Tướng Lê Văn Cương: Đất quốc phòng, an ninh cũng phải minh bạch

Thứ bảy - 24/06/2017 05:27
(PL News) - Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua (23.6) tại TP.HCM, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đã khẳng định Bộ đang cho thanh tra, rà soát lại toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM sau sự kiện đất sân bay Tân Sơn Nhất được cho thuê để làm sân golf.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.

Nhân sự kiện này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an. Tướng Cương cho rằng: Đất quốc phòng, an ninh khi chuyển đổi sang thương mại cần phải minh bạch, rạch ròi.

Thưa ông, hàng loạt những vụ việc được phản ánh về tình trạng đất của quốc phòng, an ninh bị chuyển sang thương mại, dịch vụ thời gian vừa qua đang gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Ông đánh giá thế nào về tình trạng chuyển đổi đất quốc phòng, an ninh thành đất thương mại?

- Trước hết, tôi xin chỉ trả lời với tư cách ở góc độ một nhà nghiên cứu chứ không phải dưới góc độ một cựu sĩ quan công an. Thứ nhất phải nói thế này, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới nhiều nước như Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… đều có quy định rành mạch về phạm vi đất dành cho an ninh - quốc phòng mà dân sự không được động đến. Vì nó liên quan tới vấn đề vô cùng hệ trọng là phòng thủ đất nước, an ninh quốc gia...

“Thực tế cho thấy, tất cả những sự nhập nhèm đều ở từ chỗ không minh bạch mà ra. Còn nếu minh bạch rồi thì có gì mà lợi dụng được nữa. Người ta toàn “ăn vụng trong bóng tối” chứ có ai ăn vụng được dưới ánh mặt trời đâu!”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Ví dụ, dù chúng ta vẫn biết nước Mỹ rất tự do dân chủ, nhưng với các căn cứ quân sự của họ thì các đơn vị dân sự đừng có động vào đó. Các nước khác cũng vậy thôi.

Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, chúng ta cũng phải đặt trong tổng thể tình hình an ninh quốc gia của thế giới.

Vấn đề thứ hai tôi muốn nói là sự minh bạch! Tôi nhấn mạnh sự minh bạch trong chính sách của đất nước nói chung, trong đó có cả kinh tế và quốc phòng, an ninh.

 tuong le van cuong: dat quoc phong, an ninh cung phai minh bach hinh anh 2

Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đã khẳng định Bộ đang cho thanh tra, rà soát lại toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM sau sự kiện đất sân bay Tân Sơn Nhất được cho thuê để làm sân golf. Ảnh: VnExpress

Quốc phòng, an ninh có những bí mật của nó nhưng cái gì cần minh bạch thì vẫn phải minh bạch. Việt Nam cũng như các nước khác, theo tôi cần phải quy định công khai, minh bạch khu vực cấm xung quanh các địa điểm quân sự như sân bay, hải cảng… là bao nhiêu km, dân sự không được xâm phạm vào khu vực đó.

Còn việc trong sân bay có cái gì thì lại thuộc về bí mật quốc phòng. Và đương nhiên, trong khu vực an ninh, quốc phòng không được có các dịch vụ thương mại dân sự như nhà hàng, khách sạn, sân golf…

Vì sao ông lại nhấn mạnh yếu tố công khai, minh bạch trong một lĩnh vực tương đối nhạy cảm như an ninh, quốc phòng?

- Bởi một khi mọi thứ được công khai, minh bạch thì dứt khoát sẽ giảm hẳn những kẽ hở để người ta lợi dụng và giảm thiểu những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Thực tế cho thấy, tất cả những sự nhập nhèm đều ở từ chỗ không minh bạch mà ra. Còn nếu minh bạch rồi thì có gì mà lợi dụng được nữa. Người ta toàn “ăn vụng trong bóng tối” chứ có ai ăn vụng được dưới ánh mặt trời đâu!

Trở lại vấn đề đất an ninh, quốc phòng, nếu như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thông báo với Bộ Chính trị thật minh bạch, rõ ràng và được Bộ Chính trị phê duyệt, sau đó Thủ tướng thể chế hóa và công bố cụ thể các khu vực đất an ninh, quốc phòng cho người dân biết, nghiêm cấm tình trạng chuyển đổi sang đất dân sự sai mục đích thì chẳng có chuyện gì chúng ta phải bàn cả.

 tuong le van cuong: dat quoc phong, an ninh cung phai minh bach hinh anh 3

Sân golf tại Tân Sơn Nhất.

Để công khai, minh bạch như ông nói, theo ông có cần thiết phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch đất an ninh quốc phòng và công bố cụ thể cho người dân biết không?

- Vấn đề này theo tôi là cần thiết và phải do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát lại tất cả các diện tích đất đang sử dụng hiện nay. Khu vực nào không dùng vào mục đích quốc phòng, an ninh thì chuyển sang dân sự và thông báo cho chính quyền địa phương để quản lý. Khi chuyển sang đất dân sự thì lại đơn giản hơn nhiều vì đã có Luật Đất đai và các quy định hiện hành để quản lý rồi.

Tôi nhấn mạnh lại lần nữa, quan trọng vẫn là phải minh bạch. Nếu sau khi rà soát, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phải có thông báo rõ ràng: Từ năm 2017 trở đi, chúng tôi thấy không cần thiết sử dụng khu đất này nữa cho mục đích an ninh quốc phòng, đề nghị trả lại cho Chính phủ quản lý.

Sau đó, Chính phủ giao cho Chủ tịch tỉnh để quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hết!

Câu chuyện sân golf được xây trong sân bay Tân Sơn Nhất đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận suốt thời gian qua. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Vấn đề này, dư luận xã hội và các học giả có nhiều quan điểm khác nhau. Ngay nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc ký kết hợp đồng sân golf Tân Sơn Nhất của Bộ Quốc phòng là sai luật.

Khi đó, hợp đồng kinh tế bị vô hiệu, nếu sân golf bị thu hồi, rủi ro kinh tế xảy ra cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm. Cá nhân tôi đã nhắc ngay từ đầu, mọi thứ nếu minh bạch thì chẳng bao giờ chuyện này xảy ra khiến dư luận ầm ĩ.

Mục tiêu xây dựng sân bay Long Thành để phục vụ nhu cầu 50 - 60 triệu lượt hành khách mỗi năm cũng là hợp lý. Tuy nhiên, trước khi xây dựng sân bay này, đáng ra phải mời tất cả các chuyên gia về lĩnh vực này, thậm chí có thể chi khoảng 1 triệu USD để mời được chuyên gia nước ngoài nghiên cứu cho thật kỹ.

Tôi được biết, hiện có ý kiến cho rằng, chỉ cần bỏ ra chi phí 1/10 chi phí xây dựng sân bay Long Thành để giải tỏa tất cả các gia đình đang sinh sống xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất thì vẫn giải quyết được nhu cầu trước mắt.

Do đó, tôi nghĩ vẫn có cách, dù chi phí 1/10 thôi vẫn đảm bảo được nhu cầu giao thông thì tại sao không thử nghiên cứu kỹ đã.

Chỉ khi nào các chuyên gia khẳng định không thể giải tỏa được và không còn giải pháp nào khác để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì mới nên tính đến phương án xây dựng sân bay Long Thành.

Việc xây dựng một sân bay sẽ tốn rất nhiều chi phí và liên quan tới các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc tế… Hiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nợ công lớn thì tiền đâu ra để làm sân bay?

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Thanh Xuân (thực hiện)

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây