Chứng khoán đỏ lửa, vàng tăng
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, sắc đỏ bao trùm thị trường châu Á và châu Âu sau khi đã đỏ lửa trên thị trường chứng khoán (TTCK) châu Mỹ trước đó.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm hơn 91 điểm (-0,5%), nâng mức giảm tổng cộng từ trong một tháng qua lên 6,5%. Chỉ số Topix tầm rộng đo lường giá 500 cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) giảm 0,6% và giảm tổng cộng 7,3% trong 4 tuần qua.
Đây đều là mức điểm thấp của các chỉ số chứng khoán Nhật Bản kể từ tháng 11 và là chuỗi giảm điểm theo tuần dài nhất trong 15 tháng.
Thị trường tài chính thế giới lo ngại chiến tranh hạt nhân xảy ra. |
Chỉ số Hang Seng của Thượng Hải giảm 52 điểm, trong khi đó CSI 300 Index giảm hơn 0,8%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,64%; Taiex của Đài Loan giảm hơn 1%...
Trên TTCK châu Âu, chỉ số chứng khoán của các nước và khu vực cũng giảm ở mức tương tự, khoảng -0,5%.
Trước đó, TTCK Mỹ đóng cửa giảm điểm 5 phiên liên tiếp. Riêng trong phiên 13/4, chỉ số S&P 500 mất 0,7%. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,53%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 0,7%.
Trong khi đó, giá vàng tăng vọt lên đỉnh cao 5 tháng mới và tiếp cận ngưỡng 1.300 USD/ounce. Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu 2016.
Thị trường tài chính thế giới chao đảo, chứng khoán đồng loạt giảm mạnh phiên thứ 3-5 liên tiếp trong khi vàng không ngừng tăng giá, liên tục lập đỉnh cao mới trong 3 phiên gần đây. Diễn biến này chủ yếu là do giới đầu tư tháo chạy khỏi các loại tài sản rủi ro và tìm đến các kênh đầu tư an toàn như vàng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị lên tới cao điểm cùng lúc ở nhiều nơi trên thế giới.
Chỉ trước đó 1 ngày, giới đầu tư rùng mình khi Mỹ bất ngờ thả "mẹ của các loại bom" xuống Afghanistan để tiêu diệt lực lượng khủng bố IS. Động thái này khiến không ít người nghĩ về một kịch bản xấu tại bán đảo Triều Tiên.
Còn trước đó một tuần, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã bất ngờ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Syria sau khi cáo cuộc chính phủ Syria tấn công bằng vũ khí hóa học khiến nhiều thường dân thiệt mạng. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ hành động đơn phương trong vấn đề Triều Tiên.
Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên lên cao. |
Nguy cơ hiện hữu, dòng tiền chuyển dịch nhanh
TTCK tài chính Việt Nam trong phiên cuối tuần cũng biến động rất mạnh. Chỉ số VN-Index mở cửa buổi sáng 14/4 chứng kiến tình trạng bán tháo trên diện rộng. TTCK rối loạn với mức giảm lớn sau khi đón nhận thông tin Mỹ thả “Mẹ của các loại bom” xuống Afghanishtan. Tới cuối phiên, thị trường ổn định lại những chung cuộc vẫn giảm hơn 6 điểm.
Giá vàng trong nước trong khi đó lần đầu tiên sau nhiều tháng lên sát ngưỡng 37 triệu đồng/lượng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, một NĐT trên sàn chứng khoán SSI, cho rằng, căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng tới tâm lý của các NĐT. Căng thẳng leo thang tại Trung Đông và Đông Bắc Á khiến chứng khoán toàn cầu sụt giảm và Việt Nam không là ngoại lệ. Việc Mỹ ném bom phi hạt nhân lớn nhất trừ trước đến nay xuống Afganishtan khiến nhiều người lo ngại. Và đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tuần quân đội Mỹ thả bom vào quốc gia khác.
Rất nhiều NĐT có tâm lý giống vậy. Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, những sự việc như vậy, những ảnh hưởng chính trị hay địa chính trị tới TTCK thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã xảy ra nhiều lần. Nhưng sau mỗi lần như vậy thị trường hồi phục mạnh mẽ.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP chứng khoán Trí Việt (TVB) nhận định, TTCK giảm trong phiên cuối tuần chủ yếu là do thị trường điều chỉnh, tăng nhiều rồi giờ giảm. Những biến động địa chính trị trên thế giới thực tế là có ảnh hưởng tới tâm lý của các NĐT nhưng nhìn chung đó là cái cớ để thị trường điều chỉnh sau một thời gian dài tăng điểm.
Điều gì sẽ xảy ra tại bán đảo Triều Tiên. |
TTCK Việt Nam đã có 3 phiên giảm điểm khá mạnh. Áp lực bán khá lớn một phần do margin. VN-Index đã xuống dưới ngưỡng 720 điểm và sẽ thử 2 ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 710 điểm và 700 điểm trong tuần tới.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trí, về dài hạn, nếu không có những bất ngờ quá lớn, thị trường sẽ tăng trở lại. Triển vọng TTCK vẫn khá tươi sáng.
“Thực tế cho thấy, các biến động địa chính trị luôn gắn với kinh tế. TTCK cũng chịu tác động từ các yếu tố như vậy. Tuy nhiên, tác động lớn nhất là tâm lý. Người ta lo ngại chiến tranh hay lo ngại về động thái chuẩn bị của các bên sau khi Mỹ tung ra 2 “lời nhắn nhủ”: bắn tên lửa vào Syria và thả bom Afganishtan. Nhưng những biến động trên chỉ là ngắn hạn”, ông Lê Quang Trí đánh giá.
Bên cạnh đó, theo ông Trí, TTCK Việt Nam có mặt bằng giá, bình quân giá khá thấp. Do vậy, nhìn chung 2017 vẫn là một năm tươi sáng với thị trường này. Điều chỉnh chỉ là điều bình thường và là ngắn hạn.
Theo nhiều chuyên gia, TTCK trong thời gian tới còn được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý 1, mà nhiều khả năng là khả quan hơn so với năm trước.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn