'Giảm bớt 4/10 tín chỉ lý luận chính trị, sinh viên vẫn yêu Tổ quốc'

Thứ sáu - 18/08/2017 20:08
(Phapluat News) - Đó là lời cam kết gan ruột của giáo sư Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải khi ông bày tỏ tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 của các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm trước lãnh đạo ngành giáo dục nước nhà hôm 11.8 vừa qua
Giáo sư Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải
Giáo sư Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải

 

Tôi rất chia sẻ và đồng tình với quan điểm nói trên của vị hiệu trưởng bởi đây cũng là chuyện từ hai chục năm về trước của tôi. Chính tôi đã băn khoăn và mạnh dạn phát biểu trước Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển ngày ấy tại một cuộc giao ban báo chí của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Khi đó ông Hiển đến báo cáo với lãnh đạo các cơ quan báo chí về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về đổi mới công tác giáo dục ban hành trước đó. Tôi rất muốn bày tỏ thì có dịp được gặp, nghe ông nói...

Tuy nhiên, bữa đó Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cũng không bày tỏ gì ngay về cách nhìn của tôi mà chỉ “ghi nhận và sẽ nghiên cứu"...     

Tiếc thay, câu chuyện từ 20 năm trước giờ vẫn "nguyễn y vân!". Phải chăng ngành đào tạo đại học nước nhà phần nào vì chuyện này mà vẫn chậm phát triển so với nhiều nước quanh ta, đừng nói đến các nước có nền tảng giáo dục vững chắc khác. 

Quay trở lại hội nghị hôm 11.8 nói trên, một vấn đề nữa cũng được giáo sư Nhớ đề cập, đó là việc dạy môn An ninh Quốc phòng chiếm quá nhiều thời gian. Theo ông trình bày thì với chương trình đào tạo hiện nay, việc dạy chứng chỉ An ninh Quốc phòng chiếm đến 20-25% thời gian. Ngoài thời gian thì nó còn liên quan đến học phí. Giáo sư Nhớ cũng băn khoăn rằng, khi môn giáo dục An ninh Quốc phòng được nâng lên 165 tiết thì chính ông cũng" không hiểu là để làm gì. Rõ ràng tính hiệu quả là rất kém. Tôi đề nghị xem xét giảm môn này xuống còn chỉ 4 tín chỉ thôi” - vị hiệu trưởng thật lòng nói.

Còn về Giáo dục thể chất, giáo sư Nhớ cho rằng nên để sinh viên được tự chọn. “Ở bậc phổ thông, Giáo dục thể chất là bắt buộc thì bậc đại học không thể bắt buộc. Các em đã 18 tuổi rồi, có em thích tập môn này, có em chẳng tập môn nào cả. Nhưng hiện chúng ta bắt sinh viên học xong và thi mấy môn mà các em chẳng thích thú mà cũng không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cho chính các em”, vị Hiệu trưởng bày tỏ thẳng thắn.

Từ những thực tế của sinh viên hiện nay trước việc họ học và tiếp thu các môn nói trên, tôi nghĩ ngành giáo dục cũng nên có chính kiến của ngành trước Đảng và Nhà nước. Phải chăng các trường đại học của nước ta bố trí các học phần nhiều thời gian hơn các nước, nhiều khi đến nửa năm, thậm chí cả năm. Phải chăng cũng do những môn trên đây góp phần vào?

Trong khi đó, chất lượng bằng cấp của đại học Việt Nam luôn kém xa so với quốc tế dù học dài thời gian hơn. Tiếng Anh khi sinh viên tốt nghiệp không dùng được thông thạo nếu các em không mất tiền học thêm. Tin học cũng "loạng quạng" chả đâu vào đâu nếu không tự tìm nơi học thêm cho tử tế. Nhiều nơi tuyển dụng buộc phải đào tạo lại trước khi các em bước vào làm việc, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra trên toàn thế giới.

Như vậy, ngoài thời gian kéo dài lãng phí còn là vấn đề tài chính cho mỗi gia đình có con theo học bởi họ bị mất thêm các khoản tiền khi lấy các tín chỉ mà lẽ ra đã có thể bớt đi và thay vào môn khác như tiếng Anh hay tin học sao cho hợp lý nhất. Chính sự bất hợp lý này khiến sinh viên con nhà nghèo rất cơ cực. Nên nhớ, sinh viên nghèo ở nước ta chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ. Hãy cứ nhìn vào 1 bữa cơm chỉ dăm mười ngàn của các em là đủ đoán ra. Tôi nghĩ rất đơn giản như thế, chẳng rõ sai đúng đến mức độ nào! 

Có một điều tôi muốn nói thêm nữa là, nếu giả sử chúng ta yêu cầu các sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài về nước, trước khi được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước cũng buộc phải học thêm những môn này cho bình đẳng thì đã là một nhẽ và có chút "bình đẳng". Còn ở đây, chúng ta đâu có bắt các em đi du học phải học như thế! Mọi người đều có khả năng thăng tiến về sự nghiệp, không khác nhau chút nào. Như vậy thì tính sao đây với các sinh viên trong nước? 

Tôi thấy hơi buồn trong việc này. Cũng qua đây cho thấy công việc đổi mới tư duy kinh tế trong 30 năm qua ít nhiều đã làm tốt, thậm chí có lĩnh vực làm khá tốt. Song, đối với hệ thống chính trị, tôi có cảm giác công việc đổi mới cũng rất cần thiết này lại quá chậm chạp, ì ạch. Nói chưa đi đôi với làm. Giá như câu chuyện mà giáo sư Nhớ đưa ra hôm rồi được thực hiện từ 20 năm trước thì đã có nhiều thế hệ sinh viên khỏi phải ngồi thêm trên giảng đường bao nhiêu thời gian. Và như vậy, nếu cộng lại của hàng triệu sinh viên suốt 20 năm ấy sẽ là bao nhiêu năm, tháng quy ra vật chất đã bị lãng phí? Thời gian đó, nếu họ được ra trường sớm hơn thì đã làm ra được biết bao của cải vật chất cho xã hội. Đó là chưa nói, biết đâu các em sẽ yêu nước hơn vì đầu óc cũng nhẹ đi để dành nó cho tiếp thu công nghệ mới, kiến thức mới, sớm đóng góp thiết thực cho xã hội, cho đất nước. Tôi thực sự nghĩ như thế! 

Tác giả bài viết: Quốc Phong

Nguồn tin: Một thế giới:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây