Vẫn được phong tặng Anh hùng lao động
Theo tìm hiểu của PV, vừa qua, Bộ Công Thương đã nhất trí với đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về nhân sự Chủ tịch Hội đồng thành viên với ứng cử viên sáng giá là ông Nguyễn Hùng Dũng - Phó Tổng Giám đốc của PVN. Cơ quan này đang trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ông Phùng Đình Thực (phải – khi đó là Chủ tịch HĐTV PVN) trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc PVN cho ông Nguyễn Hùng Dũng. Ảnh: N.L.M
Trong buổi họp báo quý II của Bộ Công Thương (ngày 14.7), PV Báo NTNN - Dân Việt đã công khai đặt câu hỏi về việc xử lý như thế nào với các lãnh đạo doanh nghiệp để xảy ra thua lỗ ở 12 dự án ngành công thương, trong đó có trách nhiệm của cá nhân ông Nguyễn Hùng Dũng - Phó Tổng Giám đốc PVN - khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thời còn làm lãnh đạo PTSC, nhưng người chủ trì phiên họp là Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã không trả lời câu hỏi này. |
Được biết, Bộ Công Thương cũng đã làm thủ tục lấy phiếu tín nhiệm cho vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và ông Nguyễn Hùng Dũng có tỷ lệ tín nhiệm khá cao.
Ông Nguyễn Hùng Dũng sinh ngày 19.8.1962, có chuyên môn kỹ sư điều khiển tàu biển. Từ năm 1988- 2013, ông Dũng gắn bó với PTSC, đặc biệt, thời gian 2008 – 2013 là thời điểm ông Dũng làm Tổng Giám đốc của PTSC. Đây cũng là thời gian PTSC được chỉ định thầu triển khai Dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Dung Quất (xem Báo NTNN số ra ngày 7.8). Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc PVN chỉ định thầu với PTSC là không đúng, khi ký hợp đồng EPC cũng làm tăng thêm hơn 3,2 triệu USD là chưa có cơ sở…
Những sai phạm tại Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất theo Thanh tra Chính phủ là nghiêm trọng nên đơn vị này đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ. Tuy nhiên, đến nay ông Dũng không những không phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất mà còn được thăng chức lên Phó Tổng Giám đốc PVN, được PVN lấy phiếu tín nhiệm đề xuất lên Bộ Công Thương và bộ này cũng đã có chủ trương đề xuất ông Dũng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN. Thậm chí, ông Dũng còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2013, cũng là giai đoạn ông Dũng làm lãnh đạo PTSC...
Để làm rõ những thắc mắc của dư luận về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với PVN và cá nhân ông Dũng, đồng thời gửi công văn đề nghị PVN cung cấp thông tin với các nội dung: Thời điểm ông làm Tổng Giám đốc PTSC - Tổng thầu EPC dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất - ông phải chịu trách nhiệm ra sao trong việc triển khai các bước thực hiện dự án này, cụ thể như: Ký hợp đồng EPC khi chưa có thiết kế tổng thể FEED; lựa chọn nhà cung cấp công nghệ không phù hợp...? Chính những điều này đã dẫn tới hệ quả là thời gian chạy thử của dự án kéo dài, nhiều lần phải chỉnh sửa dây chuyền công nghệ; lựa chọn hệ thống xử lý chất thải được đặt mua từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn môi trường; giá trị hợp đồng EPC bị điều chỉnh từ 59,177 triệu USD thành 67 triệu USD, trong đó có hơn 3,2 triệu USD không có cơ sở giải trình…
Tuy nhiên, qua nhiều lần phóng viên trao đổi, đề nghị, cả phía đại diện PVN và cá nhân ông Nguyễn Hùng Dũng đều từ chối gặp, từ chối cung cấp các thông tin liên quan (?!)
Hậu quả nặng nề, cán bộ vẫn lên chức
Khi câu chuyện Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC dù làm thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng, nhưng năm 2011 vẫn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vẫn đang "nóng" thì dư luận lại tiếp tục băn khoăn về danh hiệu Anh hùng lao động của ông Nguyễn Hùng Dũng – Phó Tổng Giám đốc PVN.
Trao đổi với NTNN - Dân Việt, một cán bộ của Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư cho biết: Hồ sơ của ông Nguyễn Hùng Dũng được gửi lên Ban vào cuối năm 2011, tuy nhiên, sau đó tiếp tục được cập nhật thành tích cho tới năm 2012. Toàn bộ hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động của ông Nguyễn Hùng Dũng đều được Bộ trưởng Bộ Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng ký xác nhận. Theo quy định, trong bộ hồ sơ có cả bản tự khai thành tích cá nhân của ông Nguyễn Hùng Dũng.
Vị cán bộ này cũng cho biết thêm, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu cho ông Dũng từ phía Bộ Công Thương, Ban đã xem xét hồ sơ theo đúng thẩm quyền và thấy không có gì bất thường. Đến năm 2013, ông Nguyễn Hùng Dũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Dư luận đặt câu hỏi: Căn cứ nào để ông Nguyễn Hùng Dũng - sau khi lãnh đạo PTSC - nhà thầu chính tại Dự án Ethanol Dung Quất - dự án để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng như Thanh tra Chính phủ kết luận, vẫn tiếp tục được thăng chức lên Phó Tổng Giám đốc PVN, thậm chí được phong tặng danh hiệu cao quý của Nhà nước và khả năng sẽ tiếp tục lên chức cao hơn?
Trong khi đó, dự án Ethanol Dung Quất vẫn đang gây ra những hậu quả nặng nề. Cụ thể, ngày 5.7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án ngành công thương đã chủ trì phiên họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị về các dự án thua lỗ thuộc ngành công thương. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, “căn bệnh” của 12 dự án, nhà máy (trong đó có Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất) là khi lập dự án, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh, nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ, vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC.
“Sẽ xử lý nghiêm minh các vi phạm quản lý kinh tế của các cá nhân, tập thể gây thua lỗ tại các dự án, nhà máy trên” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Riêng về Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý PVN đã hứa sẽ tái khởi động Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện. Phó Thủ tướng cho biết, Nhà máy Ethanol Dung Quất tới nay không thể tái hoạt động vì không bảo đảm yếu tố kinh tế và kỹ thuật.
Với số vốn đầu tư lên tới hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng quá trình triển khai Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất, chủ đầu tư, nhà thầu đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC... Hiện dư nợ vay đầu tư của chủ đầu tư Dự án Ethanol Dung Quất tại ba Ngân hàng PVCombank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp này ít nhất phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng, nhưng không có khả năng thanh toán.
Tác giả bài viết: Nhóm P.V
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn