Lãi suất đồng loạt tăng vọt: Kỷ lục mới sau nhiều năm

Thứ hai - 20/03/2017 18:49
(PL News) - Lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng bất ngờ tăng khá nhanh, có nơi lên tới 9,2%/năm - một kỷ lục chưa từng có trong nhiều năm qua khi lãi suất được duy trì ở mức khá thấp. 
Lãi suất đồng loạt tăng vọt: Kỷ lục mới sau nhiều năm
 

Chưa đầy 2 tháng sau khi áp dụng biểu lãi suất khá hấp dẫn cao hơn khoảng 10 điểm phần trăm so với bảng lãi suất trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank đã công bố biểu lãi suất mới với lãi suất huy động tăng vọt, thêm vài chục cho tới cả trăm điểm phần trăm.

Thay vì lãi suất 7,5-7,9% áp dụng từ ngày 11/1, từ ngày 9/3 VPBank đã tung ra một mức lãi suất cao chưa từng có trong mấy năm qua: 9,2%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 60 tháng với số tiền trên 5 tỷ đồng. Các lãi suất khác cũng ở mức từ 7,5%-9,1%.

Đây là mức lãi suất cao kỷ lục mà một ngân hàng thương mại đưa ra sau nhiều năm hầu hết các ngân hàng hệ thống duy trì lãi suất huy động ở mức thấp, có lúc xuống dưới ngưỡng 5%/năm.

lãi suất ngân hàng, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại hối, tỷ giá USD, lãi suất tăng, chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất, chính sách ngoại hối
Lãi suất tăng mạnh trong thời gian gần đây.
 

Hàng loạt các NHTMCP trong 2 tuần qua cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, nhất là các kỳ hạn dài ngày. Sacombank tung ra chương trình huy động lãi suất 8,88%/năm với chứng chỉ tiền gửi 7 năm và 8,48% đối với kỳ hạn 5 năm một ngày.

NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng tính huy động cả ngàn tỷ đồng cho nhiều kỳ hạn với với lãi suất lên tới 8,8%/năm. Gần đây, Eximbank cũng huy động tiền gửi lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng với lãi suất cuối kỳ 8%/năm. NHTMCP Quốc dân (NCB) áp dụng lãi suất ở mức tương tự.

Hầu hết các chứng chỉ tiền gửi đều có kỳ hạn dài vài năm nhưng cũng có ngân hàng như Việt Á Bank áp dụng kỳ hạn 6 - 18 tháng với lãi suất lên tới 8,2%/năm. Không chỉ thời hạn được kéo ngắn xuống, mệnh giá chứng chỉ cũng được kéo xuống cơ nơi chỉ còn từ 1 triệu đồng/chứng chỉ.

Một số NHTMCP như DongABank hay SCB thậm chí áp dụng lãi suất rất hấp dẫn đối với kỳ hạn ngắn từ 1-4 tháng với lãi suất 5,4%- 5,5%/năm. Mức từ 6-9 tháng có lãi suất lên tới 6,9%/năm.

Các NHTMCP có gốc quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank hiện đang áp lãi suất thấp hơn nhưng cũng đã lên tới 4,3% - 4,8%/năm cho kỳ hạn 1 - 4 tháng. Lãi suất bình quân nhóm này thấp hơn nhóm NHTMCP khoảng 50 điểm phần trăm.

Với những diễn biến như trên, nhiều người lo ngại một cuộc đua lãi suất huy động đã bắt đầu. Kéo theo đó, một mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ cao hơn và tác động đến nền kinh tế. Trên thực tế, lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân đã tăng và được dự báo sẽ tăng từ 0,5 - 1,5%/năm.
Gồng mình chuẩn bị vốn 

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect cho rằng, hiện tượng các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy độnglà tất yếu. Theo đó, các ngân hàng chuẩn bị vốn cho năm mới. Đầu năm huy động vốn thì phải tăng lãi suất.

lãi suất ngân hàng, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại hối, tỷ giá USD, lãi suất tăng, chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất, chính sách ngoại hối
Lãi suất ngân hàng bắt đầu biến động.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Tuấn, vì đồng USD lên giá theo lãi suất tiền gửi cao hơn bên thị trường Mỹ do đó lãi suất tiền đồng cũng cần tăng lên để đồng VND hấp dẫn hơn. Dư địa lãi suất đồng VND đã hết.

Cũng theo chuyên gia này, khi đồng USD lên giá thì lãi suất cả huy động và cho vay đồng VND sẽ tăng lên và sẽ hình thành một mặt bằng lãi suất mới. Mặt bằng này, theo dự báo của ông Tuấn, sẽ cao hơn khoảng 1% so với trước đó.

TS. Cấn Văn Lực cùng quan điểm cho rằng, việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá. Ngoài áp lực về tỷ giá, yếu tố lạm phát cũng phải được tính đến. Theo dự báo của ông Cấn Văn Lực đồng USD có thể tăng 15-20% trong 3 năm tới. Lạm phát đang tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Do vậy, lãi suất sẽ phải tăng.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD mạnh lên và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý trên thị trường Việt Nam.

Giải thích hiện tượng nhiều ngân hàng tăng lãi suất để huy động một, một chuyên gia tài chính ngân hàng còn cho rằng, là vì: một số ngân hàng vẫn ở trong tình trạng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (50% kể 1/1/2017) vẫn còn vượt quá quy định.

Đánh giá tác động việc lãi suất tăng ảnh hưởng tới TTCK, các DN và nền kinh tế nói chung, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, phải tới quý 2 thị trường mới bắt đầu ngấm. Các DN nào thâm dụng vốn vay sẽ phải tính toán lại kế hoach tài chính cho 2017 và các năm sau và cần tầm nhìn 2-3 năm, chứ không thể ngắn hạn trong một năm.

Cũng theo ông Tuấn, dự báo TTCK sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều, vẫn ổn định và hồi phục. Các DN lớn do có tích lũy tốt nên lãi suất tăng không ảnh hưởng nhiều. Các DN vừa và nhỏ, vay nợ nhiều và phụ thuộc xuất khẩu sẽ chịu hệ quả kép, vừa do lãi suất tăng vừa do đồng USD mạnh mà VND không giảm theo kịp. Bên cạnh đó là trào lưu bảo hộ. Các DN xuất khẩu như thủy sản sẽ đối mặt với tình trạng bán hàng chậm lại và chi phí đội lên nhiều.

Các DN bất động sản cũng thuộc đối tượng chịu ảnh hưởng do lãi suất tăng nhanh.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây