Mới đây, lãnh đạo một thành phố lớn kêu gọi người dân đi bộ, việc làm này theo vị lãnh đạo đó, không những tăng cường sức khỏe cho bản thân người dân, tiết kiệm chi phí xã hội, giảm bớt xe cộ lưu thông, bớt kẹt xe và bớt ô nhiễm môi trường...
Lời vận động xem ra vô cùng hợp lý này tuy được đại đa số những người tham gia cuộc họp ấy ủng hộ nhiệt liệt song cũng có không ít ý kiến băn khoăn. Sự băn khoăn tiếc thay không phải vì không thấy lợi ích của việc đi bộ mà do ngay tại TP.HCM, 159 tuyến đường kiểu mẫu các quận huyện đăng ký từ lâu rằng không buôn bán, lấn chiếm nhưng không có chuyển biến, đến mức "không có vỉa hè thông thoáng, không có cách gì đi bộ được"- một vị lãnh đạo cấp sở TP.HCM nêu thực tế.
Chủ hàng Bảo Khánh 117 Hàng Buồm đang tự thu dọn hàng trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Ảnh: VietNamNet |
Đó là thực tế không thể nào chối cãi trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội. Hiện nay, ngay cả người lớn đi bộ cũng còn khó, huống hồ trẻ em. Thật khó có cha mẹ nào dám để con em mình tự ý đi bộ trên đường phố hiện nay bởi sự nguy hiểm là hiển hiện.
Cách đây hơn ba thập kỷ, việc cấm đốt pháo cũng gây nhiều tranh cãi. Rồi gần một thập kỷ trước, quy định buộc người dân phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy tham gia giao thông cũng vậy. Có quá nhiều lý do được đưa ra, nhưng rồi việc đội mũ bảo hiểm là bắt buộc trên mọi tuyến đường đã được thực hiện và hiệu quả của nó là không cần bàn cãi, tương tự như thế là việc cấm đốt pháo trước đó.
Đốt pháo là phong tục lâu đời, nó không là hành vi vi phạm pháp luật trước khi nghị định cấm đốt pháo ra đời nhưng việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không những không là phong tục mà là hành vi vi phạm pháp luật từ lâu mà chưa bị nghiêm trị. Không ít đợt ra quân, cao điểm được thực hiện nhưng rồi đâu lại vào đấy. Rõ ràng, là pháp luật bị coi thường và người dân có muốn đi bộ cũng phải tràn xuống lòng đường vừa thêm tắc nghẽn, vừa nguy hiểm.
Phần lớn vỉa hè ở hai thành phố lớn bị lấn chiếm trong một thời gian dài thì rõ ràng nó đã gần với "phong tục lấn chiếm" nếu như những nỗ lực lập lại trật tư đô thị không đủ sức mạnh, sức bền cũng như sự quyết liệt.
Việc hai thành phố lớn mở những đợt tấn công đòi lại vỉa hè rõ ràng là chủ trương đúng. Cách làm có thể cần điều chỉnh cho đúng trình tự theo quy định của pháp luật nhưng cuộc chiến đã được khởi động và giờ đây nếu như có ý kiến "bàn lùi" thì đó là sự thất bại của luật pháp, của lẽ phải và của cả những đòi hỏi chính đáng từ cuộc sống.
Việc đòi lại vỉa hè, cần và nên được làm mạnh mẽ, dứt điểm như việc cấm đốt pháo, buộc phải đội mũ bảo hiểm trước đây. Không một đô thị nào trên thế giới, người đi bộ trên vỉa hè ngổn ngang xe cộ, hàng quán như ở hai đô thị lớn nhất nước ta. Và người đi bộ trên vỉa hè, một hành vi đẹp, đúng luật, cần được ủng hộ thì không hiếm khi bị những kẻ vi phạm pháp luật như buôn bán, trông giữ xe trái phép làm phiền.
Cũng có ý kiến lo ngại cho "nền kinh tế vỉa hè" là nguồn sống của một bộ phận người dân. Nhưng đó là điều lo ngại thừa, có phần ngụy biện bởi người dân Bình Đà- nơi sản xuất pháo là nguồn sống- trước đây không những chuyển đổi nghề nghiệp nhanh chóng mà đời sống của họ cũng khá giả hơn rất nhiều so với khi còn độc canh pháo.
Mới đây thôi, một việc làm văn minh của Hà Nội là tạo dựng không gian đi bộ quanh hồ Gươm cũng có không ít ý kiến ngược, xuôi. Nhưng rồi, thực tế cho thấy đó là việc làm đúng đắn, văn minh.
Vì thế, cuộc chiến đòi lại vỉa hè không những là phép thử của việc thực thi pháp luật, mà còn là đòi hỏi của việc lập lại trật tự đô thị theo con đường hướng đến văn minh. Đó cũng là một việc làm đáp ứng yêu cầu "xây dựng thành phố đáng sống" như lời nói của ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cách đây chưa lâu.
Tác giả bài viết: Khôi Nguyên
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn