cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm, đưa vụ án “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma” ra xét xử
Trước đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị về việc hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, điều tra xét xử lại vụ án này và các bị cáo có kháng án xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm tại tòa sáng nay, 19/10. Ảnh: Tùng Tin. |
Nguyễn Mạnh Hùng trả lời khá loanh quanh về nguyên nhân nâng khống giá thuốc và mục đích của số tiền 7,5 tỷ đồng gửi tại ngân hàng. Hùng khẳng định việc nâng khống giá để dành khoản lợi nhằm phục vụ sinh hoạt của công ty.
Chủ toạ: Chứ không phải để chi hoa hồng cho bệnh viện?
Bị cáo Hùng: Không. Số tiền bị nâng khống lên hơn 100 tỷ đồng. Số tiền đó phục vụ công tác bán hàng, khi bị cáo bị bắt thì tiền đó để trừ nợ vào sổ vay của ngân hàng.
Chủ toạ tiếp tục làm rõ mục đích sử dụng số tiền 7,5 tỷ đồng. Trong lời khai tại cơ quan điều tra, các bị cáo khác thừa nhận đây là số tiền dùng để chi hoa hồng cho bác sĩ. Nguyễn Mạnh Hùng nói sau khi bị tạm giam thì bị cáo không biết chi cho cái gì. “Không có việc chi hoa hồng cho bác sĩ”, bị cáo Hùng tái khẳng định.
Trong phần trả lời thẩm vấn tiếp theo, Nguyễn Minh Hùng phủ nhận không có con dấu giả cũng không hề biết đến sự tồn tại của con dấu đó. Bị cáo cũng khẳng định không quen biết Nguyễn Quang Huy. Tuy nhiên, chủ toạ nêu mâu thuẫn trong lời khai của Hùng. Hồ sơ cho thấy Hùng đã đưa cho Huy 10.000 USD. Hùng trả lời số tiền đó chuyển cho Huy để mua quà cho hai người khác ở Hong Kong.
Cuối phiên xử sáng diễn ra phần xét hỏi giữa VKSND cấp cao với các bị cáo và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đại diện VKS chủ yếu tập trung làm rõ nguồn gốc của con dấu được đóng trên hồ sơ nhập khẩu lô thuốc. Đồng thời, các bị cáo và nhân chứng cũng cung cấp thêm thông tin về việc viết hồ sơ kỹ thuật, nâng giá thuốc và thay đổi hồ sơ xuất nhập cảnh.
Phần xét hỏi giữa đại diện VKSND cấp cao với bị cáo Phạm Văn Thông diễn ra khá căng thẳng. HĐXX liên tục nhắc nhở bị cáo trả lời thẳng vào vấn đề, những vấn đề cần tranh luận sẽ diễn ra ở phần sau.
Bị cáo Thông cho rằng công thức H-Capita từ nước ngoài đưa về đã có sẵn. Trước đó, bị cáo đã nghiên cứu về loại thuốc này một năm. Do đó, khi viết hồ sơ kỹ thuật cho H-Capita, bị cáo thấy có nhiều điểm không đúng. “Tôi có yêu cầu xem lại chứ không yêu cầu sửa”, bị cáo Thông nói
Phạm Văn Thông cho biết dược sĩ Thiện là người thuê rồi giới thiệu Thông với Nguyễn Minh Hùng. Thông thường xuyên làm việc này, không chỉ cho thuốc H-Capita mà còn nhiều loại thuốc khác.
Tuy nhiên, Phạm Văn Thông cho biết không biết công việc của các dược sĩ khác. Với riêng H-Capita, Thông thoả thuận giá cả trước. Sau đó, Nguyễn Minh Hùng gọi điện đồng ý thì Thông mới viết. Phạm Văn Thông phủ nhận việc gợi ý cho bị cáo Hùng để viết hồ sơ thuốc.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Bùi Ngọc Duy khẳng định mình không tham gia làm hồ sơ giả cho H-Capita. Duy cũng phủ nhận việc thuê dược sĩ Thông. Theo Duy, chính các lãnh đạo như dược sĩ Phan Trung Thiện mới là người đứng ra thuê.
Bùi Ngọc Duy khẳng định bản án sơ thẩm xác định Duy là người thuê Thông làm hồ sơ là không đúng. Theo Duy, từ tháng 6-7/2014, bị cáo không làm hồ sơ về thuốc nữa. Trước đó khá lâu, khi làm nhân viên phòng quản lý phát triển, bị cáo được Nguyễn Minh Hùng thuê viết hồ sơ thuốc của Helix. Mục đích của việc này là xây dựng hồ sơ thuốc theo tiêu chuẩn để phù hợp với quy định nhập khẩu thuốc của Việt Nam.
Tiếp sau đó, HĐXX thẩm vấn những người có quyền và nghĩa vụ liên quan gồm ba nhân viên của VN Pharma.
Bị cáo Phan Cẩm Loan luôn ôm mặt trong suốt phiên toà. Tuy nhiên, khi trả lời xét hỏi của HĐXX, Loan tỏ ra khá cứng rắn. Loan khẳng định: “Tôi chỉ là người làm công ăn lương, tôi không hề biết thuốc nào là giả. Tôi tin vào Cục Quản lý Dược nên khi được cấp phép thì tôi rất tin tưởng”.
Bị cáo thừa nhận mình chỉ chịu trách nhiệm đóng dấu chứ không làm giả; đồng thời, cũng không biết việc nâng giá thuốc. Theo bị cáo, thoả thuận mua bán thuốc giữa Cường và Hùng. “Tôi tin tưởng hợp đồng mua bán với Austin có giấy chứng nhận của Bộ Y tế nên nghĩ là thật”.
Trả lời câu hỏi của chủ toạ về người chỉ đạo hợp thức hoá chứng từ, làm hồ sơ nhập lâu, Phương cho rằng mình không làm bất cứ chứng từ, hồ sơ gì. “Phòng kế toán theo dõi nguồn tiền nên bị cáo biết hai tài khoản đó. Nhưng việc khác do phòng nhập khẩu chịu trách nhiệm”, Phương nói.
Trong phần xét hỏi, Lê Thị Vũ Phương chỉ thừa nhận sai sót về nghiệp vụ kế toán chứ không liên quan đến việc buôn lậu. Phương cũng phủ nhận việc hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ.
Trước phiên xử, bị cáo Quốc có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo khẳng định do bị cáo chỉ làm công ăn lương, thực hiện việc theo uỷ quyền của Tổng giám đốc và không hay biết việc Nguyễn Minh Hùng nhập thuốc giả cho đến khi bị điều tra. Bị cáo Quốc cũng không rõ số tiền 7,5 tỷ đồng chi hoa hồng cho ai.
Thẩm vấn bị cáo Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty dược Sapharcobi), chủ toạ hỏi: Có phải bị cáo Hùng giao con dấu cho bị cáo để đóng vào giấy tờ không? Bị cáo Kiệt cho rằng mình đóng theo yêu cầu của công ty Austin (HongKong).
Tuy nhiên, chủ toạ chỉ ra lời lý giải của Kiệt không thể chấp nhận được. Theo chủ toạ, vì bị cáo không là nhân viên của Austin lẫn VN Pharma. Kiệt cũng khẳng định không hề biết con dấu đóng lên hồ sơ không được sử dụng tại Việt Nam. “Thấy công ty có giấy phép nhờ giúp thì mình giúp thôi”, bị cáo Kiệt trả lời.
Trước phần trả lời thẩm vấn, Nguyễn Minh Hùng cho rằng hình phạt cho mình quá khắt khe và xin giảm tội. Hùng khẳng định H-Capita là thuốc tốt, bị cáo buôn bán ngay thẳng. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng cũng khai có thoả thuận với Võ Mạnh Cường về xuất xứ thuốc từ Canada và đạt tiêu chuẩn nên việc mua bán mới xảy ra.
Chủ toạ: Vậy tại sao chỉ đạo nhân viên phải viết hồ sơ giả?
Bị cáo Hùng: Công ty chỉnh sửa hồ sơ kỹ thuật của mọi loại thuốc. Việc chỉnh sửa nhằm đạt yêu cầu mà công ty mong muốn, làm tiêu chuẩn cho các lần nhập khẩu thuốc khác.
Trao đổi bên lề với Zing.vn, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc xét xử tội buôn lậu đối với những bị cáo là chưa thật sự chuẩn xác về mặt định tội danh. Bởi lẽ, buôn lậu thì hàng hóa (đối tượng mua bán) vẫn là thật nhưng không khai báo hoặc khai báo không đúng khi xuất, nhập khẩu qua biên giới. Còn hàng giả phải hiểu ngay từ ban đầu khi xuất, nhập khẩu người phạm tội đã biết đó là hàng giả. Có nghĩa là hàng đó giả về chất lượng hoặc công dụng; hoặc giả về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, phải hiểu khách thể tác động của tội buôn lậu là xâm phạm đến công tác quản lý kinh tế xuất nhập khẩu của quốc gia nói chung; còn tội buôn bán hàng giả ngoài sự xâm phạm đến quản lý kinh tế nhà nước thì nó còn tác động đến người tiêu dùng, đến nhà sản xuất hàng thật.
Theo như diễn biến vụ án nhận thấy có các dấu hiệu giả về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Cho nên có thể nhận thấy việc xét xử tội buôn lậu là khiên cưỡng; cần phải truy tố, xét xử các bị cáo về tội buôn bán hàng giả mới đúng bản chất vụ án, phù hợp với hành vi, diễn biến.
9h45, chủ toạ phiên toà bắt đầu xét hỏi bị cáo Võ Mạnh Cường.
Tại toà, bị cáo tiếp tục khẳng định mình vô tội. Võ Mạnh Cường cho rằng mình không biết rõ về Raymondo, cũng như không hiểu biết về ngành dược nên đã tin tưởng và làm các tài liệu nhập khẩu thuốc. Các giấy tờ chứng nhận thuộc do Raymondo chuyển qua bằng email và chuyển phát nhanh.
Bị cáo tin nguồn gốc thuốc là từ Canada, do Helix sản xuất. Tuy nhiên, chủ toạ dẫn bản khai tại cơ quan điều tra cho thấy Cường nói không biết nguồn gốc của thuốc.
Chủ toạ: Tại sao bị cáo chỉ đạo vợ và nhân viên đóng dấu giả vào giấy tờ nhập khẩu thuốc?
Cường: Bị cáo là người kinh doanh, phục vụ khách hàng và không hề gian dối.
Chủ toạ: Bị cáo giải thích như thế nào về việc con dấu giả của Helix được tìm thấy tại công ty của mình?
Cường: Bị cáo không hề nghĩ là con dấu giả vì Raymondo trực tiếp giao cho.
Chủ toạ hỏi: Tóm lại theo bị cáo, mọi việc là do Raymondo cả?
Cường: Vâng.
Luật sư của bị cáo Võ Mạnh Cường xin cung cấp một số chứng cứ mới. Tuy nhiên, chủ toạ phiên toà cho rằng việc này sẽ diễn ra trong phần tranh tụng và đề nghị luật sư cung cấp chứng cứ cho thư ký phiên tòa. Bị cáo Võ Mạnh Cường từ chối một luật sư bào chữa do toà chỉ định và chỉ đồng ý một luật sư.
8h25, Hội đồng xét xử bắt đầu làm việc. Thẩm phán Phạm Văn Mười, chủ toạ phiên toà, thông báo phiên toà dự kiến diễn ra trong hai ngày. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến phiên toà, thời gian xét xử có thể kéo dài hơn dự kiến. Theo thẩm phán Mười, một số nhân chứng xin phép vắng mặt, một số khác vắng không có lý do; mặc dù vậy, sự vắng mặt của những người và nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng đến phiên xử nên chủ toạ quyết định tiếp tục phiên toà.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng và một số bị cáo khác tỏ ra khá bình tĩnh trước phiên xử. Riêng bị cáo Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần VN Pharma) lấy hai tay ôm mặt suốt từ lúc bước vào phòng xử án. Phan Cẩm Loan bị toà sơ thẩm tuyên an 3 năm 6 tháng tù cho tội buôn lậu.
Theo cáo trạng, từ năm 2013, Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) mua thuốc H-Capita (thuốc chữa bệnh ung thư) từ một người nước ngoài tên Raymundo với giá 18 USD/hộp rồi bán lại cho Công ty cổ phần VN Pharma với giá 27 USD/hộp.
Do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược nên Hùng thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc H-Capita rồi chỉ đạo nhân viên cấp dưới hợp thức hồ sơ nhập khẩu, chứng từ thanh toán tiền nhập khẩu trái phép 9.300 hộp thuốc H-Capita.
Sau khi tiến hành thanh tra VN Pharma, Cục Quản lý Dược phát hiện thuốc chứa 97% hoạt chất Capecitabine, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Ngoài ra, từ năm 2012 đến năm 2014, bị cáo Hùng còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hong Kong để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Nhóm Phóng viên
Nguồn tin: news.zing.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn