Theo báo cáo mới nhất do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) vừa công bố, tính đến ngày 20.1, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã giải ngân được 1,05 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 13,59 tỉ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 71,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 13,4 tỉ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,5% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực FDI đạt 7,8 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 58,4% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 5,79 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 5,6 tỉ USD không kể dầu thô.
Bên cạnh đó, cả nước có 166 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 442,59 triệu USD, bằng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017; có 61 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 456,78 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2017.
Việc vốn đầu tư đăng ký cấp mới trong tháng 1.2018 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 do trong tháng 1.2017 có nhiều dự án quy mô vốn từ 100 tới gần 300 triệu USD được cấp phép (chiếm hơn 71% tổng vốn đăng ký cấp mới trong tháng 1.2017) trong khi đó trong tháng 1.2018 không cấp phép mới dự án nào trên 100 triệu USD.
Cũng trong tháng 1, cả nước có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần của FDI với tổng giá trị vốn góp là 356,04 triệu USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ 2017. Trong đó có 212 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 199,15 triệu USD và 203 lượt góp vốn mua cổ phần mà các doanh nghiệp FDI mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 156,89 triệu USD.
Tính chung trong tháng này, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của FDI là 1,2 tỉ USD, bằng 75,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của FDI với tổng số vốn xấp xỉ 909 triệu USD, chiếm 72,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1.2018. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 77,6 triệu USD, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Về đối tác đầu tư, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 355,6 triệu USD, chiếm 28,3% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 199 triệu USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 147,4 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư.
Xét theo địa bàn đầu tư, TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 306,2 triệu USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư. Hải Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 181,3 triệu USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 168,1 triệu USD chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn là dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD, dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD, dự án nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Nam Định…
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong tháng 1.2018, cả nước có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 6,46 triệu USD.
Trong đó có 3 dự án thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 5,17 triệu USD, chiếm 80% tổng vốn đầu tư. Ba dự án còn lại thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ. Các nước nhận đầu tư của Việt Nam trong tháng 1.2018 là Canada, Campuchia, New Zealand, Đức, Belize, Myanmar.
Tác giả bài viết: Hoài Phong
Nguồn tin: Một thế giới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn