Để xây dựng vỉa hè trở thành không gian sống hoàn chỉnh, cần phải có sự quy hoạch đồng bộ và đảm bảo nhiều yếu tố như an toàn cho người đi lại, phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, thư giãn, đồng thời phải mang nét đặc trưng của văn hóa bản địa.
Vỉa hè dành cho người đi bộ không có vật cản.
Hiện nay, chính quyền thành phố Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục tăng cường quản lý hành chính và triển khai nhiều quy định mới để hoàn thiện những tiêu chí trên.
Đầu tháng 7/2016, Ban quản lý kiến thiết xây dựng và cảnh quan đô thị thủ đô Bắc Kinh đã tiến hành điều chỉnh các quy định mới về quản lý vỉa hè của thành phố, theo đó khoảng cách đặt các bốt điện thoại công cộng sẽ là 1 km, diện tích của các sạp báo trên vỉa hè sẽ giảm gần một nửa, các biển báo nhà vệ sinh công cộng, tàu điện ngầm, đường hầm đi bộ sẽ được tập hợp trong 1 cột biển báo…
Theo những quy định mới này, một số cơ sở dịch vụ công cộng tràn ngập vỉa hè sẽ bị dỡ bỏ, vỉa hè đô thị của thành phố phải rộng ít nhất 2 mét trở lên dành cho người đi bộ.
Thu hẹp diện tích sạp báo
Trước đây, các sạp báo ở thủ đô Bắc Kinh thường được thiết kế rộng 6 m2. Tuy nhiên, theo quy định mới, các sạp báo hiện nay không được dài quá 2,5 mét, rộng không quá 1,5 mét (khoảng 3,75 m2), giảm gần một nửa so với thiết kế ban đầu.
Phó Giám đốc Sở cảnh quan đô thị thuộc Ban quản lý kiến thiết xây dựng và cảnh quan đô thị thủ đô Bắc Kinh, ông Trần Long cho biết: “Tính tới thời điểm hiện nay, khoảng 1.600 sạp báo trên khắp thành phố Bắc Kinh sẽ có diện mạo và phong cách mới.
Như vậy, các sạp báo mới sẽ có thiết kế khép kín, không thể mở rộng, các cá thể kinh doanh sạp báo chỉ có thể hoạt động trong lòng sạp báo. Bên cạnh đó, một số khu vực cụ thể còn cấm đặt các sạp báo như ngã giao nhau giữa 2 vỉa hè có độ rộng dưới 5 mét, cầu vượt dành cho người đi bộ, lối lên xuống của các đường hầm dành cho người đi bộ, lối lên xuống ga tàu, bến xe buýt , dưới hầm cầu…
Bốt điện thoại cách nhau 1 km
Theo quy định mới, thành phố Bắc Kinh đã nới rộng khoảng cách đặt các bốt điện thoại công cộng bên lề đường từ 500 mét trước đây lên tới 1.000 mét. Bên cạnh đó, cầu vượt dành cho người đi bộ, lối lên xuống của các đường hầm dành cho người đi bộ, lối lên xuống ga tàu, bến xe buýt , dưới hầm cầu… cũng bị cấm lắp đặt các bốt điện thoại công cộng.
Giải thích về vấn đề này, ông Trần Long cho rằng với sự phổ biến của điện thoại di động, vai trò của bốt điện thoại đang ngày càng suy yếu, do đó việc giảm mật độ của các bốt điện thoại là điều cần thiết.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định bốt điện thoại cũng là một hạng mục cơ sở hạ tầng, nên không thể khuyết thiếu.
"Ví dụ, trong trường hợp xảy ra thiên tai nghiêm trọng, khi điện thoại di động không thể kết nối được, thì điện thoại công cộng lúc đó sử dụng đường dây cố định và vẫn có thể sử dụng bình thường. 1 km thiết lập 1 bốt điện thoại là một yêu cầu cơ bản của những quy định trên, những nơi có ít người thì cần xem xét tình hình thực tế để lắp đặt, còn những nơi có nhiều người sẽ điều chỉnh số lượng của bốt điện thoại", ông Trần Long cho biết.
Cấm bố trí cơ sở vật chất khi vỉa hè chưa đầy 2 mét
Ông Trần Long cho hay đây là quy định mới so với quy định trước đó của thành phố Bắc Kinh. Theo đó, sau khi bố trí và lắp đặt các cơ sở vật chất trên vỉa hè, cần đảm bảo đường đi bộ phải còn lại ít nhất 2 mét chiều rộng để người dân đi lại thuận tiện.
Nếu chiều rộng của vỉa hè dưới 2 mét thì không cho phép lắp đặt và bố trí bất cứ cơ sở vật chất nào. Cũng theo ông Trần Long, các khu vực trọng điểm khác như khu đô thị vệ tinh, sân bay mới, văn phòng Ban tổ chức Thế vận hội mùa Đông và các địa điểm thi đấu cùng với những tuyến vỉa hè mới cần được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn mới này.
Vỉa hè rộng từ 2 mét trở lên mới được bố trí chỗ để xe cộ.
Bên cạnh đó, các quy định mới cũng yêu cầu không được lắp đặt và bố trí bất cứ cơ sở vật chất nào trên làn lát gạch dành cho người khiếm thị cũng như trong phạm vi 0,25 mét của hai bên làn đường này.
Hiện nay, phần lớn vỉa hè ở Bắc Kinh đều có làn lát gạch màu vàng dành cho người khiếm thị, trong khi chính quyền đang đẩy nhanh công tác lát gạch nổi trên những tuyến phố chưa có để giúp người khiếm thị đi lại thuận tiện.
Ngoài ra, các biển dẫn đường dành cho người đi bộ cũng chỉ được đặt trong khu vực trồng hàng cây xanh ven đường. Theo đó, chỉ cho phép các biển báo này chỉ dẫn phương hướng, khu vực, công trình kiến trúc, địa điểm du lịch, công trình công cộng hoặc cơ quan hành chính nhà nước, không cho phép hiển thị các thông tin như tên công tên công ty, tên thương hiệu hay tên sản phẩm.
Tăng cường công tác vệ sinh môi trường
Những quy định mới trên cũng yêu cầu tăng cường công tác vệ sinh môi trường đô thị. Theo đó, hàng ngày, cần phải tiến hành công tác vệ sinh môi trường ít nhất 1 lần/ngày đối với phạm vi 50 mét xung quanh khu phố văn hóa lịch sử, khu thắng cảnh du lịch, đoạn đường có các trung tâm thương mại hoặc công trình công cộng, nhà ga, đoạn đường gần bến xe khách liên tỉnh, các đầu mối giao thông… tới các ngày nghỉ hoặc có sự kiện lớn, cần phải tiến hành vệ sinh môi trường ít nhất 2 lần/ngày.
Khi cơ sở vật chất bị dán các tờ quảng cáo nhỏ, thông thường trong vòng 24 giờ đồng hồ phải xóa bỏ hoặc bóc dỡ. Tới các ngày nghỉ lễ và sự kiện lớn, phải tiến hành xóa bỏ và bóc dỡ trong vòng 12 giờ đồng hồ. Khi phát hiện cơ sở vật chất bị nghiêng đổ, xiêu vẹo hoặc không chắc chắn, cần phải tiến hành sửa chữa hoặc dỡ bỏ trong vòng 4 giờ đồng hồ.
Bên cạnh đó, quy định mới còn yêu cầu chiều cao của thùng rác không quá 1,1 mét, và đặt tại các bến xe buýt, ga tàu điện ngầm, bên cạnh ghế ngồi.
Cuối cùng, Giám đốc Sở cảnh quan đô thị thủ đô Bắc Kinh Hà Kiện Bình nhận định rằng những điều chỉnh mới trên đã trả lại vỉa hè dành cho người đi bộ, mang lại không gian sống hoàn chỉnh cho người dân thành phố cũng như mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn hơn.
Nguồn tin: Tri Thức Trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn