Ngồi trong một nhà hàng nhỏ ở khu trung tâm Hong Kong, nhà sản xuất âm nhạc gốc Australia Howard tỏ ra lo ngại về sự riêng tư của mình. Anh cởi chiếc mũ bóng chày ra và để lộ khuôn mặt tròn, mái tóc khá đặc biệt, khiến các khách hàng khác chú ý. Trông anh rất giống Kim Jong-un, nhà lãnh đạo của Triều Tiên.
Cơ hội kiếm tiền
"Lúc đó, tôi đang xem TV và nhìn thấy ông Kim lần đầu tiên. Cha ông ấy đã chỉ định con trai làm lãnh đạo kế nhiệm. Tôi nghĩ 'Nhìn người đàn ông kia, anh ta có gương mặt giống mình quá!', SCMP dẫn lời Howard nhớ lại.
Vốn là một doanh nhân, Howard ngay lập tức nhìn thấy cơ hội kiếm tiền của mình. Nhưng anh phải chờ đợi, cho đến khi nhà lãnh đạo trẻ được chú ý trên truyền thông quốc tế vào năm 2013 sau khi thử nghiệm một tên lửa đạn đạo.
"Tôi đã đặt hàng một bộ vest giống ông ấy và cắt kiểu tóc như ông ấy. Tôi đăng kết quả lên Facebook và hai tuần sau, tôi nhận được cuộc gọi từ một công ty Israel, đề nghị tôi đóng giả ông Kim chụp một quảng cáo hamburger hài hước".
Tờ Daily Mail của Anh sau đó đã phỏng vấn Howard và sự nghiệp của anh bắt đầu.
"Mọi người muốn thuê tôi đóng giả tại các bữa tiệc, trong các bộ phim và thậm chí các cuộc biểu tình. Tôi thậm chí đi cả giày như ông Kim", anh cười.
Tại lễ trao giải Grammy ở Los Angeles, Mỹ năm 2015, anh đã khiến ngôi sao nhạc pop Katy Perry tưởng mình là Kim Jong-un thật. Một tuần trước, anh gây chú ý khi xuất hiện cạnh bản sao của Tổng thống Mỹ Donald Trump Dennis Alan.
"May mắn hiếm có"
Dennis Alan, một giáo viên âm nhạc ở Chicago, Mỹ, chưa bao giờ nghĩ ông lại bị nhầm với người đàn ông quyền lực nhất thế giới, cho đến khi Trump tuyên bố tranh cử tổng thống.
Mọi người bắt đầu bảo tôi trông rất giống ông ấy vì thế tôi quyết định nhại lại ông ấy bằng các video ngắn đăng lên YouTube cho vui", Alan kể trong một tiệm làm tóc ở Hong Kong. Người đàn ông 66 tuổi mất 90 phút để có làn da ngả vàng và một mái tóc giả phù hợp.
Nhiếp ảnh gia Alison Jackson, người chuyên chụp ảnh các bản sao, đã xem video của Alan và mời ông tham dự một sự kiện ở New York. Ngay lập tức, ông lên báo và bây giờ, khi Trump đã trở thành ông chủ Nhà Trắng, Alan hy vọng ông có thể kiếm tiền dựa trên hình ảnh của tỷ phú này.
"Tất cả bạn bè và người quen đều nói tôi thật may mắn khi có một công việc ổn định, hiếm có đối với một nghệ sĩ chuyên nghiệp hiện nay ở Mỹ", Alan nói. Ông đang ở Hong Kong để quảng bá một video âm nhạc đồng sản xuất tại đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Dù không ủng hộ quan điểm của ông Trump như cho phép mua súng không hạn chế, Alan không muốn đi sâu quá vào các cuộc tranh cãi xoay quanh tổng thống Mỹ.
"Tôi chỉ bắt chước hành vi và cử chỉ của ông ấy. Tôi nhại lại kiểu cách của ông ấy nhưng tôi không muốn chỉ trích hay ủng hộ các chính sách của ông ấy. Tôi sợ rằng những kẻ thù của ông ấy sẽ trả thù tôi", ông nói.
Tuy nhiên, những lo ngại đó không cản trở nhiều đến công việc của Alan.
"Chúng ta sẽ xây tường và đó sẽ là một bức tường lớn", ông lặp đi lặp lại câu nói khi đứng cạnh Kim Jong-un giả, Howard.
Alan cho hay khi đóng Trump, ông sẽ chú ý nhiều hơn đến các mối quan hệ của tổng thống với Trung Quốc, Mexico và nữ diễn viên gạo cội Hollywood, Meryl Streep, người từng chỉ trích tỷ phú Mỹ.
"Sợ mất việc như Obama"
Đóng giả Obama đã trở thành nguồn thu nhập chính củaXiao Jiguo nhiều năm nay. Ảnh:SCMP
Barack Obama đã nghỉ hưu sau hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng và Xiao Jiguo cũng sợ rằng anh sẽ chung số phận.
Chào đời sau cựu tổng thống Mỹ 25 năm một ngày, đóng giả Obama đã trở thành nguồn thu nhập chính của anh chàng ở tỉnh Tứ Xuyên từ năm 2012, khi anh tham gia một chương trình thi tài trên truyền hình.
Xiao ước mơ trở thành ca sĩ và được biểu diễn tại gala năm mới của đài truyền hình trung ương nhưng khán giả lại hứng thú hơn với ngoại hình giống Obama của anh.
"Tôi là người linh hoạt, vì thế tôi nghĩ đây cũng có thể là một cách kiếm sống", Xiao nói.
Anh bắt đầu xem các video của tổng thống da màu, bắt chước điệu bộ trước gương. Chỉ ngón tay đã trở thành động tác "đinh" của Xiao. Xiao cũng cắt tóc và kẻ lông mày mỗi khi vào vai. Công việc này giúp anh kiếm được tới 100.000 nhân dân tệ (14.500 USD) mỗi lần.
"Tôi đã tham gia nhiều phim truyền hình và kiếm thêm thu nhập khi góp mặt tại các sự kiện khác, từ gặp mặt công ty đầu năm cho đến đám cưới", Xiao nói.
Bất cứ khi nào xuất hiện, anh cũng sẽ nói: "Xin chào mọi người! Cunful mack jander tiping sualing guarer!". Câu này không có nghĩa bởi anh không biết tiếng Anh và hầu hết người Trung Quốc cũng vậy. Xiao không quan tâm đến chính trị nên việc nói những câu vô nghĩa là lựa chọn tốt cho anh.
"Tôi không quan tâm Donald Trump hay Hillary Clinton là ai, họ ủng hộ điều gì. Tại Trung Quốc, chúng tôi không lo nghĩ về những điều như thế", anh nói vài tuần trước cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái.
Nhận thức được việc nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama sắp kết thúc và công việc của anh sẽ trở nên ít hấp dẫn hơn, năm ngoái, Xiao đã đầu tư tiền tiết kiệm để trở thành một diễn viên chuyên nghiệp, nộp đơn vào Học viện Điện ảnh Bắc Kinh danh giá. Hiện ban ngày anh đi học, buổi tối lại hóa thân thành Obama, hóa trang ngay trong căn phòng trọ nhỏ ở ngoại ô thủ đô.
"Tôi đã chán đóng giả Obama và nếu không học và lấy bằng, tôi chỉ có thể mong chờ đóng vai phụ", anh nói. "Tôi hy vọng việc giống ông ấy sẽ không phải là một lời nguyền. Một số đạo diễn đã từ chối làm việc với tôi vì lý do này. Họ nói họ không cần Obama và tôi không biết làm cách nào để họ tin rằng tôi có thể là một người khác".
Nguồn tin: Theo Vnexpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn