24 triệu đồng mua được 1 con bò cho người nông dân
Trạm thu phí cầu Rác xây dựng để hoàn vốn cho công trình đường giao thông và cầu Rác, do Cục đường bộ quản lý. Tuy nhiên, công trình này đã được hoàn phí, lẽ ra phải dẹp bỏ nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà lại dùng để thu phí đường tránh TP Hà Tĩnh (đường BOT) khiến người dân vô cùng bức xúc.
Đỉnh điểm nhất, ngày 16/4, khi 50 chiếc xe ô tô tập trung hai đầu cầu Rác để phản đối việc nhà đầu tư sử dụng cầu Rác để thu phí dịch vụ BOT (đường tránh TP.Hà Tĩnh). Trên xe gắn nhiều băng rôn, khẩu hiệu có nội dung: “Chúng tôi không đi đường BOT tại sao bắt chúng tôi trả tiền”.
“Tôi làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng, nhà ở Cẩm Trung, bố mẹ già yếu nên sáng đi làm, tối lại về nhà. Tính ra, mất gần 24 triệu đồng/năm phí BOT qua trạm này. Số tiền đó, nếu cho người nông dân họ có thể mua một con bò để phục vụ tăng gia sản xuất, đem lại nguồn kinh tế lớn cho cả nhà” – chị Thái Kim Anh cho biết.
Khoảng 50 chiếc xe ô tô tập trung tại hai đầu cầu Rác vào sáng 16/4 |
Anh Nguyễn Thế Kha (người Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Vợ tôi thường đùa, xe ô tô toàn gửi nhà con em “phố Voi”. Nghĩa là nhà tôi cách trạm thu phí cầu Rác khoảng 8km, sáng tôi đi xe máy qua cầu, đến Voi thì vào nhà người chị gái lấy ô tô để đi Kỳ Anh làm việc. Cách làm này, nhiều người nói tôi tiếc tiền, thực ra tôi không muốn đóng tiền “chùa” cho BOT. Nếu tính toán 24 triệu đồng/năm, tôi dư sức đóng tiền học phí 2 năm đại học cho con gái”.
Đó là chưa nói đến sự vô lý khi người dân không đi m2 đường BOT mà phải đóng phí. Chỉ 16km đường tránh thành phố mà bắt dân đóng phí cho cả cung đường dài hàng trăm km – một người dân bức xúc.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng vạ lây, “Tuyến xe buýt tuyến số 01 Hà Tĩnh – Kỳ Anh của Công ty chúng tôi không đi qua tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh, không sử dụng dịch vụ BOT của Trạm thu phí Cầu Rác, nhưng vẫn phải đóng phí. Tính ra mỗi quý tiêu tốn hơn 100 triệu đồng phí qua trạm này” – ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh nói.
Theo anh Ngô Sỹ Cương (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: “Người dân hai đầu cầu Bến Thủy không đi đường BOT đã được miễn phí 100% khi qua cầu. Chúng tôi người dân sống lân cận cầu Rác, không đi m2 đường BOT tại sao đến giờ vẫn phải đóng phí. Yêu cầu nhà đầu tư phải miễn phí hoàn toàn”.
Chúng tôi phải hành động vì dân
Ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Trạm thu phí cầu Rác đã gây bức xúc cho người dân huyện thời gian qua. Đến lúc dân tập trung hai đầu cầu để phản đối về phí, thì chính quyền không thể ngồi yên. Chúng tôi phải hành động vì dân".
“Trong cuộc họp giao ban ủy ban sáng 17/4 huyện thống nhất, công an, phòng kinh tế hạ tầng phối hợp các xã, tổng hợp các ý kiến người dân, rồi hướng dẫn họ cử đại diện liên hệ Công ty Sông Đa để tổ chức buổi làm việc mang tính đối thoại, hai bên cùng nghe, cùng giải quyết. Dự kiến, 2 ngày tới sẽ có cuộc làm việc giữa chính quyền, nhà đầu tư, đại diện nhân dân” – ông Nhật thông tin.
“Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, cần phải đi về “bản chất” của vấn đề, sao cho nó trúng, đúng sự thật”– ông Nhật bày tỏ ý kiến khi nói về phí BOT tại cầu Rác.
Còn ông Phan Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh nói rõ quan điểm: “Rõ ràng, cầu Rác là “phiên bản” 2 của Bến Thủy. Dân không đi đường BOT thì không đóng phí, “ăn bánh thì mới trả tiền” chả nhẽ đem tiền đi cho không?”
Rồi ông cũng đưa ra ý kiến, “Về bản chất của cầu Bến Thủy là nhiều phương tiện không đi BOT, nhưng ở đường tránh thành phố lại khác, có đi mà đi ít nên nhà đầu tư Sông Đà phải xem xét kỹ để đáp ứng quyền lợi cho người dân. Nhà đầu tư nên cân nhắc khoảng cách vị trí nào thì phải đóng phí BOT cho hợp lý”.
Đề nghị chuyển vị trí thu phí cầu Rác
Trong báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/3 về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, địa phương đã đề nghị di dời Trạm thu phí cầu Rác về vị trí phù hợp với việc thu phí các dự án BOT đã triển khai (về vị trí đầu đường QL1 đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh).
“Đề nghị các Bộ ngành có giải pháp giải quyết một cách lâu dài về đề nghị của các chủ phương tiện không đi trên tuyến tránh mà vẫn phải nộp phí khi đi qua cầu Rác một cách thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của nhân dân và của Nhà đầu tư; theo đó đề nghị khẩn trương làm các thủ tục đề miễn, giảm giá vé cho người dân” - báo cáo nêu.
Yêu cầu dịch chuyển trạm thu phí cầu Rác về vị trí phù hợp |
Trong cuộc họp này, nhà đầu tư Sông Đà có tham dự và có đề xuất “Giảm giá vé cho tất cả các phương tiện ô tô khi đi qua trạm thu phí. Phía Sông Đà, nhiều lần làm tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị được giảm giá vé 50% cho các phương tiện ô tô tham gia khi qua trạm Cầu Rác, nhưng chưa có sự phản hồi từ” – ông Trịnh Xuân Phúc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên hạ tầng Sông Đà cho biết.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với PV Báo Infonet, ông Phúc biện hộ cho việc khó khăn trong dịch chuyển trạm thu phí rằng: “Sở dĩ không đặt trạm thu phí ngay trên tuyến đường BOT vì vướng ở cự ly, tối thiểu là 70km đối với trạm thu phí Bến Thủy theo quy định?”.
Ông Phúc cũng cho biết, “Sau sự việc dân tập trung hai đầu cầu Rác, công ty đã gửi văn bản lên Bộ GTVT. Với tinh thần hỗ trợ nhân dân càng sớm càng tốt”.
Tác giả bài viết: Trương Hoa - Đặng Sơn
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn