LTS: Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái quy định, biến tướng diễn ra hàng ngày, hàng giờ từ thành thị đến nông thôn, len lỏi cả trong thôn, ngõ, ấp,… để lại nhiều hậu quả xấu tác động đến vai trò, vị trí, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức người thầy và ảnh hưởng rất lớn đối với học sinh.
Bản thân là một nhà giáo, tác giả Bùi Nam xin nêu thêm những mặt trái của dạy thêm học thêm trong trường phổ thông hiện nay. Tác giả cũng mong nhận được sự chia sẻ, góp ý chân thành của độc giả và đồng nghiệp trên cả nước.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đa số giáo viên dạy thêm vì….tiền
Thật chua chát khi nói đến một sự thật không thể chối cãi rằng, đa số giáo viên dạy thêm là vì tiền, vì thu nhập của giáo viên hạn chế.
Những giáo viên trên cật lực phản đối cấm dạy thêm, hay bất chấp pháp luật, quy định để dạy thêm trái quy định mục đích duy nhất là tiền.
Học thêm đang là gánh nặng của học sinh. (Ảnh minh họa: ST). |
Còn nhớ một sự kiện khi Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành chủ trương cấm dạy thêm ngoài nhà trường, thì nhiều giáo viên phản đối nhưng lý do phản đối là thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên đành dạy thêm.
Tôi không thấy thật sự mục đích cao cả của dạy thêm, học thêm là nâng cao chất lượng học sinh yếu, giúp học sinh học tốt hơn, có đạo đức hơn…
Vì thu nhập của giáo viên trong trường phổ thông còn hạn chế nhưng thu nhập từ dạy thêm rất lớn (gấp 5 – 10 lần thậm chí 20 lần) nên nhiều giáo viên đành “bán mình cho quỷ” vi phạm nguyên tắc làm thầy, quy định của nhà nước.
Chính vì nguyên nhân trên nên giáo viên coi dạy thêm là thu nhập chính, công việc chính, dạy trên lớp chỉ là công việc phụ.
Nhiều giáo viên tranh thủ giờ trên lớp để “chiêu dụ” học sinh học thêm: la mắng, cho bài tập khó,….Nhiều giáo viên không có nhu cầu và cảm thấy kiến thức trên lớp đã đủ nhưng vẫn ép học sinh vì giáo viên khác dạy thêm có tiền dại gì mình không dạy.
Nhiều học sinh có ý định thi vào sư phạm, chỉ lựa chọn các môn có dạy thêm hoặc sau khi ra trường “chạy” vào các trường “điểm” nhằm mục đích là để được dạy thêm.
Đủ cách o ép học sinh học thêm
Giáo viên nào có nhu cầu dạy thêm càng lớn thì càng không từ bất kỳ thủ đoạn nào để o ép, ép buộc học sinh học thêm.
Khi đến lớp ngày đầu tiên giáo viên kể cho học sinh nắm được các môn học là môn đó rất khó nếu không học thêm thì không thể nào theo kịp, có khả năng ở lại,…sau đó giáo viên thông báo rằng mình có dạy yêu cầu các em sắp xếp, chia nhóm học thêm.
Nếu có học sinh không chịu học thêm giáo viên gọi các em đó lên trả bài, cho các bài kiểm tra có độ khó tương đối cao (nhưng đã dạy trong học thêm) trên lớp nên nhiều em làm không được bị điểm rất thấp và các em học sinh có học thêm làm được điểm cao, nên giáo viên tiếp tục lôi kéo học sinh học thêm.
Nếu vẫn còn một vài học sinh chưa chịu học thêm, giáo viên lấy số điện thoại phụ huynh thông báo bài kiểm tra điểm thấp yêu cầu cho học sinh học thêm, nếu không sẽ ở lại.
Nếu học sinh vẫn “lì lợm” không chịu học thêm thì kết quả học kỳ I rất thấp, phụ huynh và học sinh sẽ “sợ” và cho các em học thêm.
Giáo viên thậm chí còn dùng các biện pháp vi phạm đạo đức nhà giáo như: đánh đập, quát mắng, nhục mạ,…để lôi kéo học sinh học thêm.
Nhiều giáo viên còn tạo “liên minh” ép học sinh bắt buộc phải học thêm nhiều môn khác nhau. Không cần biết dạy thêm mang lại điều gì cho học sinh, miễn làm sao lôi kéo được học sinh đến học thêm càng nhiều càng tốt
Học thêm - học sinh học được gì?
Như đã nói, mục đích dạy thêm chủ yếu là tiền nên ở các tiết học thêm học sinh thường nghe giáo viên nhắc nhở về thời gian đóng tiền.
Có giáo viên thu theo buổi học, có đi học là có đóng tiền, có trường hợp ví von khi học sinh học thêm, khi đến nơi giáo viên đặt một “nón lá” trước lớp, học sinh bỏ tiền buổi học vào “nón lá” đó và đi vào học thêm.
Tôi đã từng thấy trên tiết dạy thêm nhưng giáo viên thu tiền các em học sinh, rồi trả tiền, rồi nhắc nhở các học sinh khác đem tiền đến đóng đã tốn hết gần một nửa thời gian.
Các tiết học thêm giáo viên chủ yếu dạy trước kiến thức (dù điều này là điều cấm), học sinh làm xong vào lớp làm lại, gần tới ngày kiểm tra 15 phút, 1 tiết hay học kỳ, giáo viên thường giao các đề cho học sinh làm sau đó giáo viên chấm và sửa.
Tất nhiên là những đề đó hầu hết sẽ nằm trong đề kiểm tra trên lớp, nên học sinh học thêm đương nhiên là điểm kiểm tra tương đối cao (vì gần như biết trước đề).
Việc “lộ đề” trong dạy thêm rất là nhiều, có giáo viên “khôn ngoan” hơn thì cho đề tương tự nhưng cũng có trường hợp giáo viên cho y như đề đã cho trong quá trình dạy thêm.
Còn những học sinh khác không được học thêm phải thật sự rất giỏi mới cạnh tranh được với những em học thêm.
Do đó, việc dạy thêm học thêm sẽ tạo ra sự bất công lớn giữa người được học và người không học về kiến thức, về thái độ đối xử giáo viên đối với người học (đây là điều không nên tranh cãi vì thật ra thầy, cô cũng là con người mà em học sinh học thêm đóng tiền mà giáo viên đối xử công bằng với học sinh không học là điều không thể.
Có học sinh học thêm giáo viên khác bị giáo viên dạy trong lớp đối xử không công bằng nên có học sinh học một môn hai thầy, một là thầy bên ngoài lấy kiến thức, hai là học thầy dạy trong lớp để lấy điểm, để được thầy “để ý” hơn).
Bên cạnh đó học sinh học thêm là học sinh đã không tự tin, học để lấy điểm, lấy sự “để ý” của giáo viên nên kết quả học tập có thể cao nhưng cái quan trọng nhất đã bị đánh mất đó chính là sự tư duy, sáng tạo, thông minh,…
Bên cạnh đó còn đánh mất thời gian, sự tự học, mất công sức, tiền bạc,…nói tóm lại là “mất” chứ không phải “được”.
Đến những hệ lụy khôn lường khác
Không chỉ có thế, một số giáo viên vì mục đích “lôi kéo” học sinh học thêm nên nói xấu lẫn nhau, giành giật học sinh tạo ra sự đố kỵ, ghen ghét, mất đoàn kết trong tập thể giáo viên.
Giáo viên dạy thêm khi dạy trên lớp không hết kiến thức sẽ để “dành” lại cho dạy thêm nên giáo viên thường dạy hời hợt, qua loa, chiếu lệ.
Giáo viên dạy thêm đã hết thời gian nên không chú trọng soạn bài, nghiên cứu bài, học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy nên chất lượng dạy và học trên lớp ngày càng sa sút.
Nó làm cho hình ảnh cao quý của giáo viên trong mắt đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh sụt giãm nghiêm trọng. Một số học sinh khi đi học thêm được giáo viên nuông chiều, được hứa “bảo lãnh” cho lên lớp nên các em thường có thái độ coi thường giáo viên, coi thường sự nổ lực cố gắng của bạn bè.
Việc làm của giáo viên đã làm cho sự cao quý của nghề giáo “là nghề cao quý trong tất cả các nghề khác” theo đó mà đi xuống.
Khi còn học do bị o ép hoặc học thêm quá nhiều, nên các em càng ngày càng ỷ lại khiến sức học giảm sút vì thiếu sự tự học, thiếu sự tự tin,…nên sau đó khi ra trường các em có ý “oán trách” giáo viên dạy thêm, vì tiền mà làm cho các em học quá sức làm cho các em ngày càng tệ hơn, không có vốn sống, kỹ năng sống, học tập sa sút.
Nhìn nhận về phương diện kinh tế thì phụ huynh sẽ là người mướn giáo viên (ông chủ) và giáo viên là người được mướn (làm thuê) để giúp học sinh học ngày càng giỏi hơn, tốt hơn, sống có ích hơn, có lý tưởng cao cả hơn nhưng kết quả không như mong muốn.
Học sinh càng lớn càng tệ hơn (do học thêm quá sức), tinh thần, thái độ sa sút, mất tự tin, mất sáng tạo, mất sự thông minh,…giống như người làm thuê chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm sai yêu cầu nhưng đã nhận tiền thu lao.
Nghề giáo là một nghề cao quý trong tất cả các nghề cao quý, mỗi giáo viên hãy chung tay chung sức xây dựng môi trường học tập lành mạnh, công bằng hãy là người thầy thật sự trong mắt phụ huynh và học sinh cung cấp kiến thức, vốn sống để các em vào đời làm người tốt, có ích cho xã hội.
Mục đích cao cả của giáo dục là làm cho nó nhẹ nhàng hơn. Nếu dạy thêm mong giáo viên chỉ dạy thêm những em học sinh trung bình và yếu, dành thời gian học tập nâng cao chuyên môn, đổi mới phương pháp giáo dục.
Mong các cấp, các ngành nhất là ngành giáo dục có những chỉ đạo kịp thời để khắc phục tình trạng trên.
Tác giả bài viết: Bùi Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn