Bỏ biên chế ngành y tế: Lãnh đạo ngành cũng phải làm theo hợp đồng

Thứ tư - 21/06/2017 21:39
(PL News) - GS Phạm Gia Khải: Nếu cán bộ nhân viên làm theo hợp đồng, người lãnh đạo ngành cũng phải làm theo hợp đồng. Chỉ những người ngang nhau mới có bình đẳng.
Bỏ biên chế ngành y tế: Lãnh đạo ngành cũng phải làm theo hợp đồng

Từ đề xuất bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nhiều người cho rằng, có đặc thù riêng, còn việc bỏ biên chế chỉ nên áp dụng cho ngành y.

Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn GS. BS, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải.

PV: Theo ông, ngành Y có nên bỏ biên chế để chuyển sang chế độ hợp đồng không ?

GS Phạm Gia Khải: Vâng, để có thể nói kỹ về vấn đề này, tôi xin được phân tích từng trường hợp như sau:

Cái lợi của chế độ biên chế là gì? Theo tôi, nếu giữ nguyên chế độ biên chế thì CBNV yên tâm về chỗ làm của mình, tạo sự ổn định cho công việc. Ngoài ra, truyền thống của cơ quan, chuyên ngành có điều kiện thuận lợi để được giữ vững.

 

bo bien che nganh y te lanh dao nganh cung phai lam theo hop dong hinh 1
GS. BS, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải

Chẳng hạn như: Đại học Y Hà Nội; các Bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức... có những cán bộ y tế thạo nghề hơn nhiều nơi khác. Tôi đã từng hỏi thi nhiều đối tượng, tôi thấy một điều rõ ràng rằng, thí sinh thuộc các cơ sở trên có trình độ và nhận thức nghiệp vụ hơn hẳn so với nhiều nơi khác. Đó là vì các cơ sở nói trên có nhiều điều kiện để tiếp xúc với nhiều đối tượng bệnh hơn, nhiều chuyên gia trong từng lĩnh vực mà mọi người quan tâm hơn.

 

Ngoài ra, một đặc điểm khá rõ nét của làm việc theo biên chế là những cán bộ nhân viên nào lười biếng, không chịu phấn đấu thì không chỉ làm chậm sự phát triển của bộ phận mình phụ trách, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ, tới sự phát triển của các bộ phận khác.

Trong nội bộ từng bộ phận, có thể mọi người không nói ra, nhưng hầu như ai cũng biết rõ ở trong bộ phận của mình thì ai kém, ai khá, ai lười, ai chăm. Nhưng vì đã theo biên chế, vai trò của các tổ chức cơ sở rất hạn chế trong việc uốn nắn, giúp đỡ nhau tiến bộ, chủ yếu là làm theo hình thức, nhất là nếu các hình thức đó làm hài lòng cấp trên.

Đã từng có chuyện xảy ra ở một Khoa như thế này: Có một anh nhân viên căm giận Thủ trưởng trực tiếp của mình vì người thủ trưởng này đã làm anh ta mất mặt về tội tham ô. Vì thế, anh ta đã lén bơm một lượng thuốc gấp 1.000 lần bình thường, gây hạ đường huyết cho một bệnh nhân mà bệnh nhân này lại do chính người Thủ trưởng kia vừa mới mổ xong.

Nếu không có một người khác phát hiện được thì người bệnh khó qua khỏi. Tuy nhiên, anh nhân viên này không bị truy tố vì Bệnh viện đang phấn đấu để có một danh hiệu cao, anh ta chỉ bị thuyên chuyển sang bộ phận không tiếp xúc với bệnh nhân thôi.

Một hạn chế nữa của chế độ biên chế là: nếu chẳng may, người lãnh đạo còn nhiều năm nữa mới về hưu, nhưng tư duy lại yếu kém, cơ quan vì thế mà cứ ì ạch mãi. Ngoài ra, nội bộ cơ quan sẽ có nhiều sự bất hòa do người lãnh đạo không sáng suốt, không có đường lối thích hợp để xây dựng cơ quan mình.

Các cụ đã nói: "Dụng nhân như dụng mộc", ông Servier, Chủ tịch một công ty Dược phẩm có uy tín ở châu Âu đã không trao cho con mình chức vụ Giám đốc, mà lại trao cho một người ngoài, vì ông ta thấy rằng, trao quyền như vậy sẽ có lợi cho công ty hơn. Những gương tích cực đó tương phản với nhiều gương tiêu cực khác, như "học giả bằng thực", "chủ nghĩa gia đình trị",…

Một điều bất cập nữa, ít nhất là trong ngành Y, đó là, một số cán bộ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm nhưng vì sự hạn chế về mặt biên chế nên phải nghỉ hưu, họ đã để lại một lỗ hổng lớn về mặt chuyên môn không dễ gì khỏa lấp lại được, trong khi cán bộ trẻ chưa đủ chuyên môn cũng như kinh nghiệm để kế tục.

Cái lợi của chế độ không biên chế: Theo tôi được biết, ở nước ngoài, nhiều cơ quan (trong đó có ngành Y), cán bộ nhân viên đều làm theo hợp đồng, dài hay ngắn tùy theo từng cơ sở, có thể ký tiếp hoặc không, nhưng các điều khoản trong hợp đồng rất cụ thể. Phải chăng, vì vậy mà hệ thống luật sư của các nước công nghiệp phát triển rất mạnh.

Tôi có dịp hỏi một số người, thấy họ rất thoải mái vì cảm thấy mình được làm việc ở một cơ quan mà từng cá nhân đều có nhiệm vụ và quyền lợi khá cụ thể. Tôi hiểu đó là một nét của dân chủ trong xã hội. Nếu cán bộ nhân viên làm theo hợp đồng, người lãnh đạo ngành cũng phải làm theo hợp đồng. Nếu cơ quan cần nhưng sức khỏe lãnh đạo đã yếu, tuy còn minh mẫn (có chứng nhận của BS thần kinh), họ có thể làm việc theo hợp đồng với những điều khoản rất cụ thể mà đương sự và cơ quan nhất trí.

Một cái lợi nữa là năng lực được coi trọng, hạn chế rất nhiều tình trạng "học giả bằng thật", “gia đình trị”…, điều đó sẽ buộc nhiều cán bộ nhân viên quan tâm hơn đến chuyên môn của mình.

PV: Thưa Giáo sư, nếu bỏ biên chế, các bệnh viện và bác sĩ sẽ phải tập trung vào việc khám bệnh để kiếm tiền, không còn thời gian hoặc không quan tâm nhiều đến việc đào tạo cũng như cập nhật kiến thức. Như vậy, chất lượng khám chữa bệnh sẽ đi xuống?

GS Phạm Gia Khải: Đúng là có một số y bác sĩ đi làm tư, kiếm được nhiều tiền hơn là làm cho nhà nước. Tuy nhiên, làm ở bệnh viện công bao giờ cũng có lương, tuy có ít, cán bộ nhân viên vẫn có thể làm thêm để tự cải thiện cuộc sống.

Thực tế, đã có người phải bỏ ra rất nhiều tiền để xin vào một suất biên chế ở bệnh viện công. Khi về hưu, một số người nhanh nhạy, có khả năng xoay sở tốt thì vẫn có thêm thu nhập từ kinh nghiệm, chuyên môn của mình nên không sợ cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng có một số người chỉ quen với công tác hành chính trong cơ quan nhà nước, cho nên khi về hưu, họ thường là thất nghiệp.

Vì vậy, nhiều người trong số đó mong muốn kéo dài tuổi công tác, nhưng nếu có kéo dài đi nữa thì cũng chỉ thêm được vài năm, không giải quyết được gì về lâu dài cả. Liên quan đến việc cập nhật kiến thức, trau dồi nghiệp vụ thì theo tôi, ngày nay, thế giới của chúng ta là thế giới phẳng, nếu không cập nhật thông tin, không cập nhật kiến thức mới thì sẽ đứng tại chỗ, không phát triển lên được, mất khả năng cạnh tranh. Vì vậy, cho dù làm tư thì cũng cần phải học thêm.

Theo tôi, kinh nghiệm là điều rất quan trọng đối với ngành y. Vì vậy, bác sĩ còn trẻ mà làm tư ngay thì ít bệnh nhân đến khám, bệnh nhân họ biết khá rõ thày thuốc nào "mát tay", thày thuốc nào còn thiếu kinh nghiệm.

Cho nên, bác sĩ trẻ muốn làm tư thì nên có thời gian nhất định vào làm ở một cơ sở công lập. Tuy nhiên, đối với bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn minh mẫn, có sức khỏe mà ra làm tư thu nhập của họ có nhiều khả năng sẽ cao hơn khi làm ở Bệnh viện Nhà nước.

Đây là một vấn đề mà các nhà hoạch định công tác y tế phải nghĩ tới, phải biết dùng họ, tất nhiên vào từng việc cụ thể. Càng ở tuyến dưới sẽ càng thấy rõ điều này hơn.

PV: Việc đào tạo y bác sĩ có cần phải xem xét lại không vì hiện nay có nhiều bác sĩ không thể đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh thưa giáo sư?

GS Phạm Gia Khải: Tôi cho rằng, cần phải cho sinh viên, thày thuốc trẻ tiếp xúc với hoàn cảnh bệnh lý của cơ sở, vì làm như vậy rất có lợi để người thấy thuốc biết rõ điều kiện sống, cách nói của người dân, các bệnh lý của họ.

Tôi thấy các vùng miền của VN có những đặc điểm riêng về bệnh lý, cho nên kỹ thuật chữa bệnh cũng phải phù hợp, không phải điều gì cũng như sách dạy cả đâu. Tôi còn nhớ một bác sĩ ở Tuyên Quang chẩn đoán đúng một trường hợp viêm tụy. Trường hợp này, nếu ở thành phố lớn, người ta dễ nghĩ tới nguyên nhân ăn uống ở người có điều kiện sống đầy đủ, nhưng người bác sĩ này lại làm ngay siêu âm.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!.

Nguồn tin: Thu Thủy/VOV.VN (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây