Hơn ai hết, mỗi người dân, những nhà lãnh đạo nặng lòng với sự nghiệp của cha ông đều trông mong chống tham nhũng sẽ được làm quyết liệt, tới cùng. Tất nhiên, muốn vậy lực lượng chống tham nhũng phải đủ mạnh. Muốn mạnh phải dựa vào nhân dân, bởi sức mạnh để chống tham nhũng trên hết chính là lòng dân.
Còn nhớ Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khi còn làm chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từng kể đích thân Tổng Bí thư đã hai lần nói với ông rằng: Nếu chỉ có Đảng và Nhà nước chống tham nhũng thì không thành công. Mặt trận, báo chí và người dân phải cùng vào cuộc thì tham nhũng mới bị đẩy lùi.
Đây chính là lý do để “Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo tổ chức được hình thành, hiện đã thu hút tới 1.500 tác phẩm dự thi. Tuy nhiên, như ban tổ chức giải nói, những bài báo viết về gương điển hình chống tham nhũng vẫn thiếu vắng, chủ yếu vẫn là những bài báo về các vụ việc tham nhũng cụ thể.
Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói rằng: Khi phát hiện tham nhũng, người dân không dám đích danh tố cáo. Bởi khi lộ danh tính thì những người tố cáo tiêu cực, tham nhũng… thường nhận lại những phản ứng tiêu cực.
Điều này là rất phù hợp với thực tế khi người chống tham nhũng gần đây đều gặp phải những… tai bay vạ gió.
Hai lão nông ở Bắc Ninh ngoài việc khui ra những sai phạm trong quản lý đất đai, thu chi ở địa phương thì còn có công lớn trong vụ việc 3.000 hồ sơ thương binh giả. Ấy vậy mà trong cuộc sống, hai ông gặp vô vàn khó khăn với làng xóm, họ hàng và cả chính quyền địa phương. Việc đấu tranh để hai lão nông được Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen phải đến khi có tiếng nói của báo chí thì cái điều tưởng vốn dĩ hiển nhiên đó mới được thực thi một cách thấu đáo.
Hay như trường hợp bà Bùi Lệ Oanh ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau tố giác tham nhũng ngay tại cơ quan mình. Kết quả tòa xử đã chứng minh cho những gì bà tố cáo là có căn cứ. Vậy mà chỉ một tấm bằng khen cho sự dũng cảm của bà đến nay cũng ách lại, dù cả cơ quan của bà đang công tác và thanh tra tỉnh này đã có đề xuất cụ thể.
Nói thế để thấy rằng cơ chế bảo vệ cũng như khen thưởng những người chống tham nhũng, những “tiều phu” đốn hạ củi mục, hình như còn nằm đâu đó trên văn bản, chứ chưa trở thành động lực khuyến khích người dân dũng cảm chống lại nạn nội xâm này.
Bản thân những người dân trực tiếp tham gia tố giác tham nhũng không ngại nguy nan, sẵn sàng đối đầu với nhiều áp lực, thậm chí là tính mạng của mình. Đáng lẽ việc khen thưởng là nghĩa vụ của chính quyền phải làm thì nó lại chưa được như thế.
Vậy thì động lực nào mà có? Rồi làm sao nêu gương, tạo niềm tin cho toàn xã hội chung tay với Đảng, Nhà nước tố giác, bài trừ nạn tham nhũng đang ngày ngày, giờ giờ đục khoét từng địa phương, đất nước?
Tác giả bài viết: CHÂN LUẬN
Nguồn tin: PLO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn