Cấm người dân bí mật ghi âm, ghi hình: Có vi hiến?

Thứ hai - 17/04/2017 23:29
(PL News) - Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị mà Bộ Công an đang soạn thảo, trong đó có quy định hạn chế đối tượng sử dụng phần mềm đang nhận được ý kiến trái chiều của dư luận. Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM (Ảnh: NVCC)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM (Ảnh: NVCC)

 

Theo luật sư, việc cấm người dân bí mật ghi âm, ghi hình là vi hiến và mâu thuẫn với nhiều luật chuyên ngành.

Tại dự thảo quy định điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị mà Bộ Công an đang soạn thảo đã hạn chế đối tượng sử dụng. Dưới góc nhìn của một luật sư, ông nhìn nhận thế nào về quy định này?

Trong việc lấy ý kiến vừa qua, dư luận không đồng tình bởi vì quy định này không đúng với tinh thần của Hiến pháp. Tức là khi hạn chế điều kiện kinh doanh thì phải hạn chế theo luật định, đặc biệt là hạn chế quyền công dân, quyền con người thì phải nâng lên thành luật. Những hạn chế này so với Luật doanh nghiệp thì chưa đến lúc phải ban hành những quy định như vậy.

Theo ông nói, dự thảo Nghị định này vi hiến, mâu thuẫn với các quy định khác?

Chúng tôi cho rằng, văn bản này vi hiến. Nếu ban hành theo hướng cấm sử dụng thì khó khả thi trong cuộc sống và không giải thích được những quy định pháp luật khác vì chồng chéo lẫn nhau như Luật báo chí, Luật luật sư… những Luật chuyên ngành đó cũng đã giao thẩm quyền thực hiện chứng cứ cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nghề.

Tên Nghị định là quy định điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị nhưng đối tượng áp dụng lại có cả người không kinh doanh. Theo ông, có sự mâu thuẫn ngay trong Dự thảo hay không?

Khi chúng ta ban hành một quy định pháp luật thì phải xem xét có vi hiến hay không, có chồng chéo với các Luật khác không. Bởi vì những luật khác cũng quy định vấn đề này khi họ thực hiện luật chuyên ngành. Do đó, nếu thông qua Nghị định này thì sẽ không đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cá nhân, không đảm bảo việc xây dựng quyền con người và quyền công dân. Nếu cá nhân sử dụng các thiết bị này để có những hành vi trái pháp luật thì Luật Hình sự, Luật Dân sự… đã có điều chỉnh. Nếu quy định một cách cụ thể như vậy, tôi cho rằng kỹ thuật lập pháp có lỗ hổng, do đó cần có sự phản biện lại.

Thời gian qua có nhiều vụ việc thực phẩm bẩn, các chuyên án về tham nhũng, tiêu cực được báo chí và người dân phanh phui, phản ánh tới công luận là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang chuyên dụng. Nay dự thảo quy định hạn chế đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang sẽ gây hệ lụy nào tới việc huy động người dân cũng như xã hội cùng đấu tranh chống tham nhũng và các loại hình tội phạm khác, thưa ông?

Nếu quy định như vậy thì sẽ không đảm bảo được sự chung tay góp sức của cộng đồng vào quá trình đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội hiện nay, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đó sẽ là một bước lùi trong hoạt động lập pháp.

Tại cuộc họp vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu quan điểm xem xét kỹ dự thảo quy định này. Dẫn chứng vụ việc vừa xảy ra tại Mỹ khi hành khách bị kéo lê khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines (UA), ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy vai trò, ý nghĩa thiết thực của việc công dân được ghi âm, ghi hình. Nếu bị cấm thì mọi người sẽ không biết đến vụ việc và sẽ bị chìm xuồng. Mặt trận Tổ quốc sẽ có ý kiến trong phiên họp thường kỳ Chính phủ sắp tới, thưa ông?

Tôi đồng tình với ý kiến này vì đó là bằng chứng không thể chối cãi được trong sự việc của hãng hàng không United Airlines (UA). Nếu không có những thiết bị ghi âm, ghi hình này thì làm sao các cơ quan, báo chí có chứng cứ trong việc phòng, chống tham nhũng. Đó cũng là những chứng cứ để đấu tranh chống những tiêu cực xã hội. Do đó, dư luận không đồng tình với dự thảo Nghị định về điều này.

Ở đây cho thấy rất cần sự vào cuộc của Bộ Tư pháp và các cơ quan đoàn thể khác, thưa ông?

Các tổ chức xã hội và Bộ Tư pháp có chức năng là cơ quan gác cổng cần thực hiện quyết liệt, không để lọt những văn bản đi ngược lại Hiến pháp. Đó cũng là bước hạn chế những quyền cơ bản của công dân trong việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay, qua đó giúp người dân có cơ sở yêu cầu cơ quan công quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và công nghệ như hiện nay, theo ông, cơ quan chức năng cần có cách quản lý ra sao để phát huy vai trò của mạng xã hội, công nghệ và hạn chế, ngăn ngừa những hành vi lợi dụng nó với ý đồ xấu, thay vì tư duy cấm đoán?

Tôi cho rằng, cần phải cải tiến cách quản lý. Chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, trên cơ sở pháp luật thì phải có cách quản lý khác, chứ không phải quản lý không được thì ban hành lệnh cấm. Việc cấm này làm cho trình độ của những người thực thi công vụ nếu theo cách cũ thì sẽ không phát triển được thực tế xã hội đang trên đường đổi mới, đặc biệt cải cách về hành chính, tư pháp, cải cách về đổi mới trong đội ngũ công quyền thì chưa thực sự đột phá.

Xin cảm ơn ông.

Nguồn tin: Theo VOV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây