Dự án trọng điểm quốc gia: 10.000 tỉ hay 20.000 tỉ đồng?

Thứ ba - 28/05/2019 21:33
Nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân giải ngân chậm của một số dự án trễ tiến độ là do tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu hạn chế.
Dự án trọng điểm quốc gia: 10.000 tỉ hay 20.000 tỉ đồng?

Sáng 28-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh mức vốn của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ lên 20.000 tỉ đồng.

Hai nhiệm kỳ Quốc hội chỉ có 2 dự án trình

Trước phiên thảo luận, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết Chính phủ và một số đại biểu (ĐB) QH đưa ra đề xuất trên với lý do để phù hợp với biến động giá cả và quy mô dự án.

Đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng mức vốn 10.000 tỉ đồng giai đoạn trước là cao, vì trong 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí. Bây giờ tính thêm tăng trưởng, trượt giá, dự báo cho tương lai, đưa lên 10.000 tỉ đồng là phù hợp. "Điều này không bất cập vì cả 2 khóa QH XIII và XIV chỉ có 2 dự án trình. Một quốc gia đang phát triển mà trong 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng được trình. Nếu điều chỉnh mức vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỉ đồng thì có thể sẽ không còn dự án nào phải trình ra QH" - ĐB Hàm nói.

Dự án trọng điểm quốc gia: 10.000 tỉ hay 20.000 tỉ đồng? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần phân tích xem vấn đề đầu tư công chậm thời gian qua do vướng quy định hay do khâu tổ chức thực hiện Ảnh: VĂN BÌNH

Góp ý vào dự luật này, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhận xét Luật Đầu tư công "là bước thụt lùi của cải cách" vì có quá nhiều thủ tục hành chính. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng đánh giá đến nay, luật vẫn còn quá nhiều vấn đề. "Thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn giao cho QH hay Chính phủ thì Chính phủ vẫn phải làm từ đầu đến cuối. Nếu giờ nói giao cho Chính phủ thuận lợi hơn thì không thuyết phục. Vì thế, ông đề nghị giữ nguyên như hiện hành, thẩm quyền vẫn thuộc về QH" - ĐB Xuyền phân tích.

Cùng quan điểm, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhìn nhận quyết định danh mục đầu tư công trung hạn là thể hiện quyền và trách nhiệm của ĐBQH. Vì vậy, nếu giao QH quyết định danh mục sẽ thể hiện tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp.

Theo ĐB Mai, tính công khai minh bạch là yêu cầu căn bản, nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục cơ chế xin cho, giảm gánh nặng cho địa phương trong đề xuất dự án. Việc trình QH sẽ bảo đảm tính công khai, dân chủ công bằng cho 63 tỉnh, thành phố. "Nếu QH không quyết định danh mục dự án là bước lùi trong phân bổ ngân sách" - bà Mai nhấn mạnh.

Vướng ở thẩm quyền phê duyệt?

Cũng qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng vốn giải ngân chậm hiện nay chủ yếu là do giải phóng mặt bằng chậm, năng lực nhà thầu còn hạn chế. "Đến chiều hôm qua, chúng tôi kiểm tra lại thông tin và đến giờ phút này, ở nhiều địa phương, vốn kế hoạch năm 2019 vẫn chưa được giao. Nên lý do chậm tiến độ không nằm ở cơ quan lập pháp" - ĐB Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng đánh giá danh mục dự án là một bộ phận hạt nhân, có tính chất quyết định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu tách rời danh mục ra thì kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ không còn ý nghĩa. Theo ông Vân, trên thực tế, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn sở dĩ có "trục trặc", không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm do QH trao.

Là thành viên tham gia xây dựng Luật Đầu tư công, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, nhận định giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch một phần là do yếu tố khách quan, mặt khác do đặt kế hoạch quá cao. Quy trình, thủ tục đầu tư công của Việt Nam hiện nay khá tương đồng với thông lệ, quy định và chuẩn mực quốc tế. Theo ông, chậm triển khai giải ngân các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do QH phê chuẩn là vướng ở thẩm quyền phê duyệt chứ không phải ở mức bao nhiêu.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm: Thẩm quyền quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc QH. Trong thực tiễn, đây là một khung cho cả 5 năm trong khi con số 9.600 dự án đầu tư công trung hạn là rất lớn. "Nếu QH thực hiện quyền của mình quyết định vấn đề này thì có khả thi không? 9.600 dự án đó, trên thực tế, luôn phát sinh những thay đổi" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng băn khoăn.

Kết luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết trước nhiều ý kiến khác nhau về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông sẽ đề nghị Tổng Thư ký QH, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cùng cơ quan chức năng soạn thảo nội dung sẽ xin ý kiến ĐBQH thông qua hệ thống công nghệ thông tin.

Luật Đầu tư công bị coi như "tội đồ"

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết việc bấm nút thông qua Luật Đầu tư công từng được coi là một thành tích thời điểm đó. Tuy nhiên, hiện dư luận xã hội, truyền thông nói như kiểu luật hiện hành là "tội đồ", dẫn đến cản trở hoạt động, làm ách tắc các dự án khiến bà cảm thấy chạnh lòng.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đặt vấn đề đầu tư công thời gian qua chậm do vướng quy định của pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu. "Nếu vướng về mặt pháp luật thì mổ xẻ để sửa luật; còn nếu phù hợp, không cản trở gì thì khâu tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự tập trung thì phải điều chỉnh ở khâu này" - bà Tâm đề nghị.


 

Tác giả bài viết: Ngọc Dung

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây