Sáng 20.3, thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng: Vấn đề khi ra Quốc hội, Quốc hội quan tâm tại sao lại tăng trần nợ công nhanh, nguy cơ thế nào, nếu không cẩn thận lại bắt đầu thiên lệch, đổ lỗi, sách nhiễu và không khách quan.
Thượng tướng Võ Trọng Việt (Ảnh Quochoi.vn)
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua là sự đột phá. Bên cạnh đó là đảm bảo an sinh xã hội cũng như giữ giá đồng tiền tạo niềm tin rất lớn. Do đó, các báo cáo phải làm sao cung cấp thông tin để các ĐBQH hiểu rõ trách nhiệm của các cơ quan, trong đó có Quốc hội và Chính phủ.
Ông Việt dẫn chứng, theo quy định những dự án có quy mô từ 1.000 tỷ đồng trở lên phải trình ra Quốc hội, nhưng người thực hiện chia ra hai gói, mỗi gói 500 tỷ đồng thì không phải trình Quốc hội.
"Bản chất của việc này là "lách" luật và nó đã thành phong trào. Cần phải soi vào Luật xem có lỗ hổng không? Tôi thấy, hiện nay nhiều luật, chính sách người ta có thể "lách" được. Chính vì thế khi ban hành Luật này mỗi cấp, mỗi ngành cần phải thấy trách nhiệm của mình " - thượng tướng Võ Trọng Việt nói.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi), theo tướng Việt, nếu giữ như dự thảo Luật với ba đối tượng là nợ Chính phủ, nợ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương thì ông rất băn khoăn. Nhưng nếu mở rộng thêm đối tượng là nợ của doanh nghiệp Nhà nước thì rất nguy hiểm.
“Mở rộng đối tượng nợ sẽ tạo ra suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi nên làm bừa, làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng xem xét mặt tích cực thì việc mở rộng đối tượng nợ sẽ giúp ổn định kinh tế. Theo tôi, khoanh rõ phạm vi 3 đối tượng như dự thảo là phù hợp” - tướng Việt đánh giá.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật) giải thích: Đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với nội dung về phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật. Theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.
Vẫn theo ông Hải, có ý kiến cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung quy định tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.
"Có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên các khoản nợ này về bản chất Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ" - ông Nguyễn Đức Hải cho biết.
Tác giả bài viết: Ngọc Lương
Nguồn tin: Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn