Tài xế ngủ trong xe khi tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trong đêm 1-12 - Ảnh: HỮU THUẬN
Lối thoát nào cho BOT Cai Lậy?
Câu hỏi này đã được giới luật sư, chuyên gia, tài xế đường dài chia sẻ cùng bạn đọc Tuổi Trẻ.
TS.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:
Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo tôi, Bộ GTVT cần cho di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy về đúng vị trí trên đường tránh.
Chủ đầu tư trạm cho rằng có đóng góp xây dựng, làm tuyến tránh và sửa lại mặt đường quốc lộ 1 nên có quyền được thụ hưởng, đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 để thu phí.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng là việc xây dựng đường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của chính quyền. Ngân sách đường bộ của người dân vẫn đóng, tại sao không sử dụng để sửa chữa đường sá.
Nhà nước luôn luôn phải đảm bảo hạ tầng giao thông tối thiểu cho người dân đi lại. Còn những dự án đường tránh, đường cao tốc làm thêm cần kêu gọi nhà đầu tư (kể cả tư nhân) thì phải rõ ràng, minh bạch.
Trong trường hợp này, về phần chi phí cải tạo quốc lộ 1 mà tư nhân đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả cho nhà đầu tư. Nhà nước làm được như vậy thì toàn dân cũng sẽ đồng thuận và hết lòng ủng hộ. Ngoài ra, chính quyền có trách nhiệm cung cấp cho toàn dân được biết số vốn xây dựng đường tránh là bao nhiêu, sẽ thu phí trong thời gian bao lâu để người dân đóng góp ý kiến và giám sát quá trình thực hiện.
THU DUNG ghi
Ông TRẦN KIÊM HẠ (tài xế):
Ảnh: NVCC
Tại sao khi đi qua các trạm thu phí khác cánh tài xế chúng tôi vui vẻ mua vé, nhưng đến trạm BOT Cai Lậy thì phản đối?
Quốc lộ 1 là con đường huyết mạch của cả nước, có từ xưa, tại sao Nhà nước không dùng tiền phí duy tu bảo dưỡng đường bộ để sửa chữa? Việc giao cho nhà đầu tư làm vậy rồi thu phí thì khác gì vườn cây nhà mình có sẵn bấy lâu, giao cho người khác vun gốc, bón phân rồi họ được thu hoạch toàn bộ!
Việc ví von này của người dân xem ra có cơ sở qua con số xây dựng mới tuyến tránh dài 12km mất 1.000 tỉ đồng; sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 1 dài 26,5km chỉ tốn 300 tỉ đồng và lợi ích thu phí có giá vé giống nhau.
Là người từng đi trên các cung đường Nam - Bắc, tôi hiểu có những con đường xây dựng theo dạng BOT đem lại lợi ích thật sự cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng đường tùy lúc, tùy nơi, tùy hoàn cảnh mà tài xế cần lựa chọn cho hợp lý với chi phí, thời gian chuyến đi của mình. Ở cung đường đi qua thị xã Cai Lậy thì tài xế không có quyền lựa chọn. Đó là nguyên nhân gây nên sự phản đối của họ.
Tôi nghĩ chính quyền và các cơ quan chức năng nên có cái nhìn thấu đáo. Đành rằng việc xây dựng, phát triển giao thông là cần; trong lúc ngân sách nhà nước còn eo hẹp thì việc kêu gọi nhà đầu tư theo dạng BOT là dĩ nhiên. Nhưng không phải làm lấy được, mà cần xem việc xây dựng ấy có hợp lý, thật sự đem lại lợi ích cho Nhà nước và nhân dân không?
Việc Nhà nước nên chi 300 tỉ đồng để "lấy lại" 26,5km quốc lộ 1 ở Cai Lậy là việc người dân đang yêu cầu và đó cũng là mong ước của giới tài xế chúng tôi.
Ngày 'thi gan' ở BOT Cai Lậy, hơn 10 giờ 10 lần xả trạm Flycam toàn cảnh BOT Cai Lậy đóng - xả trạm trong đêm 2-12 Lộn xộn ở BOT Cai Lậy giữa trưa, liên tục xả trạm
Luật sư LÊ MINH NHỰT (Đoàn luật sư TP.HCM):
Những người bị ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng khi bị thu tiền bởi trạm thu phí BOT Cai Lậy hoàn toàn có thể khởi kiện vụ án hành chính để tòa giải quyết. Cụ thể, những người bị thu phí như doanh nghiệp vận tải, người sử dụng ôtô, xe tải... đi qua trạm BOT Cai Lậy đã bị thu phí hoàn toàn có quyền khởi kiện quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT về việc cho BOT đầu tư, đặt trạm thu phí.
Bởi bản chất mối quan hệ giữa BOT Cai Lậy với bên còn lại (những đối tượng bị thu phí) là mối quan hệ dân sự giữa một bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ phải trả phí (hợp lý). Tuy nhiên, với quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT đã khiến BOT Cai Lậy có ưu thế áp đặt việc bên còn lại phải trả phí.
Bộ trưởng Bộ GTVT là người ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn qua thị xã này theo hình thức BOT. Chính quyết định hành chính của bộ trưởng Bộ GTVT (khi chấp thuận cho chủ dự án vừa đầu tư đường tránh, vừa tăng cường mặt đường quốc lộ 1) là cơ sở để chủ BOT Cai Lậy tổ chức đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 thu phí gây nhiều phản ứng
Như vậy, căn cứ Luật tố tụng hành chính hiện hành (điều 32), những người cho rằng việc thu phí không hợp lý có thể khởi kiện quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT đến TAND tỉnh Tiền Giang (có thẩm quyền giải quyết).
Người khởi kiện còn có thể yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thu phí của BOT Cai Lậy trong thời gian giải quyết vụ kiện.
Trạm BOT Cai Lậy trong ngày 2-12 phải xả trạm nhiều lần do nhiều phản ứng khác nhau của giới tài xế - Ảnh: HỮU THUẬN
Ông TRẦN THANH TOÁN (người dân sống gần trạm BOT Cai Lậy):
Ảnh: H.THUẬN
Quan sát những ngày qua, tôi thấy nếu hai bên (nhà đầu tư và giới doanh nghiệp vận tải, tài xế) giằng co mãi cũng sẽ không bao giờ có hồi kết.
Vì vậy, theo tôi, phương án hợp lý nhất là nhà đầu tư dời trạm vào tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, đồng thời với việc cơ quan chức năng cấm lưu thông vào quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy vào giờ cao điểm đối với xe có trọng tải lớn, xe khách, xe đông lạnh...
Với giải pháp này, tôi nghĩ quốc lộ 1 qua nội ô thị xã Cai Lậy sẽ tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Phương án này có thể làm giảm lượng xe qua trạm thu phí BOT Cai Lậy, ngược lại nhà đầu tư có thể đề nghị tăng thời gian thu phí để hoàn vốn.
Đây có thể chưa là giải pháp tối ưu, nhưng là giải pháp hài hòa nhất giữa nhà đầu tư và người dân trong bối cảnh hiện nay.
SƠN LÂM ghi
Tác giả bài viết: ÁI NHÂN ghi
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn