Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh như trên tại hội nghị “Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp” do Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.
Không làm nông dân mất việc làm
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói, nông nghiệp, nông thôn và nông dân là khu vực được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Phát triển nông nghiệp trong nhiều thời kỳ có ý nghĩa nền tảng đảm bảo ổn định phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nông dân, đảm bảo đất nước phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tích tụ ruộng đất không làm nghèo hóa người nông dân. |
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, sang thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước lấy thị trường làm nguyên tắc phát triển thì mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng những mảnh đất nhỏ lẻ, manh mún khó phù hợp với nền nông nghiệp yêu cầu quy mô lớn, chất lượng hàng hóa cao.
“Phải tích tụ tập trung ruộng đất để có mảnh đất lớn đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, chuyên canh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn, nâng cao năng lực, chất lượng, sức cạnh tranh của nền nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung… đây là yêu cầu cấp bách” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phân tích nhu cầu tích tụ, tập trung đất đai phục vụ nông nghiệp với quy mô lớn, phân tích kỹ lưỡng yếu tố có cần tất cả tích tụ, hay khu vực nào cần tích tụ, khu vực nào cần phân tán.
Ngoài ra, cần đánh giá thực trạng tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp hiện nay, làm rõ nguyên nhân khó khăn vướng mắc, bài học kinh nghiệm trong quá trình thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: "Đặt lợi ích nông dân lên trên hết" |
“Phân tích kỹ việc tác động của việc tập trung, tích tụ đất đai đến xã hội, nông nghiệp, môi trường trong đó phân tích thật kỹ việc bỏ hạn mức tích tụ đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân. Ở đây phải làm sao đảm bảo lợi ích Nhà nước, các chủ thể tham gia phát triển, đặc biệt lợi ích của người dân. Tích tụ ruộng đất không làm nghèo hóa người dân, không làm dân mất việc làm, đời sống khó khăn hơn”, ông Dũng nói.
Theo Phó thủ tướng, để phát triển, phải giải quyết được mâu thuẫn giữa tập trung ruộng đất, giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp với việc ổn định, nâng cao đời sống của người nông dân.
Để có thể tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu từng bước hoàn thiện pháp luật, thể chế liên quan đến tích tụ đất đai.
Đặt lợi ích người nông dân lên đầu
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, hơn 30 năm trước đây, bắt đầu từ chủ trương khoán 10 do nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc khởi xướng, chính sách giao đất ổn định lâu dài góp phần giải phóng sức lao động, tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn.
Trước yêu cầu đổi mới và hội nhập sâu rộng, chính sách, pháp luật đất đai về cơ bản đã được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
Chính sách, pháp luật khuyến khích, hỗ trợ đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai, bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Ông cũng dẫn chứng các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh đã thành công với các cánh đồng mẫu lớn ở An Giang; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kinh tế hộ cũng phát triển mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, An Giang, Hà Nội...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra tình trạng còn chậm tích tụ đất đai; đất đai manh mún đang là yếu tố làm chậm tiến trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, giảm hiệu quả sử dung đất, năng suất lao động…
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Hà là do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn diễn ra chậm; chính sách, pháp luật đất đai chưa thúc đẩy tích tụ như đối với hộ gia đình, cá nhân, quy định hạn mức nhận chuyển quyền đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân…
“Nước ta không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu suất lao động trong nông nghiệp nếu vẫn duy trì nền nông nghiệp manh mún, phân tán, tự phát; chưa gắn được với chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp với thị trường để nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh của nền nông nghiệp thì càng không có điều kiện trong thế giới hội nhập ngày nay”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng TN&MT cũng nhấn mạnh, tích tụ, tập trung đất đai phải đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu.
Tác giả bài viết: Thái Bình
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn