Thủ tục đăng ký khai sinh cho con trong trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn

Thứ ba - 18/08/2020 05:42
(TVLMP) – Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn nhờ tư vấn nội dung như sau: “Con trai tôi có quen biết với chị Nh và sống chung như vợ chồng. Đến khi chị Nh. có thai con trai tôi mới báo cho gia đình biết. Vì nơi ở của chị Nh ở xa, gia đình chúng tôi không tổ chức cưới, hỏi và đăng ký kết hôn, nhưng hàng xóm ai cũng biết chuyện. Năm 2017, chị Nh. sinh con tại bệnh viện, có giấy chứng sinh ghi họ tên địa chỉ của mẹ. Sau đó chị Nh. bỏ đi, để con lại cho con trai tôi và tôi nuôi đến nay.
Vừa qua, tôi có nhờ người đến liên hệ tại UBND phường về việc làm giấy khai sinh cho cháu nội của tôi. Cán bộ tư pháp phường yêu cầu con trai tôi và cháu tôi phải đi xét nghiệm ADN thì mới đảm bảo thủ tục. Thế nhưng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, con trai tôi không có tiền làm xét nghiệm ADN để làm thủ tục nhận con theo quy định, nên đứa bé ba tuổi đến nay vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Tôi xin hỏi, tôi là bà nội của cháu có đi làm giấy khai sanh cho cháu được không hay chờ con trai tôi đang đi làm ăn ở xa về mới đi khai sinh cho con được ? Nếu không đi xét nghiệm ADN thì có làm được giấy khai sinh cho cháu không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nội dung bà Nguyệt hỏi, Luật gia Lê Công Tâm – Tư vấn luật miễn phí (tuvanluatmienphi.net.vn) tư vấn như sau:

1. Về nội dung ai có trách nhiệm đi làm giấy khai sinh:

- Căn cứ  Luật Trẻ em năm 2016, quy định tại Chương II, Mục 1 Điều 13:“Quyền được khai sinh và có quốc tịch: “Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.”

- Theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Trách nhiệm đăng ký khai sinh, Luật Hộ tịch năm 2014: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em

Như vậy, trẻ em khi sinh ra có quyền được khai sinh. Đối chiếu quy định trên, trường hợp cháu nội của bà, thì bà là bà nội của cháu có quyền đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh cho cháu;

Tuy nhiên do cháu nội của bà (cha mẹ của cháu chưa đăng ký kết hôn, nay mẹ bỏ đi người con sống cùng cha và bà nội), thì người cha của cháu phải về đăng ký khai sinh cho cháu và làm thủ tục nhận con. Trong trường hợp này tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào quy định nêu trên, người cha của cháu là người đi đăng ký khai sinh chuẩn bị những giấy tờ sau:

- Bản chính Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Nếu không có giấy chứng sinh thì phải có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh (theo Điều 5, Thông tư 04/2020); Biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập (trường hợp trẻ em bị bỏ rơi); văn bản chứng minh việc mang thai hộ (trường hợp trẻ em sinh ra do mang thai hộ).

- Người đi đăng ký khai sinh xuất trình bản chính một trong các giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng) để chứng minh về nhân thân; giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn); sổ hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ).

- Điền và nộp mẫu tờ khai đăng ký khai sinh theo quy định.

2. Về nội dung không đi xét nghiệm AND thì có làm được giấy khai sinh cho cháu không ?

- Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 16/7/2020 thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định: “Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”

Theo bà trình bày, cán bộ Tư pháp cấp phường yêu cầu có xét nghiệm ADN giữa cháu và cha của cháu là phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 14, Thông tư 04/2020/TT-BTP. Tuy nhiên vì kinh tế gia đình bà khó khăn, thì vẫn có quyền thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 14 Thông tư này, không cần phải xét nghiệm AND. Trong trường hợp này, cha của cháu phải lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, và đảm bảo phải có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP: a) Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định; b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch; c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.”

Ngoài ra tại khoản 1, Điều 16 Luật Hộ tịch còn quy định về đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt, như sau:

“Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
     
Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp. “


Như vậy, trong trường hợp cụ thể của cháu bà có giấy chứng sinh của bệnh viện, ghi thông tin họ tên, quê quán của người mẹ, thì công chức Tư pháp, UBND cấp xã có thể dựa theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch để giải quyết, tức không cần phải có văn bản cam kết của người mẹ và không bắt buộc xét nghiệm ADN, mà lập văn bản cam đoan của người cha của cháu theo khoản 2 Điều 14 Thông tư 04;

Khi đó người cha của cháu đến UBND cấp phường, xã cư trú có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh cho cháu. Trường hợp UBND cấp phường, xã không giải quyết thì yêu cầu UBND cấp phường, xã trả lời bằng văn bản về lý do không đăng ký khai sinh cho cháu, để bà có cơ sở gửi đơn đến Chủ tịch UBND và phòng Tư pháp cấp huyện xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Tác giả bài viết: Luật gia Lê Công Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 295 trong 63 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 63 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây