Hàng chục căn biệt thự bỏ hoang ở dự án Sơn Trà Resort
Nhanh tay “xí” đất vàng
Đầu thập niên 2000, Đà Nẵng nổi lên là một trong những địa phương đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ du lịch. Nhìn thấy tiềm năng này, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân “xí phần”, chọn lấy những mảnh đất vàng đẹp nhất.
Ngày 25/8/2003, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định số 5294 phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng Tổ hợp khu Du lịch – Dịch vụ cao cấp (Sơn Trà Resort) tại khu vực Bãi Nam – Bãi Con, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Theo đó, Đà Nẵng giao 140.250 m2 đất cho chủ đầu tư là Công ty CP Sơn Trà thực hiện dự án, chia thành 50.593 m2 đất ở xin cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất trả tiền một lần và 89.657 m2 đất hạ tầng thuê trả tiền hằng năm.
Khi hoàn thành, đây sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất Đà Nẵng với một khách sạn 5 sao cao 18 tầng cùng các cụm biệt thự, nhà nghỉ hạng sang.
Những thủ tục để “sang tên” mảnh đất vàng cho chủ đầu tư được thực hiện rốt ráo ngay sau đó.
Ngày 29/12/2003, Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất được ký giữa Công ty Quản lý và khai thác nhà đất với Công ty CP Sơn Trà. Tổng giá trị quyền sử dụng đất của 50.593 m2 đất ở là 43 tỷ đồng, tương đương 850.000 đồng/ m2, chia làm 2 đợt nộp 10% và 90% giá trị hợp đồng. Trước đó, giá thuê đất trả tiền hàng năm cũng đã được xác định là 1.800 đồng/m2.
Sau khi nộp chủ đầu tư nộp 4,3 tỷ đồng vào đầu tháng 12/2004, Đà Nẵng đã chấp nhận giảm 10% số tiền phải nộp còn lại đối với Công ty CP Sơn Trà. Và ngày 5/4/2005, pháp nhân này đã nộp đủ 38,4 tỷ đồng để chính thức sở hữu hơn 5 ha đất vàng đẹp bậc nhất Bán đảo Sơn Trà.
Giữa 2 đợt nộp tiền, ngày 14/3/2005, UBND TP Đà Nẵng có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án trên, bổ sung thêm 208.184 m2 diện tích mặt nước, qua đó tăng tổng quy mô của dự án lên hơn 34 ha.
Diện tích mặt biển tăng thêm cho CTCP Sơn Trà thuê với giá 200 đồng/m2/năm. Quy hoạch của dự án chia chi tiết thành 201 lô đất để xây dựng biệt thự và khách sạn hạng sang.
Như vậy, tổng cộng CTCP Sơn Trà đã bỏ ra 38,86 tỷ đồng để sở hữu vĩnh viễn 50.593 m2 đất ở được cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp này chỉ cần trả thêm khoảng 200 triệu đồng thuê 9 ha đất cây xanh hạ tầng và gần 21 ha mặt nước – một cái giá quá rẻ với tiềm năng phát triển của khu đất trung tâm Bán đảo Sơn Trà.
Khu vực dự án kéo dài 1,3 km bờ biển cạnh Bãi Con, Bãi Nam – một trong những vị trí được đánh giá là đẹp nhất Bán đảo Sơn Trà. Mặc dù được chính quyền TP Đà Nẵng tạo nhiều điều kiện thuận lợi, song dự án mới chỉ hoàn thành được một số hạng mục thô, còn lại “đắp chiếu” từ nhiều năm nay, đặt ra dấu hỏi đối với năng lực chủ đầu tư cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Chủ đầu tư là ai?
Trong Quyết định số 5294 của UBND TP Đà Nẵng ngày 25/8/2003 (nêu trên), chủ đầu tư CTCP Sơn Trà được ủy nhiệm bởi Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương – nay là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.
Tập đoàn Việt Phương là một doanh nghiệp có tiếng ở Việt Nam, được thành lập từ năm 1996 và hoạt động trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, tài chính ngân hàng, khoáng sản, đồ uống, thương mại – du lịch.
Vốn điều lệ hiện nay của Việt Phương là 1.400 tỷ đồng, trong đó ông Phương Hữu Việt và vợ là bà Đỗ Lê Minh sở hữu tới 95% cổ phần.
Tập đoàn Việt Phương được biết đến nhiều với vai trò chi phối ở Ngân hàng TMCP Việt Á, nơi doanh nghiệp này cùng các cá nhân liên quan sở hữu tới 22,04% khối lượng cổ phần, trong đó Tập đoàn Việt Phương là 10,85%; ông Phương Hữu Việt trực tiếp sở hữu 4,52%, vợ chồng bà Phương Thanh Nhung – người được cho là cháu gái của ông Việt – nắm giữ 6,17%.
Trở lại với pháp nhân CTCP Sơn Trà. Doanh nghiệp này đi vào hoạt động năm 2003 với 2 cổ đông sáng lập là bà Phương Minh Huệ - hiện là tổng giám đốc Tập đoàn Việt Phương và bà Phương Thanh Nhung - thành viên HĐQT Ngân hàng Việt Á. Tổng giám đốc CTCP Sơn Trà là ông Phương Hữu Lĩnh - anh trai ông Phương Hữu Việt.
Như vậy, có thể thấy rằng đứng đằng sau chủ đầu tư dự án Sơn Trà Resort là một tập đoàn kinh tế tư nhân với tiềm lực tài chính không hề nhỏ. Tuy nhiên mặc cho chính quyền sở tại nhiều lần thúc ép đẩy nhanh dự án, song 34 ha đất vàng nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất Bán đảo Sơn Trà suốt 14 năm qua vẫn chỉ là một đại công trường ngổn ngang, khiến không ít người dân Đà Nẵng cảm thấy tiếc nuối.
Thái độ thiếu rõ ràng từ CTCP Sơn Trà khiến dư luận đặt câu hỏi về tính nghiêm túc của doanh nghiệp này. Liệu đơn vị thành viên của Tập đoàn Việt Phương đang gặp khó khăn tài chính, không thể tiếp tục dự án, hay đây chỉ là chiêu trò “xí” đất vàng để rồi khi thị trường bất động sản nóng lên sẽ chuyển nhượng kiếm chênh lệch?!
Liên quan tới sự việc 40 móng biệt thự xây không phép trên Bán đảo Sơn Trà, sau khi đình chỉ xây dựng, Thành ủy Đà Nẵng ngày 29/3 đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những dự án ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cảnh quan môi trường. Đối với những dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh, hài hòa với cảnh quan môi trường thì công khai cho dư luận biết để tạo sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện.
Sau vụ việc nêu trên, điều dư luận quan tâm là chính quyền Đà Nẵng sẽ xử lý ra sao đối với những dự án “đắp chiếu” cả chục năm nay như Sơn Trà Resort, khi mà theo quy định của pháp luật, hàng trăm nghìn m2 đất vàng đáng ra đã phải bị thu hồi từ lâu.
Một số hình ảnh được ANTT.VN ghi nhận về dự án "chết" của CTCP Sơn Trà:
Đủ điều kiện thu hồi Điểm I Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”. Có nghĩa rằng đất được Nhà nước giao để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong 12 tháng liên tục thì sẽ bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Chủ đầu tư được phép gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Nếu quá thời hạn này thì Nhà nước thu hồi đất mà không có nghĩa vụ phải bồi thường. |
Nguồn tin: Nhóm Phóng viên ANTT.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn