Động thái này vô tình trở thành khởi đầu cho một làn sóng toàn cầu gây sức ép lên Google, công ty mẹ của YouTube. Sau Việt Nam, trong hai tuần tiếp theo đó, các doanh nghiệp ở Anh, Australia, Pháp và Mỹ nói không với quảng cáo trên YouTube. Ở cao điểm của chiến dịch “tẩy chay” này, cổ phiếu của Google sụt giá 5%.
Lý do của các doanh nghiệp rất đơn giản: họ muốn bảo vệ thương hiệu của mình. Cuộc quay lưng có quy mô toàn cầu này có thể được tóm tắt bởi thông cáo của AT&T, nhà mạng lớn nhất nước Mỹ: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc khi quảng cáo của mình xuất hiện bên cạnh các nội dung xấu trên YouTube”.
Ở Việt Nam, danh sách các doanh nghiệp bày tỏ thái độ và dừng quảng cáo trên YouTube có lúc bao gồm Vinamilk, Vingroup, Sungroup, Ford Vietnam, Yamaha, Unilever... Đều là những cái tên lớn.
Các nội dung xấu này, là thông tin giả mạo, là các nội dung cổ xúy cho khủng bố và chia rẽ. Sự tự do mà các nền tảng mạng xã hội dùng để quyến rũ người dùng, cũng đã góp phần tạo ra một khối lượng khổng lồ các nội dung xấu độc.
Không nhiều người biết rằng “phát súng lệnh” ở Việt Nam được tạo ra bởi một cuộc thương lượng dài. Khởi đầu, những cuộc đối thoại giữa các cơ quan chính phủ Việt Nam và các hãng công nghệ đa quốc gia như Google, chúng tôi hay gọi là cuộc nói chuyện với những người giả vờ điếc. Nói với các hãng này về “nhạy cảm”, về “trái thuần phong mỹ tục”, về “xấu độc” hoàn toàn không có tác dụng: họ không có động lực phải đáp ứng nhu cầu của chúng ta.
Muốn gỡ nội dung? Anh cứ điền vào một mẫu đơn dài hai trang bằng tiếng Anh, họ sẽ xem xét, để gỡ... một đường link. Chính sách của tôi là vậy. Chính phủ thì cũng như mọi người dùng khác.
Cuối cùng, Bộ Thông tin & Truyền thông chọn một hướng tiếp cận mà họ không thể “điếc” được: Chúng tôi chỉ ra rằng họ đang làm hại các khách hàng, những người đang làm ra tiền cho họ. Việc trộn các thương hiệu vào các tin tức nhảm nhí, không mang lại giá trị gì. Cách làm này, nguy hiểm cho cả thương hiệu của bản thân YouTube hay các khách hàng, chứ không chỉ cho người đọc.
Sinh mạng của một tập đoàn như Google phụ thuộc vào tình cảm, sự yêu ghét của cộng đồng mạng. Khi đi thẳng vào câu chuyện kinh doanh, họ nhìn nhận được vấn đề, hai bên đã hiểu nhau. Cuộc hợp tác trở nên rất tích cực. Họ thiết lập một bộ phận riêng để làm việc với phía Việt Nam trên từng đường link một, và phản biện lại từng trường hợp chúng tôi kiến nghị. Đó là một hoạt động rất tốn kém cho Google, nhưng cách làm ấy thể hiện đẳng cấp của một doanh nghiệp toàn cầu. Quảng cáo, vì thế, cũng đã trở lại YouTube.
Facebook thì khó nói chuyện hơn. Khách hàng của họ không chỉ có các thương hiệu lớn. Đó có thể là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những hộ kinh doanh cá thể, trong đó có cả người sẵn sàng tung tin có tai nạn ở sân bay Nội Bài để câu thêm người theo dõi trang bán hàng của mình, những cá nhân nói thẳng mình bán hàng giả, hàng nhái “F1”, từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các cá thể kinh doanh này, có thể chưa cảm thấy cần chia sẻ trách nhiệm về thông tin xấu độc trên hạ tầng họ dùng.
Cho đến giờ, cuộc đối thoại với Facebook vẫn đang là cuộc nói chuyện với người giả vờ điếc. Câu hỏi thường trực vẫn là: “Thế nếu chúng tôi không đáp ứng yêu cầu chặn, hạ nội dung đó thì các bạn sẽ làm gì?”. Khi thiếu niềm tin, cuộc đối thoại trở thành cuộc so găng. Làm gì, như thế nào, vào lúc nào, với ai, đó là việc của chúng tôi.
Khi làm tất cả những việc này, có người hỏi tôi: tại sao các anh không thấy những cái hay cái đẹp trên mạng xã hội, mà cứ mở miệng ra là nói về nội dung xấu độc, nói về việc ngăn chặn? Tôi không phủ nhận rằng các nền tảng mạng xã hội có nhiều ưu việt. Nhưng tôi nói với họ một hình ảnh. Bây giờ, nếu anh vỗ vai người quét rác trên phố, hỏi rằng chị ơi sao chị không ngắm phố phường đèn hoa lộng lẫy đẹp thế này, thì chị ấy sẽ trả lời sao? Chị ấy sẽ gạt mồ hôi, cảm ơn bác, và nói việc của nhà cháu là quét rác, nếu sau khi quét rác xong còn thời gian, nhà cháu cũng sẽ ngắm phố.
Chúng tôi là những người quét rác. Không có thứ gì chỉ mang một mặt tích cực. Mạng xã hội mang lại cho công chúng khả năng chia sẻ thông tin dễ dàng, thì cũng đồng thời bào mòn nhiều phản xạ tư duy. Tin trên mạng xã hội là “tin dễ tin”, bởi vì không có hình thức truyền tin nào hiệu quả hơn truyền miệng, qua bạn tôi nói, người thân tôi nói, người nổi tiếng “chia sẻ”... Và hành vi tương tác trên mạng cũng chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ - nó trở thành một thứ thao tác cá nhân đơn giản như hít thở, mà đã là hít thở thì sao lại phải nghĩ rằng nó gây hiệu ứng gì lên xã hội nữa?
Nhưng tất nhiên là chúng có ảnh hưởng - và nhiều lúc, là ảnh hưởng tiêu cực. Ai cũng có khả năng vứt rác ra đường. Sự tự do mà Facebook và Google mang đến, không chỉ là tự do biểu đạt, mà còn là cảm giác tự do khỏi các kiềm tỏa mang tính pháp lý. Không có bộ quy tắc ứng xử (có nhưng ít ai buồn đọc), “thoát khỏi” chế tài, “chơi mạng” trở nên vô cùng hấp dẫn. Nhưng sự “tự do” này có thể quay sang làm hại chính những người đang tung hô. Nó thậm chí có thể tạo ra sự ảo tưởng về quyền lực.
Rác nội dung và việc quét chúng đi theo luật của ai, chỉ là một khía cạnh của vấn đề.
Các tập đoàn công nghệ, còn đang trở thành “người quyết định luật chơi” trong nhiều khía cạnh khác của các quốc gia. Chúng ta là một quốc gia có chủ quyền với một thị trường hơn 90 triệu dân, nhưng luật lệ trong lĩnh vực phân phối các nội dung số, thì lại đang phụ thuộc vào các định chế xuyên quốc gia như Google, Facebook, Apple. Họ quyết định nội dung, quyết định công nghệ, quyết định mô hình kinh doanh - ăn chia, quyết định phương thức thanh toán, đối soát. Điều đó đặt ra câu hỏi về chủ quyền trên không gian số.
Người Việt Nam sản xuất nội dung, người Việt Nam tiêu thụ, nhưng họ muốn ta phải trả tiền qua Visa hay Master, chứ không dùng thẻ trong nước, ta cũng phải chấp nhận. Đó là điều nguy hiểm mà các nhà quản lý cần nhận ra.
Cho dù đề cao sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, luật chơi vẫn phải là của Việt Nam - một nước có chủ quyền. Khi Google đề nghị chúng tôi điền đơn như mọi người dùng khác, chúng tôi đã trả lời: “Chúng tôi không phải người dùng YouTube. Chúng tôi là những người quản lý YouTube ở Việt Nam”.
Cuộc đối thoại thành công với Google đã mở ra một chương mới về sự hợp tác dựa trên lợi ích chung. Còn Facebook, sẽ là chương tiếp theo. Và nếu như không có đối thoại, hoặc đối thoại kiểu giả vờ điếc, thì chúng tôi xác định rằng, đó là một cuộc đấu tranh.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Lâm
Nguồn tin: báo VnExpress:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn