Chuyến thị sát đặc biệt của Tổng Tham mưu trưởng Lê Đức Anh

Thứ năm - 30/11/2017 20:15
(vietnamnet) - Làm Tổng Tham mưu trưởng, việc đầu tiên là, tôi đi thị sát dọc vùng biên giới 6 tỉnh phía Bắc. Chúng tôi gặp gỡ người dân, cán bộ địa phương và kiểm tra trực tiếp, hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ, thấy nhiều vấn đề nổi cộm quá - trích hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh.
Chuyến thị sát đặc biệt của Tổng Tham mưu trưởng Lê Đức Anh

Hôm nay, 1/12, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 97 của Đại tướng Lê Đức Anh, VietNamNet trân trọng giới thiệu một số đoạn trích chương 11: "Tham gia lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN" trong Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh.

Đại tướng Lê Đức Anh,Lê Đức Anh,Đại tướng
Cây xanh và quà lưu niệm của Đại tướng Lê Đức Anh tặng làng cổ Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội, ngày 30/9/2017

...Từ ngày 13 đến 18/10/1986, đại hội đại biểu Đảng bộ quân đội lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội diễn ra cách đây gần 30 năm rồi, nhưng đến nay, có điều làm tôi còn suy nghĩ: Không khí Đại hội nặng nề, có người đã vin vào câu chữ trong chỉ đạo lúc đó là "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật..." một cách phiến diện, tận dụng diễn đàn không khí bên ngoài Đại hội để "nói cho sướng miệng" và thực hiện ý đồ cá nhân.

Đại tướng Lê Đức Anh,Lê Đức Anh,Đại tướng
Đại tướng Lê Đức Anh thăm làng cổ Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội, ngày 30/9/2017
Đại tướng Lê Đức Anh,Lê Đức Anh,Đại tướng
 
Đại tướng Lê Đức Anh,Lê Đức Anh,Đại tướng
 

Quá trình chuẩn bị giới thiệu nhân sự dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng thì có việc một số cá nhân vận động ngầm xuyên tạc, nói xấu một số đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Khi họ nói với tôi cần có cuộc "hội ý về nhân sự" thì tôi nói "Không được! Giờ ai tốt thì bầu lên làm; đừng có người này nói xấu người kia, có gì thì cứ phê bình trong hội nghị đàng hoàng". Rõ ràng có một ý đồ xấu nhằm chia rẽ đoàn kết nội bộ, đi ngược lại những điều tốt đẹp đã trở thành truyền thống của quân đội ta. Khi giải lao, có người còn khích tôi:

- Sao anh im lặng thế?

- Im lặng để còn nghe các anh nói - Tôi trả lời.

Tôi im lặng vì thấy tình hình quá phức tạp. Trong chiến tranh trước đây, cũng có chuyện phức tạp, nhưng đoạn sau này còn phức tạp hơn.

Ngày 7/12/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký quyết định: tôi giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Các anh trên Trung ương gọi tôi ra, anh Lê Đức Thọ trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Tôi nói với anh Thọ:

- Xin các anh để tôi làm nốt nhiệm vụ ở Campuchia, xong, cho tôi làm tổng kết kinh nghiệm về công tác quân sự trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

- Cậu từng làm Tổng Tham mưu phó, rồi Thứ trưởng, giờ qua làm Tổng Tham mưu trưởng, có gì mà không làm được - Anh Thọ động viên tôi.

Làm Tổng Tham mưu trưởng, việc đầu tiên là, tôi đi thị sát dọc vùng biên giới sáu tỉnh phía Bắc. Những ngày cuối đông, ở vùng cao rét càng đậm. Sương muối giăng phủ khắp miền biên giới. Chúng tôi gặp gỡ người dân, cán bộ địa phương và kiểm tra trực tiếp, hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ, thấy nhiều vấn đề nổi cộm quá.

Đại tướng Lê Đức Anh,Lê Đức Anh,Đại tướng
Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Quốc phòng kiểm tra tình hình bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1987. Ảnh tư liệu

Bấy lâu nay, các đơn vị cấp dưới báo cáo lên cấp trên thường chỉ nói mặt tốt, ưu điểm, còn mặt yếu kém, khuyết điểm thì không báo cáo. Lúc đó, tôi thấy rõ bộ đội về tinh thần rất căng thẳng, về vật chất thì điều kiện ăn, ở, sinh hoạt rất thiếu thốn, kham khổ. Bởi vậy, bộ đội sinh ra bất mãn, tiêu cực và vi phạm kỷ luật dân vận, có nơi bộ đội quan hệ với nhân dân chưa tốt. Quan hệ cán bộ, chiến sĩ cũng nhiều nơi chưa tốt.

Ngày hôm sau, tại một số điểm chốt, tôi bảo anh em hãy cho đơn vị lui về phía sau. Anh em cán bộ và cả chiến sĩ nữa nói rằng nếu mình lui mà bên kia họ lên thì lo lắm. Tôi bảo cứ rút đi. Tiếp đó, tôi cho rút từng phần các đơn vị chủ lực về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một. Tâm lý chung của cán bộ chỉ huy các cấp là lo sợ không anh nào dám cho chủ lực và các đơn vị dưới quyền mình lui xuống.

Hôm tôi đến Sở Chỉ huy Sư đoàn 316 thuộc Quân khu 2 ở phía dưới Phố Lu, tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu kéo đồng chí An là Chỉ huy trưởng Sư đoàn 316 lại gặp riêng tôi và hỏi:

- Báo cáo Tổng Tham mưu trưởng, đêm qua đồng chí An đã báo cáo với tôi là anh cho đơn vị của đồng chí lui xuống?

- Đúng thế - Tôi trả lời. Tướng Vũ Lập tỏ ra sửng sốt, bất ngờ nói rằng:

- Vậy thì xin anh cho văn bản!

Tôi bảo đồng chí Phi Long, Cục phó Cục Tác chiến cùng đi với tôi viết lệnh để tôi ký. Thấy thái độ kiên quyết của tôi, anh Vũ Lập nói vẻ xoa dịu:

- Anh lệnh thì dù mệnh lệnh bằng giấy hay bằng miệng chúng tôi cũng chấp hành. Nhưng anh cho giấy để cơ quan còn lưu trữ.

Lúc này, tôi chỉ thực hiện điều chỉnh sơ bộ, để thế phòng thủ biên giới của bộ đội ta có chiều sâu, vững chắc hơn.

Từ biên giới trở về, tôi báo cáo tình hình với anh Văn Tiến Dũng (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và anh Nguyễn Văn Linh (Thường trực Ban Bí thư Trung ương).

Anh Linh nói:

- Mình mới được gọi ra, mình chưa đề nghị họp được.

Tôi gặp anh Lê Đức Thọ, anh Phạm Văn Đồng, báo cáo các vấn đề: ta, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Đông Nam Á. Tôi nói cả ý kiến các địa phương, ý kiến của quần chúng và những suy nghĩ của tôi. Tình hình nhân dân và bộ đội ở biên giới là đáng lo ngại, cần phải chấn chỉnh, tổ chức lại. Tôi nói thẳng với anh Văn Tiến Dũng rằng: nếu đối phương mà đánh lớn thì bộ đội ta sẽ đánh trả nhưng cũng có bộ phận không nhỏ sẽ... rã! Về "chiến tranh tâm lý", họ đưa sang ta đủ thứ, từ cái nhỏ nhất như hộp quẹt lửa, nhưng ta thì không có gì hết v.v…

Đại tướng Lê Đức Anh,Lê Đức Anh,Đại tướng
Trung tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền và Tham mưu trưởng Lê Đức Anh trên đường đi công tác tại chiến khu D năm 1971. Ảnh tư liệu

Bộ đội biên cương ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, vậy mà ngân sách quốc phòng chỉ mới lo chuyện đời sống, chưa tính đến trang bị, đã chiếm tới 25% tổng ngân sách quốc dân, bởi vì quân số thường trực quá lớn, trong khi nền kinh tế - xã hội đang lâm vào khủng hoảng. Cứ như thế này tiếp diễn thì ta sẽ chịu được bao lâu nữa?.

Nghe tôi nói vậy, anh Phạm Văn Đồng lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lắc đầu:

- Không chịu được! Không chỉ khủng hoảng về kinh tế mà còn khủng hoảng cả về tư tưởng nữa. Nói thì hăng hái, nhưng thực chất trong lòng thì lo lắm.

Bên quân đội, tôi nói với anh Văn Tiến Dũng về thỏa ước liên minh của Trung Quốc và Mỹ tháng 10-1975. Anh Dũng nói:

- Tình hình phức tạp...

- Phía Nam, nhất là ở Tây Nguyên và vùng biển đảo còn sơ hở. Bố trí như thế thì không thể đánh lâu dài được. Trong quân đội có nhiều cán bộ bề ngoài nói thì rất hăng nên chỉ thấy mặt tốt của họ, còn đằng sau thế nào thì anh chưa biết hết. Hiện tại số cán bộ chủ trì các quân khu, quân đoàn và cơ quan Bộ Tổng Tham mưu thì hăng lắm, còn ở cấp dưới như thế, đời sống bộ đội như thế, ngân sách quốc phòng như thế, liệu ta có trụ được không? - Tôi nói hết lời.

Anh Dũng hỏi tiếp:

- Ý kiến anh thế nào?

- Trước hết, cần quan tâm đến hai vấn đề: đời sống bộ đội và bố trí lực lượng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc - Tôi trả lời rồi hỏi anh:

- Giờ, giảm quân số được không?

Anh nói:

- Hiện nay quân số thường trực đã rất lớn, mà trước khi anh ra làm Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Tổng Tham mưu còn đề nghị tăng thêm một quân đoàn đứng chân ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Tình hình này mà giảm quân thì khó, mà để vậy cũng thật khó.

Tăng quân số, tăng chi phí quốc phòng, nhưng an ninh quốc phòng không bảo đảm, nguy cơ đối với độc lập dân tộc trên lĩnh vực quốc phòng tăng lên. Lúc đó, tôi cảm nhận một điều là cần phải giảm quân và điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược.

Tôi gặp anh Trường Chinh và báo cáo anh đúng một giờ với tư cách Tổng Tham mưu trưởng báo cáo Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Anh Trường Chinh chăm chú nghe. Báo cáo xong, tôi hỏi:

- Anh có hỏi gì nữa không?

- Mọi điều rõ rồi. Cảm ơn! Vấn đề này cần suy nghĩ thêm - Anh Trường Chinh trả lời.

Vấn đề điều chỉnh, bố trí và giảm quân, trong Bộ Chính trị lúc đó có hai ý kiến đồng ý nên điều chỉnh; còn lại nhiều ý kiến cho rằng điều chỉnh là khó, vì lúc đó ta nghe qua đài phát thanh, phía bên kia có quan chức cấp cao vẫn tuyên bố "Sáng ăn cơm Vân Nam, tối ăn cơm ở Hà Nội". Vậy giảm quân như thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra? Mà không giảm quân thì chi phí quốc phòng không giảm được. Lúc đó, anh Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hai anh Phạm Hùng và Đỗ Mười làm Phó Chủ tịch; các anh ấy muốn giảm chi phí quốc phòng, giảm quân nhưng đều thấy khó.
Đại tướng Lê Đức Anh

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây