Bộ trưởng Tài chính: Hết thời trả hộ nợ cho DN nhà nước

Thứ hai - 20/03/2017 19:08
(PL News) - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định tới đây dứt khoát không có chuyện chuyển nợ DN nhà nước sang nhà nước trả hộ.
Bộ trưởng Tài chính: Hết thời trả hộ nợ cho DN nhà nước

 

Sáng nay, UB Thường vụ của QH cho ý kiến dự thảo luật quản lý nợ công. 

Liên qua đến việc có nên tính nợ DN nhà nước vào nợ công hay không vẫn còn nhiều ý khác nhau. Theo tờ trình của Chính phủ (CP), nợ công bao gồm nợ CP, nợ do CP bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi: "Nếu Ngân hàng nhà nước và DN nhà nước là khu vực công, thì đương nhiên nợ của họ nhà nước phải trả. Như nợ của Vinashin thì ai trả? CP phải trả?”

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng nếu mở rộng thêm nợ của DN nhà nước rất đáng lo, nguy hiểm cao, tạo suy nghĩ có CP lo rồi thì làm bừa làm ẩu, "không khéo làm loạn nền kinh tế". 

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng lo ngại, tỷ lệ nợ công đã áp trần 65%GDP. Nếu tính nợ DN nhà nước vào nợ công sẽ khiến nợ công tăng thêm.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển ví von: “Nhà chỉ có một cửa trả nợ mà tới vài ba cửa vay thì cần xem xét lại" và đề nghị CP quy định chặt chẽ việc bảo lãnh, vay về cho vay lại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng, nợ công, trả nợ

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, có 40 nước và nhóm nước trên thế giới không tính nợ DN nhà nước vào nợ công. Chỉ có 4 nước như: Thái Lan, Philippines... tính nợ DN nhà nước vào nợ công nhưng chỉ tính phần nợ của các DN công ích, thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.

Bộ trưởng Dũng cũng thông tin thêm, theo quy định của Ngân hàng Thế giới, nợ vay của DN nhà nước được đưa vào nợ nhà nước khi thỏa mãn 3 điều kiện: Thu chi nằm trong dự toán, CP sở hữu trên 50%, CP cam kết trả nợ trong trường hợp DN không trả được nợ.

“Vì vậy đối với nợ khác của DN nhà nước, quan điểm của CP là DN nhà nước tự vay phải tự trả. Dứt khoát không có chuyện chuyển nợ DN nhà nước sang nhà nước trả hộ”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Nợ công tăng nhanh từ 2001 đến 2015

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, nợ công chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của CP đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần.

Ông chỉ rõ bất cập về phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao. Vì vậy phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của CP và vốn vay CP bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, CP phải trả nợ thay.

“Nợ công tăng nhanh trước hết do công tác điều hành”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Bộ trưởng cho biết, giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự tính 7,5%, sau đó điều chỉnh giảm 6,5-7%, nhưng thực tế chỉ đạt 5,9%. 

Trong khi đó vẫn đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, nên thời gian dài giữ bội chi rất cao.

Chi lớn nên vay lớn, vì vậy nợ công tăng nhanh. Chưa kể giai đoạn 2011 – 2013 huy động vốn quá lớn, lãi suất quá cao, có khoản vay 13% đã dồn áp lực trả nợ vào các năm 2014 -  2017.

“Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, làm sao mà được? Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao rõ trách nhiệm được? Nợ công tăng nhanh là đúng, áp lực trả nợ cao là đúng", ông Dũng nhấn mạnh bàn nợ công phải nhìn vào khả năng thực tại của nền kinh tế. 

“Dự báo chả đúng, chẳng năm nào đúng cả, làm sao tỷ lệ chả phình!”, Bộ trưởng nêu bất cập.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng quan tâm nhất của QH là tại sao tăng trần nợ công, nguy cơ thế nào? Nêu không cẩn thận nguy cơ thiên lệch, đổ lỗi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng, nợ công, trả nợ

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt

Ông lưu ý khi bàn luật này cần có cái nhìn khách quan. “Lỗi của vấn đề này là lỗi của chúng ta cả”.

"Nếu không cẩn thận một số ĐBQH chĩa sang CP, tôi cho đó là không khách quan”, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh nói.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây