Ngân hàng tự xử nợ xấu
Thống kê sơ bộ, sau khi Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực, trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, các ngân hàng đã ra hàng trăm thông báo về việc thu giữ tài sản bảo đảm như: ngân hàng BIDV, MaritimeBank, Vietcombank, Agribank…
Theo báo cáo mới đây của VAMC, hiện có sáu ngân hàng được thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là: Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank. Việc mua bán nợ được thực hiện theo cơ chế và giá thị trường kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực nên đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho cả VAMC và các ngân hàng trong việc xử lý những khoản nợ xấu, nhất là những nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đang lên danh sách và thông báo cho bên vay trước khi thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định. Đây là một bước trong quy trình thu hồi tài sản đảm bảo theo quy định mới.
Theo các ngân hàng, dự kiến trong thời gian tới, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi những khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án.
“Dù Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản nhưng trên thực tế, do những bất cập trước đây nên có nhiều trường hợp một món tài sản lại được mang thế chấp nhiều ngân hàng. Do đó, việc giải chấp hiện nay vô cùng khó khăn”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay.
Liên quan đến việc thu giữ tài sản của các ngân hàng, luật sư – Ts. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định chi tiết thực hiện Nghị định 42 nên chắc chắn thời gian tới sẽ có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quyền thu giữ tài sản của ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Tín cũng lưu ý, muốn đạt hiệu quả tốt nhất, cần phải có một Thông tư liên tịch giữa NHNN, Tòa án, Bộ Công an, Viện Kiểm sát và một số bộ, ngành khác quy định chi tiết, cụ thể về sự phối hợp giữa các bên liên quan để có thể giải quyết triệt để các vấn đề theo tinh thần của Nghị quyết 42…
Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng bán theo giá thị trường, tức là có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc để giúp ngân hàng đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ xấu.
Khó bán bằng dư nợ gốc
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết, các ngân hàng mới chỉ thu giữ tài sản là chủ yếu, còn việc bán đấu giá vẫn chưa thể thực hiện rốt ráo do còn vướng nhiều thủ tục phức tạp, định giá tài sản làm sao để cả ngân hàng và người đi vay không bị thiệt.
Hiện tại có một số ngân hàng sau khi siết nợ tài sản đảm bảo đã đưa giá bán đấu giá. Tuy nhiên, hầu hết món nợ này khi chào bán đều thấp hơn giá trị (tính cả vốn và lãi suất cộng lại đến thời điểm bán), nhiều ngân hàng buộc phải chấp nhận giảm một phần lãi phạt, thậm chí giảm gần như toàn bộ lãi phạt cho khách hàng để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và thu hồi nợ.
Ngày 16/10, ngân hàng BIDV thông báo bán toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của công ty Cổ phần Đầu tư Y tế Việt Nam, công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (công ty 584) tại BIDV – Chi nhánh Sở Giao dịch 2 đến thời điểm bán (tạm tính đến ngày 31/7/2017 là gần 1.091 tỷ đồng). Đây là những công ty có nợ quá hạn nhiều năm ở ngân hàng này.
Theo đó, BIDV sẽ thế chấp kèm theo khoản nợ gồm dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Giá khởi điểm là 810,3 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Theo quy định, sau khi thu hồi, tài sản đó sẽ được đưa ra định giá và tiếp theo là bán đấu giá. Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng bán theo giá thị trường, tức là có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc để giúp ngân hàng đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ xấu.
Tuy nhiên, đại diện một ngân hàng cho biết, việc thu hồi tài sản bảo đảm là giải pháp cuối cùng bởi vì khi có sự hợp tác của khách hàng, ngân hàng sẽ vừa thu hồi được nợ vừa giúp khách hàng có thể bán được tài sản với giá trị tốt nhất để trả nợ. Còn khi một tài sản bị phát mãi, mang ra đấu giá, chắc chắn sẽ khó được giá tốt.
Liên quan đến việc mua nợ xấu, VAMC cho biết, quý IV/2017, VAMC sẽ tiến hành mua nợ bằng tiền, dưới hình thức trả chậm. Hiện tại, VAMC đang rà soát danh sách các khoản nợ xấu của những tổ chức tín dụng đã gửi cho công ty và khả năng từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua thêm 35.000 – 40.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng.
Trước đó, VAMC tiến hành mua nợ xấu ở các ngân hàng thương mại, nhưng chủ yếu trả bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Theo TBKD
Nguồn tin: antt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn