Bài viết của Luật gia - Nhà báo Minh Trung
Những dấu mốc quan trọng thể hiện sự phát triển của thể chế về phòng, chống tham nhũng: (i) Luật PCTN năm 2018 được ban hành, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về PCTN và khắc phục những bất cập của Luật PCTN năm 2005; (ii) Quy định tội phạm tham nhũng tại Bộ luật Hình sự năm 2015; (iii) Xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo, báo cáo hành vi tham nhũng với những quy định cụ thể, đồng bộ, khả thi (thể hiện trong Luật Tố cáo); (iv) Ban hành Chiến lược quốc gia về PCTN,TC đến năm 2030; (v) Hoàn thiện các quy định có liên quan (như: Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024, Luật Đất đai năm 2024, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024…(TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ)
Phòng chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan chủ nghĩa cá nhân, động chạm đến những người có chức, có quyền. Bước ngoặt lớn công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm” của Đảng, Nhà nước kể từ tháng 5/2012, khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XI quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước. Đây là một quyết định đột phá, chưa có tiền lệ, trước đó công tác PCTN thuộc về vai trò của Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu. Và cố Tổng Bí thư đã không phụ lại sự mong đợi đó.
Không cho phép ngơi nghỉ vì người dân mong đợi
Tiếp nối tinh thần “đốt lò” của cố Tổng Bí thư để lại, tại Phiên họp thứ 26 ngày 14/8/2024 (diễn ra ngay sau khi vừa nhậm chức), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, công tác PCTN, TC sẽ tiếp tục được duy trì với tinh thần kiên quyết, kiên trì không ngừng nghỉ với cường độ, quan điểm, tư tưởng, phương châm như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo, chỉ đạo. Theo Tổng Bí thư, đó là quan điểm nhất quán của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là mệnh lệnh của cuộc sống, là xu thế không thể đảo ngược, và là sự mong mỏi của toàn dân. “Dư luận xã hội rất mong đợi, băn khoăn, lo lắng và dõi theo công tác PCTN, TC thời gian tới sẽ ra sao”, Tổng Bí thư nhấn mạnh sức dân. Quan điểm PCTN, TC được phát ra từ người đứng đầu Đảng và Nhà nước không chỉ có ý nghĩa định hướng công tác PCTN, TC trong thời gian tới mà còn tạo niềm tin, khí thế mới trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm còn mang ý nghĩa to lớn, không chỉ là một lời khích lệ, mà còn là một lời cam kết mạnh mẽ về sự minh bạch và công bằng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Cảm kích thay khi Tổng Bí thư đề cao sự kết nối những thành quả của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những nỗ lực tiếp nối trong tương lai, tạo ra sự đồng thuận và khẳng định quyết tâm tiếp tục con đường đã chọn. Đó không chỉ là một thông điệp chính trị, mà còn là một lời khích lệ, khơi gợi niềm tin và sự ủng hộ của người dân. Ngược lại, niềm tin và sự ủng hộ của người dân cũng là động lực to lớn cho cuộc chiến chống tham nhũng. Vì vậy, khi người dân tin tưởng vào sự công bằng, minh bạch và hiệu quả của công cuộc này, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ giành được thắng lợi vẻ vang.
Không phải chờ đợi lâu, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được Tổng Bí thư lập tức đáp từ bằng hành động cụ thể. Trong vòng hơn 2 tháng (sau Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 734 vụ/1.681 bị can, truy tố 591 vụ/1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 1.002 vụ/2.703 bị cáo về các tội tham nhũng kinh tế, chức vụ. Các địa phương đã khởi tố mới 656 vụ án/1.367 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó có 169 vụ án/347 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo, đã kết luận điều tra 4 vụ án/58 bị can; xét xử sơ thẩm và phúc thẩm 6 vụ án/302 bị cáo; xử lý hình sự hơn 160 cán bộ trong các cơ quan có chức năng PCTN, TC; khởi tố mới một vụ án/5 bị can, khởi tố thêm 22 bị can trong một số vụ án; trong đó có 3 bị can là cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Tổng Bí thư khẳng định, công tác PCTN, TC sẽ tiếp tục được duy trì với tinh thần kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ…
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công an: Năm 2024, các cơ quan điều tra công an đã thụ lý 6.777 vụ án, 11.815 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, khởi tố mới 3.496 vụ, 7.354 bị can; đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 3.882 vụ án, 8.265 bị can; đang điều tra 2.410 vụ án và 3.261 bị can. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã thụ lý, điều tra 22 vụ án, 605 bị can; đã kết luận điều tra 12 vụ, 486 bị can và đang điều tra 10 vụ án, 119 bị can.
Tổng Bí thư: “Dư luận xã hội rất mong đợi, băn khoăn, lo lắng và dõi theo công tác PCTN, TC thời gian tới sẽ ra sao”
Trong tổng số 47 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật; 14 cán bộ diện Trung ương quản lý cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác vì bị xem xét về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc TN, TC từ đầu năm 2024 đến nay; thì trong đó có 1 Ủy viên Ban Bí thư, 3 Ủy viên Trung ương Đảng; và 5 cán bộ, nguyên cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý, kể từ sau Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo dưới sự chủ trì của tân Tổng Bí thư… Gần đây nhất, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội; và đang xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Võ Văn Thưởng, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước…
Những kết quả đạt được trong PCTN, TC nêu trên là minh chứng khẳng định quyết tâm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” trong PCTN, TC.
Báo chí quốc tế chỉ rõ kể từ khi nhậm chức vào tháng 8 đến nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã “tăng tốc”rõ rệt cuộc chiến chống tham nhũng, thể hiện sự quyết đoán trong quản trị của ban lãnh đạo mới. Trong năm 2024, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực theo dõi được tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra (Theo Báo Tin tức)
Thông qua công tác PCTN, TC nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, phục vụ trực tiếp cho công tác PCTN, TC. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 30 văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và PCTN, TC. Quốc hội đã thông qua 13 luật, ban hành 3 nghị quyết, xem xét cho ý kiến đối với 10 dự án luật, trong đó có nhiều luật liên quan trực tiếp đến công tác PCTN, TC. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 98 nghị định, 207 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 300 thông tư. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC, góp phần tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, hạn chế những điều kiện dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Rõ ràng là cuộc chiến “đốt lò” được Tổng Bí thư đẩy lên ở mức độ cao hơn, “lò” không những cháy mà còn cháy rực hơn, to hơn. Mặc dù vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn luôn đau đáu trước vấn nạn TN, TC chưa được đẩy lùi. “Tại sao vừa qua chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều vụ án, vụ việc và cán bộ, đảng viên sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn còn xảy ra một số sai phạm mới, với quy mô và tính chất nghiêm trọng hơn ?”. Tổng Bí thư tự vấn vì ông thừa hiểu, đó là do hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực còn kẽ hở để cho những cán bộ, đảng viên thái hóa, biến chất lợi dụng để trục lợi, tham nhũng; công tác PCTN, TC chỉ mới làm mạnh mẽ và quyết liệt ở cấp Trung ương…
Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu công tác PCTN, TC trong thời gian tới phải được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong toàn Đảng, đến tận cơ sở Đảng, đến từng chi bộ và phải làm thường xuyên. Để làm được, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh để các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa TN, TC và công tác phòng chống lãng phí, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó cần tập trung hoàn thiện thể chế để “không thể” TN, TC; kiểm soát chặt chẽ, thực chất tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, tiến tới kiểm soát tài sản của toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt…
Chống lãng phí phải truy đến tận cùng trách nhiệm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân...”; “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Theo Người, “tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn”. “Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...; lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Vì vậy, Người yêu cầu phải quý trọng của công: “Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”…
Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư trên 12.000 tỷ đồng càng hoạt động càng lỗ nặng
Thấm nhuần lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chi Minh, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai…
Tuy nhiên bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Không chỉ gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính mà còn làm giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn tạo ra rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước; gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước... Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, rất cần được tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân. Đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi công tác phòng, chống lãng phí rất khẩn trương, cấp bách.
Sốt ruột trước hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm (Dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức hàng chục năm vẫn “treo”; dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, Nhà nước bỏ ra 10.000 tỷ nhưng không phát huy hiệu quả; các dự án năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối vận hành…), gây thất thoát lãng phí, tại phiên họp tổ Quốc hội, Tổng Bí thư bức xúc: “Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế? Hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc, ai phải chịu trách nhiệm chứ, nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm, tại sao không làm, không làm phải thu lại”. Theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với TN, TC phải truy đến cùng trách nhiệm vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân.
Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, là tỉnh hay Trung ương, hay bộ, ngành nào làm, phải có địa chỉ. Tổng Bí thư nói: “Nếu bảo tôi đang làm nhưng vướng” thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó”… Hay như đầu tư công, “có tiền không tiêu được” dẫn đến 9 tháng đầu năm 2024 tỷ lệ giải ngân đạt chưa được 50%. Nó là cái gì, tại sao có những quy định ấy, quy định đấy là do ai ? Nhà nước không làm được thì sao doanh nghiệp làm được…. Chính phủ phải trao đổi với Quốc hội, Quốc hội cùng gỡ vướng với Chính phủ. Khó đến đâu gỡ đến đấy. Có thể nói quan điểm của Tổng Bí thư là rất quyết liệt, rõ ràng, không nửa vời, truy đến tận cùng của vấn đề. Lãng phí về vật chất thì ai cũng có thể nhận ra và xác định được mức độ nhưng trong thực tế còn có các dạng thức lãng phí vô hình khác rất khó nhận diện, mà hậu quả gây ra thì không thể đo đếm được.
Tổng Bí thư yêu cầu, cần chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm và dứt điểm các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.
Tổng Bí thư đã rất tinh tế chỉ ra: “Thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước”. Đúng như vậy, lãng phí thời gian dẫn đến lãng phí cơ hội, và cũng chính là lãng phí tiền bạc, vì có những cơ hội chỉ đến trong một khoảng thời gian nhất định, trong một khoảnh khắc nhất định. Lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Thực tế cho thấy trong nhiều công việc, có thể rút ngắn được thời gian nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình giải quyết công việc bị kéo dài. Nhìn rộng ra cho thấy thông điệp của Tổng Bí thư về chống lãng phí vừa mạnh mẽ vừa sâu sắc.
Ảnh minh họa
Cũng từ thông điệp của Tổng Bí thư có thể thấy một dạng lãng phí vô hình khác lâu nay ít người nói đến, đó là lãng phí năng lực. Mỗi cá nhân chưa thực sự tận dụng hết khả năng của bản thân trong giải quyết công việc là đồng nghĩa với năng suất lao động không cao, từ đó kết quả thu hoạch bị ảnh hưởng. Báo cáo của Chính phủ những năm gần đây thường nhắc đến tồn tại, hạn chế là, một bộ phận cán bộ, công chức còn chần chừ trong công việc, rồi né tránh, đùn đẩy, e ngại, sợ sai… Trong khi đó ngân sách phải dùng tới 70% để nuôi bộ máy (gần gấp đôi so với nhiều quốc gia khác). Như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, Tổng Bí tư gay gắt và chỉ đạo phải tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Không tinh gọn bộ máy, không phát triển được.
Bộ máy phình to là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Muốn tinh gọn bộ máy, trước hết phải cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát... Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. “Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn, Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng…”, Tổng Bí thư định hướng.
Tổng Bí thư, phải xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lan toả mạnh mẽ trong xã hội, nhất là trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…“trở thành việc làm tự giác, tự nguyện, như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày”. Phải khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của nhà nước, công sức của nhân dân.
Để nắm bắt cơ hội bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí; rất cần ưu tiên hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Cụ thể là ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, như Tổng Bí thư đã chỉ đạo.
Chống “giặc nội xâm” là để khoan sức dân xây dựng đất nước
Thực tế, sau 40 năm đổi mới (đặc biệt là từ năm 2012 đến nay, công tác PCTN được đẩy mạnh quyết liệt) cho thấy, việc Đảng ta quyết liệt chống tham nhũng không những không tác động xấu tới sự phát triển kinh tế đất nước mà trái lại. Minh chứng rõ nét nhất là, năm 2021, khi thế giới “chao đảo” bởi đại dịch COVID -19, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm thì Việt Nam đạt tăng trưởng 2,56%. Sang năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt 5,05%. Năm 2024, trong báo cáo mới đây, ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2024, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN và tạo ra GDP mới nhiều tương đương Hà Lan…
Phòng chống TN, TC và lãng phí là để xây dựng và phát triển kinh tế. Bởi suy cho cùng, tất cả đều phải xuất phát và đều vì lợi ích chính đáng của người dân. Xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, phòng chống lãng phí cũng nhằm mục đích phát triển kinh tế, phát triển đất nước. Ngược lại kinh tế đất nước phát triển càng củng cố niềm tin, uy tín của Đảng đối với nhân dân về công cuộc “đốt lò”, về đường lối chủ trương của Đảng đề ra. Vì vậy không cho phép được ngơi nghỉ mà phải kiên trì thực hiện theo tinh thần vừa kiên quyết nhưng đồng thời phải tạo ra môi trường không có điểm nghẽn. Tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “PCTN, TC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội”.
Càng đẩy mạnh đấu tranh PCTN, TC, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…” (cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
Nói PCTN, TC là góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển vì tham nhũng làm méo mó thị trường, các doanh nghiệp làm ăn chụp giật có cơ hội trỗi dậy, sẽ bịt lại những lỗ hổng thất thoát của nền kinh tế chung đang chảy vào những túi riêng. Nếu triệt tiêu được vấn nạn tham nhũng chắc chắn sẽ làm minh bạch thị trường, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ có cơ hội phát triển. Các nhà đầu tư mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh vì tin vào sự minh bạch của hệ thống công quyền, không còn phải băn khoăn về các mánh lới “tạo quan hệ” để có giấy phép và “nuôi” giấy phép… Những giá trị này không thể lượng hóa bằng những con số. Kết quả đó đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần khẳng định vai trò, củng cố uy tín của Đảng, Nhà nước và giữ vững niềm tin trong nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Giám đốc Hãng thông tấn Nhà nước Cuba (ACN) Edda Diz Garcés, cho rằng nhờ quyết tâm chống tham nhũng, Việt Nam đã đạt được những kết quả và thành tựu trong phát triển đất nước một cách bền vững trên mọi lĩnh vực. Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan cho rằng, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về tăng trưởng kinh tế, được cả WB và IMF công nhận. Khía cạnh quan trọng góp phần giúp kinh tế Việt Nam phát triển là sự kiên quyết trong đấu tranh và PCTN, TC. Còn theo tác giả bài viết “Việt Nam: Cuộc chiến chống tham nhũng và tính trung lập” (đăng trên tạp chí của Trung tâm Dự báo địa chính trị, có địa chỉ trang web geofor.ru của Nga), cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn ở Việt Nam chẳng những không gây mất ổn định tình hình chính trị trong nước, mà ngược lại. Bài viết khẳng định chính cuộc chiến chống tham nhũng tích cực và kiên quyết đã góp phần mang tới một nền kinh tế phát triển tích cực trong khu vực…
Tổng Bí thư:“PCTN, TC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội”
Vĩ thanh
Không còn hoài nghi tham nhũng, tiêu cực chính là vấn nạn của mỗi quốc gia, làm mục ruỗng các thể chế; ăn bám nền kinh tế, gây ra những tổn thất to lớn nhưng khó xác định, làm tăng tình trạng nợ nần và bần cùng của đất nước… Từ những thành quả đất nước gặt hái được sau những năm tháng quyết liệt thực hiện công tác phòng chống “giặc nội xâm”, cho thấy Đảng và Nhà nước tiếp tục kiên trì theo đuổi và đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến “đốt lò” trong thời gian tới là đúng đắn và phù hợp với lòng dân. Vấn đề là phải vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt không làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, “không vì đẩy mạnh PCTN, TC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội”.
Hiểu theo quan điểm của Tổng Bí thư, công tác PCTN, TC và phát triển kinh tế trong thời gian tới là hai nhiệm vụ cần được thực hiện song hành, không thiên lệch, không vì đẩy mạnh nội dung này mà cản trở nội dung còn lại. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; thì đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là cơ sở để tăng tốc về đích, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; biến cam kết theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc thành hiện thực…
Thực tế cho thấy, cuộc chiến “đốt lò” càng được đẩy mạnh càng tỷ lệ thuận với lòng dân hướng về Đảng, tỷ lệ thuận với thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, xã hội ổn định. Để kết thúc bài viết nay, chúng tôi xin được mượn lời của Giáo sư Dennis McCornac thuộc Đại học Loyola Maryland (Mỹ), “hiện giới đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, không còn nhũng nhiễu, hối lộ. Một môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh sẽ thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”./.