“Bi kịch” điểm chuẩn ngành sư phạm

Thứ tư - 16/08/2017 21:24
(Phapluat News) - Mùa tuyển sinh năm nay, trong khi cả nước có hơn 4.000 điểm 10, hàng loạt các trường khối An ninh, Quân đội, Y dược lấy điểm chuẩn cao ngất từ 29 – 30 điểm, thì khối trường sư phạm lại có chuẩn đầu vào thấp thảm hại. Chỉ cần 3 điểm/môn, nhiều thí sinh đã có cơ hội trở thành các giáo viên tương lai khiến dư luận hết sức lo ngại. Tuy nhiên, đây lại là hệ quả của chuỗi dài những sự kiện “coi nhẹ nghề giáo viên” hiện nay.
“Bi kịch” điểm chuẩn ngành sư phạm

Những giáo viên... 9 điểm đầu vào

Trường ĐH Sư phạm Huế “nổ phát súng” đầu tiên khiến dư luận “dậy sóng” khi công bố điểm chuẩn đầu vào hàng loạt ngành đào tạo sư phạm chỉ 12,75, dưới cả điểm sàn của Bộ GD ĐT cho hệ ĐH (15,5 điểm). Giải thích về mức điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn của Bộ GDĐT, lãnh đạo trường này cho rằng, trường tính theo công thức riêng và quy điểm chuẩn theo thang điểm 30. Mức điểm tổng 3 môn vẫn giữ được tương đương thấp nhất là 15,5 điểm và không thấp hơn sàn của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, cách tính này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi. Thực tế sau đó, mặc dù mức điểm rất thấp nhưng cũng có rất ít thí sinh xác định nhập học ở mức điểm này.

 “bi kich” diem chuan nganh su pham hinh anh 1

Giáo viên đang phải chật vật để bám trụ với nghề vì lương thấp, áp lực lớn. Ảnh minh họa -  Tùng Anh

Sau các trường ĐH, hàng loạt khối trường cao đẳng đào tạo sư phạm, các trường địa phương cũng công bố mức điểm chuẩn thấp đến... giật mình. Cụ thể, trường CĐ sư phạm Bắc Ninh lấy chuẩn đầu vào phần lớn các mã ngành đào tạo là 9 điểm 3 môn. Đặc biệt, trong số 11 thí sinh trúng tuyển đợt 1 bằng điểm thi THPT quốc gia ngành Sư phạm Toán, có 5 em được điểm thi môn Toán dao động 3,8-4,8; 8 em có điểm trung bình bài Khoa học tự nhiên (Hóa - Lý - Sinh) dưới 4,75. Hai thí sinh được 2,75 điểm thi THPT quốc gia môn Ngữ văn vẫn đỗ vào ngành Sư phạm Ngữ văn của trường.

Tại trường CĐ sự phạm Thái Bình cũng xảy ra tình trạng tương tự. Với mức điểm chuẩn đầu vào là 10 điểm/3 môn, trường này có 192 thí sinh bằng điểm thi THPT quốc gia, trong đó 18 em đỗ vào ngành Sư phạm Toán, Ngữ văn, Lịch sử... Có 6 em được tổng điểm ba môn dưới 15, tức mỗi môn chưa đến 5 điểm. Đặc biệt, 2 thí sinh đỗ ngành Sư phạm Lịch sử, nhưng điểm thi THPT quốc gia môn này chỉ được 2,5 và 3,5. Có trường hợp đỗ Sư phạm Toán, Sư phạm tiếng Anh nhưng điểm thi môn chuyên ngành là 3,6.

Hàng loạt các trường CĐ Sư phạm khác cũng có mức điểm đầu vào khá “kinh ngạc”. Cụ thể, trường CĐ sư phạm Lào Cai là 9,5 điểm, thấp hơn cả mức của 2 năm trước là 11,25-12,1 điểm; CĐ Sư phạm Hà Nam lấy 10 điểm thi THPT quốc gia làm chuẩn đầu vào; Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều ngành lấy điểm trúng tuyển là 10,5-10,75; Cao đẳng Sư phạm Gia Lai có 6/11 ngành gồm: Sư phạm Văn, Toán, Lý, Hóa, Lịch sử, tiếng Anh đều lấy 9 điểm chuẩn. Mức này đã bao gồm cả điểm ưu tiên... Nghĩa là có em nếu trừ điểm ưu tiên thì chỉ còn 5-6 điểm cả 3 môn.

Mức điểm chuẩn đầu vào thấp khiến dư luận không khỏi hoang mang vì chiếu theo quy định của Bộ GDĐT, sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ sư phạm ra trường có thể giảng dạy từ cấp THCS xuống cấp mầm non. Đây là những bậc học đầu đời hết sức quan trọng, nếu như giao bậc học này cho những thầy cô chỉ có mức điểm đầu vào dưới chuẩn thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?

Cực chẳng đã...

Câu hỏi về chất lượng giáo dục hiện bị bỏ ngỏ khi các trường đào tạo sư phạm, đặc biệt là các trường CĐ và ĐH địa phương phần lớn đang “sống dở, chết dở” vì thiếu thí sinh.

Giải thích về mức điểm chuẩn 9 điểm/3 môn, ông Nguyễn Hữu Tuyến – Hiệu trưởng trường CĐ sư phạm Bắc Ninh cho biết, xét tuyển đợt 1 ở các trường bao giờ cũng lấy điểm cao nên trường hạ mức điểm đầu vào thấp để tạo cho thí sinh có cơ hội học tại trường với các nguyện vọng sau.

Vị này cũng cho biết, năm nay Bộ GDĐT không quy định mức điểm chuẩn cho hệ CĐ, trong khi chỉ tiêu của trường còn nhiều, việc lấy điểm thấp cũng là cơ hội để học sinh bị loại ở các khoa điểm cao như Giáo dục Tiểu học, Giáo dục mầm non được tiếp tục học sư phạm. “Tuy lấy mức 9 điểm/3 môn nhưng thí sinh đến nhập học chủ yếu ở mức 12 điểm/ 3 môn. Có thể các em cũng biết “lượng sức” nếu sức học đuối quá sẽ không theo học được tại trường” – ông Tuyến nói.

Tuy nhiên, ông Tuyến cũng thừa nhận, lấy điểm thấp cũng là việc “cực chẳng đã” do khó khăn chung của các trường sư phạm, khi nghề giáo viên càng ngày càng mất giá, sinh viên thất nghiệp nhiều, lương bổng thấp, cắt giảm biên chế... Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, học sinh đầu vào của trường có thể sơ suất bị điểm thấp nhưng trong quá trình học có cố gắng trường sẽ có tiêu chí đảm bảo đầu ra đạt chất lượng, đúng với đánh giá của xã hội khi tham gia tuyển viên chức, công chức.

Cũng là một trong những trường CĐ lấy chuẩn đầu vào 9 điểm/ 3 môn, tuy nhiên Trường CĐ Gia Lai cũng có rất ít thí sinh trúng tuyển đến xác nhận nhập học trong đợt 1. Đại diện phòng đào tạo trường này cho biết, năm trước trường này đã phải ngừng đào tạo 6 ngành vì không tuyển đủ thí sinh. Mặc dù trường có nhiều ưu đãi như những học sinh ở vùng kinh tế Tây Nguyên khó khăn được hỗ trợ học phí, đi lại thuận tiện nhưng thí sinh cũng không mặn mà. Đó cũng chính là lý do khiến các trường phải tuyển đầu vào thấp để có người học, tránh tình trạng phải đóng cửa ngành học. Hiện trường này cũng đang chờ đợi vào kết quả xét tuyển của các đợt sau.

Lý giải nguyên nhân chuẩn đầu vào sư phạm thấp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD ĐT) cho rằng, tâm lý xã hội, xu hướng chọn ngành nghề và nhu cầu nhân lực ngành sư phạm càng ngày càng khó cũng tác động khiến học sinh không hứng thú với việc chọn nghề giáo khiến các trường địa phương khó tuyển sinh, phải đưa ra mức chuẩn thấp. Ngoài ra, nhưng ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào sư phạm như: Miễn học phí, phụ cấp thêm niên... không còn đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành nghề khác nữa.

Thế hệ thầy giáo tồi có thể làm hỏng cả một dân tộc

Từng có câu: "Một thầy thuốc tồi có thể giết chết vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể giết chết một đạo quân, nhưng một thế hệ thầy giáo tồi có thể làm hỏng cả một dân tộc". Chính vì vậy, nhất quyết không thể để người học kém được tuyển vào để đào tạo thành giáo viên. Bộ GDĐT nên quy định điểm sàn riêng cho các trường sư phạm và chắc chắn mức này phải cao hơn điểm sàn chung.

PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị 
Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Nên cho các trường “chết lâm sàng”… chết luôn

Giờ giáo viên học 4 năm ra thất nghiệp, phải vật vờ ở thành phố, cầm tấm bằng rồi đi làm những công việc không đúng với cái mình được đào tạo thì ai muốn học. Như tôi đã nói hiện nay có nhiều trường đã chết lâm sàng rồi, chúng ta nên cho... chết luôn đi chứ cứ để kéo dài sẽ mang lại hậu quả đáng lo ngại cho xã hội. Đặc biệt, các trường đào tạo sư phạm cần quy hoạch lại, hiện mỗi địa phương có 1 trường cao đẳng là thừa thãi. Chúng ta phải nhìn vào thực tế.

TS Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải

Tạo thêm gánh nặng cho xã hội

3 điểm/môn trúng tuyển ngành sư phạm là thảm họa của ngành giáo dục. Nếu đầu vào quá thấp thì chúng ta không nên đào tạo, nhất là khi giáo viên còn thất nghiệp nhiều mà cứ đào tạo chất lượng thấp như vậy chỉ tạo thêm cho xã hội gánh nặng. Ngành giáo dục cần có kế hoạch cụ thể để quy hoạch lại các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên từ điểm đầu vào.  

GS-TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Tác giả bài viết: Tùng Anh

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây