Tại sao lượng xe bị giữ quá nhiều và giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên?
Không còn chỗ chứa!
Chiều 2-1, chúng tôi ghi nhận tại kho bãi tạm giữ xe vi phạm của Công an Q.Bình Thạnh ở số 219 đường D2 nối dài thuộc P.25 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Bãi xe này có hàng ngàn xe máy, xe ba bánh, ôtô và cả xe buýt vi phạm đang để nằm "lộ thiên", phơi mưa phơi nắng, chiếm một góc của khu đất trống trong bãi xe.
Xung quanh bãi xe chỉ được rào chắn bằng lưới B40 và nằm trong một khu dân cư. Theo quan sát, tại bãi xe này có nhiều xe máy đã bị gỉ sét, hư hỏng, trong đó nhiều xe có giá trị.
Tình trạng thiếu kho bãi tạm giữ xe vi phạm cũng xảy ra nhiều năm qua tại Đội CSGT Công an Q.9. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng vài chục đến 100 xe mà người vi phạm "bỏ luôn". Những xe dạng này ngày càng nhiều dẫn đến "tồn kho" nhiều năm qua.
Do không có kho bãi tạm giữ xe vi phạm, Đội CSGT Q.9 phải để những xe vi phạm tại khuôn viên trụ sở Công an Q.9. "Việc tìm kho bãi để giữ xe vi phạm không hề dễ dàng, bởi khi tìm ra đất làm kho bãi thì nó lại nằm ở xa, không thuận tiện cho công việc giải quyết, xử lý vi phạm" - một cán bộ cho biết.
Theo thông tin từ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, từ tháng 7-2013 đến tháng 9-2019, có hơn 169.000 xe vi phạm hành chính bị tạm giữ.
Để đảm bảo có chỗ chứa một lượng lớn xe vi phạm, PC08 đã xây dựng 5 kho bãi lưu giữ tang vật vi phạm Luật giao thông, có thể chứa hàng ngàn xe. Tuy nhiên lượng xe vi phạm ngày càng tăng, do đó các kho bãi cũng quá tải.
Cũng giống như TP.HCM, hầu hết các bãi giữ xe vi phạm tại Hà Nội cũng chật như nêm. Ghi nhận tại bãi tạm giữ xe vi phạm Hà Cầu (Q.Hà Đông, Hà Nội) hàng trăm chiếc xe, chủ yếu là xe máy, để chật kín diện tích mặt bằng. Một nhân viên trông giữ xe tại đây cho biết bãi tạm giữ xe Hà Cầu có 4 kho với diện tích khoảng 3.000m2 và hiện tất cả đều quá tải do lượng xe bị "bỏ rơi" quá lớn.
"Các xe lưu bãi này từ năm 2016 đến nay. Cứ 10 xe đưa vào thì khoảng 4-5 xe không có chủ đến nhận. Cả 4 kho của chúng tôi hiện đều trong tình trạng quá tải. Chúng tôi phải tự đầu tư nâng cấp, cơi nới bãi để lấy chỗ chứa xe vi phạm" - nhân viên tại bãi xe Hà Cầu nói.
Còn điểm giữ xe vi phạm giao thông của TP Hà Nội tại khu vực hồ Đền Lừ (Q.Hoàng Mai) chỉ đủ chứa vài chục ôtô và trên 200 xe máy, nhưng số lượng phương tiện tạm giữ có thời điểm lên đến 300-400 xe.
Đại diện đơn vị quản lý bãi xe hồ Đền Lừ cho biết số lượng xe vi phạm bị tạm giữ từ trên một tháng đến cả năm mà không có người đến nhận chiếm số lượng lớn, khiến bãi luôn trong tình trạng quá tải.
Trong bãi tạm giữ phương tiện Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy) cũng đang có gần 2.000 xe, chủ yếu là xe máy.
Nhiều phương tiện đã bị giữ ở đây từ năm 2016 đến nay, bụi phủ, hoen gỉ như đống sắt vụn. Không chỉ xe cũ mà cả những xe đắt tiền như ôtô Lexus, Camry, Porsche, xe máy SH, Spacy, LX... cũng bị bỏ, nằm phơi nắng phơi mưa tại đây.
Công an tỉnh Vĩnh Long liên tục xây dựng kho nhưng các phương tiện vi phạm vẫn ngày một tăng, khiến kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm của phòng CSGT luôn chật cứng - Ảnh: CHÍ HẠNH
Áp dụng Luật phòng chống tác hại rượu bia, xe vi phạm sẽ tăng
Tại ĐBSCL, hầu như tỉnh nào cũng quá tải các kho, bãi giữ xe vi phạm nhưng không xử lý được.
Đại úy Trang Anh Khoa - cán bộ tuyên truyền, xử lý vi phạm giao thông đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Long - cho biết trước đây đơn vị chỉ có một kho tạm giữ phương tiện vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, do lượng phương tiện vi phạm ngày một tăng nên cách đây 3 năm, Phòng CSGT Công an tỉnh phải tiếp tục xây dựng thêm một kho tạm giữ mới trên phần sân của cơ quan.
Theo đại úy Khoa, dù hai kho tạm giữ rộng khoảng 1.500m2 nhưng vào những đợt cao điểm lễ, tết vẫn thường xảy ra tình trạng quá tải.
"Có khi kho tạm giữ hơn 1.000 phương tiện. Các lỗi vi phạm chủ yếu là nồng độ cồn, không giấy phép và chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Tính đến thời điểm cận tết này, kho tạm giữ của đơn vị đã chứa đến 700 xe, trong đó khoảng 200 xe đã quá hạn tạm giữ 1 năm theo quy định" - đại úy Khoa thông tin.
Trước khi Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, ban giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cũng đã cho đầu tư, xây dựng mới một kho tạm giữ phương tiện vi phạm rộng 2.000m2 để ứng phó với tình trạng quá tải phương tiện tạm giữ.
"Có trường hợp người dân về quê ăn tết rồi vi phạm nồng độ cồn, phương tiện bị tạm giữ nhưng đến tận tết năm sau chủ nhân mới quay lại đóng phạt, lấy xe. Cái khó nhất là nếu CSGT giữ giấy tờ thì chủ xe viện cớ mất làm lại. Cho nên bắt buộc phải giữ xe để xử phạt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến quá tải" - đại úy Khoa chia sẻ.
Tương tự, đại tá Nguyễn Bá Quận - trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh An Giang - cho biết toàn tỉnh hiện đang giữ 2.717 phương tiện các loại. "Sở dĩ các địa phương tồn đọng xe nhiều và hư hỏng nặng vì để ngoài mưa gió là do địa phương không có kho chứa.
Thêm vào đó do địa phương gom chung xe vi phạm giao thông với xe vi phạm tệ nạn xã hội khác (đá gà, số đề...) nên bây giờ họ không biết xử lý thế nào dẫn đến quá tải" - đại tá Quận nói.
Bãi tạm giữ phương tiện Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) quá tải, nhiều xe máy bụi phủ, hư hỏng - Ảnh: NAM TRẦN
Do quy định
Chia sẻ thêm về những khó khăn khi xe phải lưu kho bãi lâu ngày, đại úy Trang Anh Khoa cho biết ngoài việc trông giữ, cán bộ phải mất nhiều thời gian để kiểm kê, phân loại, sắp xếp vào khu quá hạn.
"Theo tôi, cần có sự quản lý, tuyên truyền, biện pháp chế tài phù hợp với những chủ phương tiện sử dụng rượu bia ngay từ địa phương, cơ sở kinh doanh rượu bia... chứ không đợi đến lúc người say cầm lái mới bị xử lý" - đại úy Khoa nói.
Còn theo đại tá Nguyễn Bá Quận, sở dĩ có tình trạng quá tải các bãi giữ xe vi phạm là do luật hiện hành quy định có nhiều trường hợp giữ xe người vi phạm. Chỉ riêng lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đã có ít nhất 4 trường hợp giữ xe như: điều khiển xe không giấy tờ xe, xe hết kiểm định an toàn kỹ thuật, người chạy xe không bằng lái, xe biển số giả...
"Những trường hợp này luật quy định bắt buộc phải giữ xe. Dù có nhiều đề xuất giữ biển số xe của người vi phạm nhưng nếu họ khai báo mất biển số rồi làm lại thì sao? Chúng ta giữ biển số thì không đảm bảo chứng cứ để xử phạt" - đại tá Nguyễn Bá Quận đặt vấn đề.
Nhìn ở góc độ khác, lãnh đạo công an một số quận, huyện trên địa bàn TP.HCM chia sẻ tình trạng chung hiện nay là nhiều xe vi phạm có giá trị thấp, xe cũ, trong khi mức phạt cao nên người vi phạm không đến giải quyết đóng phạt mà bỏ luôn xe.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục xử lý, tịch thu, thanh lý phương tiện vi phạm hành chính còn vướng rất nhiều thủ tục nên mất nhiều thời gian. Điều này dẫn đến nhiều kho bãi tạm giữ xe vi phạm của nhiều đội CSGT TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải.
Trước mắt, để khắc phục tình trạng trên, một cán bộ PC08 Công an TP.HCM cho biết đang tích cực đẩy nhanh các quy trình xử lý xe vi phạm, thủ tục thanh lý. Từ đó giải quyết nhanh để xe "ra kho" sớm, tránh tình trạng để tồn trong kho bãi.
Đại tá Nguyễn Bá Quận cũng cho rằng căn cứ vào luật hiện hành quy định trong vòng 30 ngày mà người vi phạm không đến nộp phạt và khi đã thông báo ba lần trên báo, đài thì đơn vị sẽ tiến hành bán thanh lý. Trong năm 2019, An Giang đã bán thanh lý xe vi phạm được 4 đợt với trên 1.200 xe các loại. Tổng số tiền thanh lý xe vi phạm thu về ngân sách trên 3,1 tỉ đồng.
Nên thanh lý sớm
Luật sư Thái Thị Diễm Trúc (Đoàn luật sư tỉnh An Giang): Việc giữ xe có 3 nhóm cần phân biệt. Một là xe hình sự thì dĩ nhiên phải giữ; hai là vi phạm hành chính như: xe độ, xe đua, xe hàng lậu và nhóm thứ ba là xe vi phạm các lỗi về giao thông.
Theo tôi, đối với nhóm hai và ba, những loại xe đua, xe độ và xe vi phạm nặng thì mới giữ xe chứ đừng giữ tràn lan như hiện nay. Tôi nghĩ giữ chừng một tháng mà không ai đến nộp phạt thì nên bán thanh lý ngay, chứ giữ quá lâu rồi hư hỏng rất lãng phí.
Ông Lê Việt Cường (chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang): Tôi nghĩ chỉ nên giữ phương tiện giao thông khi người điều khiển có sử dụng rượu bia. Nếu không giữ sẽ gây tai nạn cho người khác, nhưng phải yêu cầu người vi phạm ngày hôm sau đến đóng phạt. Nếu mời hoài không đến, 10 ngày sau sẽ bán thanh lý là vừa chứ đừng để thủ tục như hiện nay quá rườm rà, nhiêu khê.
Bửu Đấu ghi
Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM):
Rút gọn thủ tục để bán đấu giá xe tạm giữ
Theo quy định tại điều 82, nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông thì để ngăn chặn hành vi vi phạm giao thông, cơ quan chức năng sẽ tạm giữ 7 ngày đối với 60 trường hợp vi phạm của người điều khiển và phương tiện: môtô; ôtô; máy kéo, xe máy chuyên dùng; xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện).
Trong đó, đối với xe máy thì có 14 lỗi sẽ bị tạm giữ như: người điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng; điều khiển xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe khi trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc... Đối với ôtô thì quy định có 15 lỗi sẽ bị tạm giữ như: điều khiển xe khi trong máu có nồng độ cồn; điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường; điều khiển xe không gắn biển số; điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định...
Có thể thấy, với các lỗi dẫn đến tạm giữ xe trong thời hạn 7 ngày thì sau thời hạn đó cơ quan chức năng sẽ giải quyết trả lại xe cho người vi phạm. Còn tình trạng xe vi phạm nằm bãi quá lâu, dẫn đến quá tải chủ yếu xuất phát từ việc cơ quan chức năng tạm giữ để chủ xe phải thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
Việc tạm giữ phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm (7 ngày) hoặc quyết định tạm giữ (thời hạn dài hơn) để bảo đảm xử phạt là cần thiết. Và lượng xe (chủ yếu là môtô, xe máy) tồn ở bãi thời gian qua chủ yếu là do chủ xe vi phạm các lỗi có mức xử phạt khá cao (theo nghị định 46 trước đây) bỏ luôn xe, trốn đóng phạt.
Đến nay, từ ngày 1-1-2020, nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông có hiệu lực, nhiều hành vi vi phạm đã được nâng mức xử phạt cao hơn nhiều so với nghị định 46 thì khả năng người vi phạm bỏ xe là rất lớn.
Vì vậy, theo tôi, để tránh việc xe vi phạm nằm bãi quá lâu, tồn đọng thì cơ quan chức năng cần tăng cường công tác bán đấu giá xe vi phạm. Theo đó, cơ quan chức năng cần rút gọn thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý để có thể mang xe vi phạm bán đấu giá, sung công quỹ.
ÁI NHÂN ghi
Kinh nghiệm quản lý xe vi phạm ở Anh
Tại Anh, phương tiện giao thông vi phạm luật rồi bị tạm giữ sẽ có 7 ngày để người vi phạm đến nơi giữ xe làm thủ tục lấy xe lại.
Để lấy lại xe, chủ phương tiện cần mang theo giấy tờ chứng minh xe chính chủ và trả phí (còn đóng phạt theo hình thức khác trước đó) theo luật định là được lấy xe về. Mức phí được thiết lập bởi chính phủ và thay đổi tùy thuộc vào tình trạng chiếc xe. Các khoản phí cơ bản gồm có phí lấy xe và phí giam xe tính theo ngày tại điểm giữ xe.
Trong trường hợp chủ phương tiện không muốn nhận lại xe của mình, chiếc xe sẽ được xử lý bằng cách loại bỏ hoặc đem đấu giá chỉ sau 14 ngày. Nếu chủ phương tiện muốn xác nhận từ bỏ trách nhiệm với xe thì phải đi tới nơi giữ xe với giấy tờ tùy thân và giấy tờ chính chủ của xe để làm thủ tục.
Sau đó chủ phương tiện phải trả phí xử lý xe (nếu có), nhưng không phải trả tiền phí giam xe theo ngày. Từ lúc đó, chủ phương tiện không còn chịu trách nhiệm về thuế và bảo hiểm xe nữa.
Tác giả bài viết: MINH KHÔI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn