5 dự án thua lỗ của PVN: Không bán được sẽ cho phá sản

Thứ năm - 07/09/2017 21:35
(Phapluat News) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang thúc đẩy việc xử lý 5 dự án thua lỗ bằng các biện pháp như hợp tác với đối tác nước ngoài để khởi động lại nhà máy; nếu bán không được sẽ cho phá sản…

Sau 2 tháng thành lập ra các tổ công tác chuyên trách xử lý từng dự án (DA) chưa hiệu quả, PVN phối hợp cùng Bộ Công thương rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng và lên “phác đồ điều trị”. Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ. Với các DA ethanol, tập đoàn đã có phương án tái hoạt động và quyết tâm đến ngày 1/1/2018 sẽ có sản phẩm. Các chính sách về việc đưa xăng E5 vào tiêu thụ là điều kiện thuận lợi để Tập đoàn triển khai việc chạy lại các DA.

Với Dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex), PVN báo cáo Ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương phương án hợp tác với đối tác nước ngoài để cùng sản xuất kinh doanh.

PVTex đã làm việc với Tập đoàn Fortrec (Singapore), đối tác Reliance (Ấn Độ) về phương án hợp tác cùng sản xuất kinh doanh. Reliance sẽ hỗ trợ nhân sự vận hành bảo dưỡng, công tác tối ưu hóa, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của PVTex. Trước ngày 15/9, Reliance và đối tác trong nước sẽ có bản chào chính thức về phương án triển khai. “Trong thời gian chờ quyết định của Ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, PVN đã chỉ đạo người đại diện phần vốn tại PVTex chuẩn bị khởi động lại nhà máy và làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam về công tác hợp tác trong giai đoạn tới”, lãnh đạo PVTex cho biết.

Với DA nhiên liệu sinh học Phú Thọ (PVB), có 2 nhóm nhà đầu tư quan tâm, gồm Cty cổ phần đầu tư Thái Sơn và Cty Mepcom Offshore and Marine Pte (Cty con của Tập đoàn MEPCOM - Singapore). PVN sẽ trao đổi, cung cấp thông tin PVB cho đối tác Thái Sơn, Mepcom để xây dựng phương án hợp tác đầu tư. Đồng thời, PVN triển khai công tác định giá tài sản, xây dựng phương án thoái vốn.

“Công ty Mepcom Offshore and Marine Pte đề xuất hợp tác theo hướng Mepcom và đối tác chiến lược sẽ mua lại cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại PVB để cung cấp vốn theo mô hình xây dựng-sở hữu-vận hành”, lãnh đạo PVN cho biết.

Không bán được sẽ xin phá sản

Với Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), PVN có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ Công thương. Theo đó, có 3 phương án xử lý gồm: Cho phép PVN bán doanh nghiệp theo hành lang quy định của Nghị định 128/2014/NĐ- CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Nếu bán không thành công, PVN sẽ phá sản đấu giá tài sản. Với Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất (BSR-BF), chủ đầu tư đang đào đất xây hồ xử lý nước thải. Đồng thời, BSR-BF và cổ đông lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác kinh doanh vận hành. Trong tháng 9/2017, chủ đầu tư và các cổ đông sẽ thống nhất phương án khởi động vận hành lại Nhà máy.

“Có 3 nhà đầu tư đang quan tâm là Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành, Công ty TNHH Tùng Lâm và Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap). BSR - BF đã lựa chọn, ký hợp đồng với một công ty tư vấn triển khai thẩm định giá trị doanh nghiệp/phần vốn góp tại doanh nghiệp và xây dựng phương án thoái vốn”, chủ đầu tư DA cho biết.

Với Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước (OBF), Tổ công tác chuyên trách của PVN chỉ ra một số điểm có thể giảm chi phí như cải tiến giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, giá sắn, công tác quản trị, tính khấu hao…Ngày 24/8, các cổ đông của OBF đã họp hội đồng thành viên mở rộng, đại diện các cổ đông đã nhất trí phương án vận hành lại Nhà máy Ethanol Bình Phước.

 

Tác giả bài viết: QUỲNH NGA

Nguồn tin: tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây