Điệp khúc mua vào-bán ra cổ phiếu của anh em bầu Đức
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa có thông báo đã bán ra 3,83 triệu cổ phiếu HAG trong ngày 20.7.2018. Đây là số lượng cổ phiếu được Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tự động bán giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay.
Với mức giá khoảng 6.200 đồng/cổ phiếu, số lượng cổ phiếu của Bầu Đức bị bán ra siết nợ trị giá gần 24 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD).
Mặc dù bị siết nợ, nhưng Bầu Đức không bị thiệt hại do trước đó đã mua vào một khối lượng khá lớn cổ phiếu HAG ở mức giá thấp hơn.
Câu chuyện mua vào-bán ra cổ phiếu của anh em bầu Đức để giải chấp nợ, tái cơ cấu các khoản vay đã không còn là chuyện hiếm gặp (Ảnh minh họa)
Cụ thể, ông Đoàn Nguyên Đức đã mua vào 4,8 triệu cổ phiếu HAG trong thời gian từ 8.5 đến 6.6 và mua 1 triệu cổ phiếu HAG trong thời gian từ 11.6 đến 9.7. Dù trước đó ông bầu này đăng ký mua tổng số 20 triệu cổ phiếu song cuối cùng chỉ mua được lượng cổ phiếu nêu trên do không thu xếp được tài chính.
Trong thời gian mua vào 4,8 triệu cổ phiếu HAG, Bầu Đức đã chi ra khoảng 23 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 triệu USD bởi cổ phiếu HAG khi đó giao dịch trong vùng giá từ 4.400-5.000 đồng/cổ phiếu.
3,83 cổ phiếu HAG do Bầu Đức nắm giữ bị bán giải chấp ở vào thời điểm mà cổ phiếu HAG vừa có đợt hồi phục tăng giá dữ dội, tăng thêm từ 30-35%, từ mức đáy khoảng 4.500 đồng/cp hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 lên mức 6.200/cổ phiếu như hiện tại.
Hiện tại, ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm giữ 326,7 triệu cổ phiếu, tương đương 35,23% cổ phần của HAGL.
Đây không phải lần đầu tiên nhà đầu tư và cổ đông của HAGL chứng kiến việc anh em nhà bầu Đức mua vào-bán ra cổ phiếu của HAG.
Tháng 4.2018, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt cũng đã hai lần bán giải chấp hơn 1,2 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Thu (em trai ông Đoàn Nguyên Đức Đức). Ông Thu hiện chỉ còn nắm 5 triệu cổ phiếu, tương đương 0,54% cổ phần tại Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.
Còn giai đoạn cuối năm 2017, từ ngày 27.10 - 25.11.2017, ông Đoàn Nguyên Đức đã đăng ký bán 23 triệu cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai. Mục đích thực hiện giao dịch là dùng tài sản đảm bảo hỗ trợ HAGL tái cơ cấu các khoản vay.
Trái phiếu chuyển đổi “ế ẩm”, bao giờ bầu Đức có tiền trả nợ?
Đầu tháng 7, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã phải trải qua một chuyện không vui khi đăng ký chào bán là 221.710 trái phiếu, song tổng số trái phiếu đã được đăng ký và nộp tiền mua chỉ đạt 22 trái phiếu, chiếm chưa đến 0,01% số lượng chào bán.
Trái phiếu có tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.000, tức là 1 trái phiếu chuyển đổi sẽ được đổi thành 1.000 cổ phiếu tại thời điểm chuyển đổi. Giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu. HAGL Agrico dự kiến sẽ thu về hơn 2.217 tỷ đồng qua đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi.
Số tiền thu được công ty dự kiến dùng 1.137 tỷ đồng để đầu tư trồng mới và chăm sóc cây ăn trái gồm mảng chuối dự kiến đầu tư 780 tỷ đồng và ớt 357 tỷ đồng. Còn 1.080 tỷ đồng sẽ được công ty sử dụng để tái cơ cấu tài chính.
Kế hoạch phát hành 221.710 trái phiếu chuyển đổi của HAGL Agrico do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch đã thất bại khi tổng số trái phiếu đã được đăng ký và nộp tiền mua chỉ đạt 22 trái phiếu (Ảnh minh họa)
Còn trước đó, bản thân HAGL Agrico (HNG) đã phải thay đổi mục tiêu lợi nhuận của mình. Công ty này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 150 tỷ đồng, giảm 66% so với thực hiện năm 2017. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với thời điểm HAGL Agrico côn bố Bản cáo bạch chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng. Khi đó, HAGL Agrico từng đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.096 tỷ đồng, tăng 23% so năm 2017. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 15%, lên mức 610 tỷ đồng.
Trong quý I.2018, bình quân mỗi ngày HAGL Agrico sẽ phải trả 1,71 tỷ đồng lãi vay ngân hàng, con số này trong năm 2017 là hơn 2 tỷ đồng/ngày
Về tình hình vay nợ, tính tới hết quý I.2018, HAGL Agrico có 3 khoản nợ hơn 27,5 tỷ đồng đến hạn trả nhưng chưa thanh toán. Theo công ty, đây là các khoản vay có nguồn gốc từ Công ty CP Đông Dương (được mua lại từ năm 2016). Tuy nhiên, do việc kế thừa các khoản nợ từ công ty con làm phát sinh các thủ tục điều chỉnh nên đến 31.12.2017 công ty vẫn chưa thể xử lý triệt để các khoản vay này.
Ngoài ra, tại thời điểm 31.3.2018, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của HAGL Agrico ở mức 1.292 tỷ đồng, giảm nhẹ so mức cuối năm 2017 là 1.725 tỷ đồng. Vay dài hạn cũng giảm nhẹ xuống mức 12.134 tỷ đồng.
Vay nợ nhiều, áp lực trả nợ cũng không nhỏ. Chi phí lãi vay của công ty đã tăng gần 10%, từ hơn 750,1 tỷ đồng năm 2016 lên 813,2 tỷ đồng năm 2017. Quý I.2018, với con số chi phí lãi vay là hơn 154,72 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày HAGL Agrico sẽ phải trả 1,71 tỷ đồng lãi vay ngân hàng.
Các khoản vay này của HAGL Agrico cũng khiến đơn vị kiểm toán đưa ra nhiều ý kiến về việc chưa mua bảo hiểm cho các khoản vay, diện tích trồng cây thực tế khác với cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Việc thay đổi liên tục chiến lược của tập đoàn khiến Bầu Đức mãi chưa thoát khỏi vòng xoáy nợ vay
Trong vài năm gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức đã liên tục tái cơ cấu nợ của Tập đoàn HAGL bằng việc thu xếp nợ với các ngân hàng. HAGL cũng đã chuyển chiến lược từ nuôi bò sang chồng chuối, ớt để có nguồn thu nhanh, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I.2018 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng cho thấy chi phí lãi vay vẫn là vấn đề nhức nhối tại HAG. Quý I.2018. Công ty phải gánh chi phí lãi vay lên tới trên 376 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, bình quân mỗi ngày Bầu Đức sẽ phải trả lãi vay ngân hàng hơn 4,17 tỷ đồng.
Trước đó, Bầu Đức đã bán mảng bất động sản, thủy điện, mía đường. Bầu Đức đã bán toàn bộ mảng mía đường cho các doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành.
Đàn bò giờ đây cũng không còn nằm trong chiến lược của bầu Đức
Doanh nghiệp của đại gia phố núi trước đó cầm cố gần như tất cả các tài sản của tập đoàn, từ nhà đất bất động sản, vườn cây, trụ sở, các tài sản thành từ vốn vay dự án nuôi bò, các vườn cao su tại Lào, Văn phòng làm việc Hội sở chính HAGL, tổng tài sản hình thành trong tương lai từ dự án Trung tâm thương mại HAGL tại Myanmar… và hàng cả cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức
Mặc dù tình hình tài chính tại HAGL và HAGL Agrico đã tương đối ổn định trở lại, các doanh nghiệp của Bầu Đức đã làm việc với ngân hàng về các khoản nợ trong vài năm gần đây, nhưng những khoản đầu tư quá lớn trong quá khứ vẫn là rào cản để công ty bứt phá trở lại.
Trên thực tế, khối nợ của HAGL đã giảm dần nhưng vẫn còn rất lớn. Ở vào thời điểm này, HAGL vẫn đang đối mặt với tổng nợ lên tới 34.900 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn lên tới hơn 11.800 tỷ đồng.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn