Thông tin mong đợi nhất của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) diễn ra ngày hôm qua, đó là bầu chủ tịch HĐQT mới, đã không diễn ra.
Theo nội dung đại hội, HĐQT BIDV đã trình cổ đông về HĐQT nhiệm kỳ mới 2017 – 2020 với 10 ứng viên. Trong số 10 ứng viên, có dến 8 ứng viên là người cũ, còn có 2 cái tên mới là ông Bùi Quang Tiên và ông Lê Việt Cường.
Theo đó, đại hội sẽ bầu thay thế 2 thành viên HĐQT là ông Đặng Xuân Sinh và ông Tô Ngọc Hưng. Ông Đặng Xuân Sinh sẽ nghỉ hưu theo chế độ và ngân hàng giới thiệu ông Bùi Quang Tiến, hiện là Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN thay thế cho ông Sinh, và ông Lê Việt Cường sẽ thay thế ông Tô Ngọc Hưng.
Trong số 10 ứng viên vào HĐQT, ông Phan Đức Tú là người nhận được số phiếu bầu cao nhất (100,05%), ông Trần Anh Tuấn nhận số phiếu bầu cao thứ 2 (99,94%). Các ứng viên còn lại cũng đạt tỷ lệ phiếu bầu trên 99%.
Ông Trần Anh Tuấn sẽ là Uỷ viên phụ trách HĐQT cho đến tuổi nghỉ hưu (Ảnh: BIDV)
HĐQT nhiệm kỳ mới đã họp và bầu ông Trần Anh Tuấn đảm nhận vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT BIDV. Ông Phan Đức Tú tiếp tục được bầu vào vị trí Tổng giám đốc.
Như vậy, 8 tháng, kể từ ngày 1.9.2016, ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch HĐQT BIDV nghỉ hưu, đến nay, BIDV vẫn chưa bầu chủ tịch HĐQT mới và ngân hàng vẫn hoạt động theo cơ chế ông Trần Anh Tuấn, thành viên phụ trách HĐQT và ông Phan Đức Tú là người đại diện pháp luật.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện BIDV, cho biết do ông Trần Anh Tuấn còn 1 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu nên để ông ấy làm nốt. “Mọi việc sẽ vẫn hoạt động bình thường như đã diễn ra trong thời gian qua”, vị này cho biết.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra hồi tháng 10.2016, ông Tú cho hay để có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị chính thức thì phải tổ chức một cuộc họp nữa.
“Tuy nhiên, BIDV đã có người đại diện pháp luật là tôi và ông Trần Anh Tuấn, nên không cần phải bầu chủ tịch HĐQT nếu không có yêu cầu”, ông Tú nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tú, sau khi thay đổi quy chế, tất cả những việc liên quan tới HĐQT đã có ông Trần Anh Tuấn và ông Tú là người đại diện pháp luật.
Việc một ngân hàng lớn như BIDV hoạt động mà không có chủ tịch HĐQT liệu có đúng luật không?
Trao đổi với Dân Việt, TS, Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết về nguyên tắc, các thành viên HĐQT đều ngang nhau, chủ tịch HĐQT chỉ là đại diện, do vậy, dù có không có chủ tịch, HĐQT vẫn hoạt động và ra nghị quyết thì quyết định của HĐQT vẫn hợp pháp.
“Theo điều lệ của công ty cổ phần (trong đó có NHTM) thì chủ tịch chỉ là đại diện HĐQT, nếu không có hoặc chủ tịch vắng mặt vẫn không ảnh hưởng đến vai trò và quyền hạn của HĐQT như là quyết định cao nhất (sau quyết định của ĐHĐCĐ). Do vậy, chủ tịch không có mà HĐQT vẫn hoạt động đúng”, ông Hiển cho biết thêm.
Như vậy, BIDV sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh mà không có chủ tịch HĐQT ít nhất là một năm nữa, đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, sau khi ông Tuấn nghỉ hưu theo chế độ. Thậm chí, có thể còn lâu hơn thế, vì BIDV là ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước chi phối, nên chủ tịch HĐQT phải được sự chấp thuận của NHNN.
Thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017 – 2020 có đại diện của Ngân hàng nhà nước, đó là ông Bùi Quang Tiên. Ông Tiên hiện đang giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Ông Tiên được NHNN giới thiêu làm thành viên chuyên trách HĐQT BIDV và đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV. Ông Tiên sinh năm 1959, là thạc sỹ kinh tế. Ông Tiên bắt đầu công tác tại NHNN tỉnh Hà Nam Ninh năm 21982. Từ tháng 5.1992 – 9.1997 làm trưởng phòng kế toán – thanh toán NHNN tỉnh Ninh Bìnhl từ tháng 9.1997 – 9.2000 làm trưởng phòng chế độ, vụ kế toán – tài chính, NHNN; tháng 10.2000 – 9.2005 làm phó Vụ trưởng Vụ kế toán – Tài chính NHNN; tháng 10.2005 – 9.2008 làm trưởng ban thanh toán NHNN; tháng 10.2008 đến nay làm Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN. Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN (Ảnh: MH) |
Tác giả bài viết: Trần Giang
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn