Chuyển nhầm 4,5 tỉ cho doanh nghiệp, đi kiện lên bờ xuống ruộng không xong

Thứ năm - 30/05/2019 21:07
Bà Trần Thị H., ngụ quận 7 (TP.HCM), khởi kiện Công ty TNHH C. (quận 3, TP.HCM) vì vào tháng 5-2018, bà H. đến ngân hàng BIDV chuyển nhầm hơn 4,5 tỉ đồng vào tài khoản của công ty C nhưng công ty này 'quyết' không trả lại.
Chuyển nhầm 4,5 tỉ cho doanh nghiệp, đi kiện lên bờ xuống ruộng không xong
Chuyển nhầm 4,5 tỉ cho doanh nghiệp, đi kiện lên bờ xuống ruộng không xong - Ảnh 1.
 

Theo hồ sơ vụ việc, bà Trần Thị H., ngụ quận 7 (TP.HCM), khởi kiện Công ty TNHH C. (trụ sở đặt tại quận 3, TP.HCM) vì vào tháng 5-2018, bà H. trong một lần đến ngân hàng BIDV để giao dịch đã thực hiện ủy nhiệm chi, chuyển số tiền hơn 4,5 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty C. (có tài khoản tại ngân hàng An Bình), trong khi bà đáng lẽ chuyển tiền này để góp vốn với một công ty khác. 

Do trước đó từng có giao dịch chuyển tiền cho Công ty C., nên bà H. đã nhầm lẫn khi thực hiện lệnh chuyển tiền.

Doanh nghiệp không chịu trả

Sau khi phát hiện việc mình đã chuyển nhầm, hôm sau bà H. đã yêu cầu ngân hàng BIDV giúp đỡ để thu hồi số tiền đã chuyển nhầm. 

Giữa 2 ngân hàng BIDV và An Bình đã thực hiện việc hỗ trợ bà H. bằng cách lập lại lệnh chuyển tiền cho bên chuyển nhầm. Tuy nhiên, sau đó Công ty C. không đồng ý trả lại tiền cho bà H..

Trong đơn khiếu nại của đại diện Công ty C. có xác nhận đã nhận được hơn 4,5 tỉ đồng chuyển vào tài khoản, nhưng công ty này cho rằng đây là giao dịch bình thường chứ không có chuyện nhầm lẫn gì. 

Việc ngân hàng phong tỏa số tiền trên trong tài khoản của Công ty C. là âm mưu cố tình lấy lại số tiền đã chuyển, chứ không phải nhầm lẫn.

Theo trình bày của bà H., số tiền này đáng lẽ bà chuyển cho Công ty N.L. để góp vốn nắm quyền quản lý công ty. Đây là lần chuyển tiền thứ 3 của bà H. đến tài khoản công ty này. 


Skip

Do bà nghe nhầm điện thoại của con trai nên mới thực hiện lệnh chuyển tiền nhầm, vì trước đó con trai bà H. có giao dịch làm ăn với Công ty C. nên bà đã 2 lần chuyển tiền cho Công ty C.. 

Các lần chuyển tiền đó đều đã xử lý xong, sau đó con trai bà H. không còn giao dịch nào với Công ty C. nữa. Do đó, việc bà H. chuyển tiền cho Công ty C. hoàn toàn là nhầm lẫn. 

Con trai bà H. cũng xác nhận không có giao dịch nào với Công ty C., mọi giao dịch khác đã chấm dứt và việc bà H. chuyển tiền là do hiểu nhầm.

Không cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản

Việc chuyển nhầm tiền từ tài khoản này sang tài khoản kia do lỗi của người gửi hay lỗi của ngân hàng đã xảy ra khá phổ biến. Bộ luật hình sự 2015 đã quy định hành vi này vi phạm điều luật 176 tội "chiếm giữ trái phép tài sản".

Theo quy định của điều luật này, nếu người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm số tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, khi người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 3 năm. 

Chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù đến 5 năm.

Tuy nhiên, luật chỉ quy định cho cá nhân chiếm dụng mà không có bất kỳ quy định nào cho pháp nhân vi phạm. Bởi vậy, sau khi thụ lý hồ sơ vụ khởi kiện, TAND Q.3 đã có công văn trao đổi với Cơ quan CSĐT Công an quận này và được trả lời: hành vi của Công ty C. không cấu thành tội "chiếm giữ tài sản trái phép". 

Do đó, hành trình yêu cầu trả lại số tiền bị chuyển nhầm của bà H. đối với Công ty C. kéo dài từ tháng 5-2018 đến gần giữa năm 2019.

Theo đó, sau khi thụ lý, tòa đã tống đạt các văn bản liên quan đến Công ty C. nhưng công ty không đến tòa, cũng không cung cấp lời khai. Sau khi tòa mở phiên xét xử, đại diện Công ty C. cũng không đến. 

Tòa yêu cầu Công ty C. chứng minh việc có giao dịch dân sự liên quan đến khoản tiền này, nhưng Công ty C. không gửi bằng chứng nào để chứng minh. 

Do đó, căn cứ vào lời khai của nguyên đơn là bà H., người có quyền và nghĩa vụ liên quan, hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà H., buộc Công ty C. phải hoàn trả số tiền hơn 4,5 tỉ đồng đã chuyển nhầm.

Sau khi nhận bản án của tòa, bà H. lại còn phải chờ cơ quan thi hành án thực hiện việc thi hành án, đồng nghĩa với việc bà H. phải trả phí thi hành án theo quy định của pháp luật. Và phải gần một năm sau, số tiền chuyển nhầm của bà H. mới được trả về cho bà sau khi tốn rất nhiều thời gian và công sức.

"Nếu luật quy định tội chiếm giữ trái phép tài sản cho pháp nhân thì việc yêu cầu trả lại tiền của bà H. sẽ đơn giản hơn rất nhiều" - một cán bộ tố tụng của Q.3 cho biết.

Cần phải quy định trách nhiệm cho pháp nhân

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - viện trưởng Viện KSND Q.3 (TP.HCM) - cho rằng việc luật chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân chiếm giữ tài sản trái phép mà không quy định trách nhiệm cho pháp nhân là thiếu sót. 

Bà Nhuệ cũng cho biết trường hợp như bà H. trước đây đã được nêu lên nhiều lần trong các hội thảo liên quan đến Bộ luật hình sự, tuy nhiên không có căn cứ nào để xử lý hình sự pháp nhân trong tội chiếm dụng trái phép tài sản của người khác. 

Đối với cá nhân thì chỉ cần chiếm giữ 10 triệu đồng đã cấu thành tội phạm, mà pháp nhân giữ cả tỉ đồng lại chẳng phải chịu trách nhiệm gì thì không công bằng trong xem xét đánh giá tội phạm.

Do đó, bà Nhuệ kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm của pháp nhân đối với tội danh chiếm giữ trái phép tài sản trong Bộ luật hình sự 2015 để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.


Tác giả bài viết: HOÀNG ĐIỆP

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây