễ cắt đi khó” - ông Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, nói về vấn đề chi cho bộ máy tại một hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây.
“Tôi thấy người ra quyết định sa thải biên chế hàng loạt vào đầu những năm 90 là người cực kỳ dũng cảm. Như chúng ta biết, một loạt người tự nhiên ra khỏi biên chế, lúc đó chi thường xuyên giảm đột ngột. Có lẽ giờ cần có phương pháp nào đó làm vậy mới hy vọng giảm chi thường xuyên”, ông Vũ Sỹ Cường nói. “Nếu không cũng chỉ là nửa vời”.
Một vài số lượng về công chức, viên chức trong bộ máy hành chính. |
Chi cho bộ máy quá lớn là điều “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng chưa thay đổi được bao nhiêu.
Khi góp ý cho ngân sách 2017-2018, Kiểm toán Nhà nước cũng đặc biệt lưu ý đến con số chi thường xuyên.
Dự kiến năm 2018 chi thường xuyên (chưa bao gồm dự kiến chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) trên 940 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng chi ngân sách nhà nước, thấp hơn tỷ trọng chi thường xuyên ước thực hiện năm 2017 (64%).
Nếu tính cả dự kiến chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế, chi thường xuyên là hơn 976 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng chi ngân sách nhà nước. Điều này, theo Kiểm toán Nhà nước là phù hợp với định hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% theo Kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm 2016-2020 .
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục khuyến nghị cần tập trung tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, thực hiện đẩy mạnh tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp để giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư phát triển, đặc biệt công trình trọng điểm, cấp thiết và vùng đặc biệt khó khăn.
Bộ máy cồng kềnh đã được Đoàn giám sát về cải cách bộ máy hành chính nhà nước 2011-2016 của Quốc hội “phác thảo”.
Việc tinh giản biên chế đã được thực hiện. Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện trong giai đoạn 2011-2016 có xu hướng giảm, đặc biệt là trong giai đoạn 2014-2016, với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế và tiếp tục giảm trong năm 2017.
Còn trong giai đoạn 2011-2016, mặc dù tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương vẫn tăng nhưng tăng ở mức độ thấp.
Số lượng viên chức từ 2011-2016 |
Ngoài ra, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ về tài chính bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến năm 2015, cả nước có trên 30.200 đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ tài chính, tăng hơn 7.600 đơn vị so với năm 2006.
Chi cho bộ máy lớn là một trong những lý do khiến nợ công tăng. Ảnh: L.Bằng |
Còn chưa đạt mục tiêu
Dù vậy, giải quyết vấn nạn bộ máy cồng kềnh vẫn chưa được như ý. Chẳng hạn, theo đoàn giám sát của Quốc hội, một số địa phương có số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, số lượng phó phòng cấp huyện vượt quá quy định. Thế nhưng, Đoàn giám sát của Quốc hội vẫn ghi nhận thực tế ở nhiều địa phương do quá nhiều cuộc họp, hội nghị triển khai công việc, không gắn với nguyên tắc làm việc theo chế độ chuyên viên,... nên địa phương nào, cơ quan nào cũng thiếu cấp phó để đi họp.
Kết quả việc tự chủ với đơn vị sự nghiệp cũng còn khiêm tốn. Trong số hơn 30 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ có hơn 1.000 là tự chủ được chi phí hoạt động, còn lại vẫn do ngân sách đảm bảo một phần hay toàn bộ.
Ngay cả việc tinh giản biên chế cũng chưa thực chất. Tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 là 17.694 người. Kết quả này, việc tinh giản biên chế thực hiện đến hết năm 2016 vẫn còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, theo đoàn giám sát của Quốc hội, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Đối tượng tinh giản được thống kê tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học; chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.
Ông Vũ Sỹ Cường đánh giá: Chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam không đạt được kết quả tốt trong việc cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công, tốc độ tăng cho chi hành chính giai đoạn 2010-2016 là 19% mỗi năm trong khi con số này giai đoạn 2001-2005 chỉ là 17%. Ví dụ, riêng số chi quản lý hành chính cho các cơ quan trung ương đã tăng hơn 12 lần, từ 3.000 tỷ năm 2004 lên hơn 37.000 tỷ năm 2015. Có 2 lý do chính của chi quản lý hành chính tăng là tăng lương và tăng biên chế.
Theo ông Cường, tổng chi lương của Chính phủ qua hợp lý hóa về biên chế còn chưa được thực hiện. Tổng chi lương của Việt Nam tương đối cao so với các quốc gia khác trong khu vực nhưng tương đương các quốc gia thu nhập trung bình. Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay, tỷ lệ chi lương của Việt Nam có thể dễ dàng vượt mức bình quân của các quốc gia thu nhập trung bình trong thời gian ngắn. Tỷ lệ chi lương của Chính phủ trên GDP có thể lên đến 11,1% GDP vào năm 2020, cao hơn so với tỷ lệ hiện nay của các quốc gia thu nhập cao.
Tác giả bài viết: Lương Bằng
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn