12 dự án thua lỗ nghìn tỉ: Cho phá sản cũng là giải pháp tích cực

Thứ ba - 18/09/2018 23:03
Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành Công Thương, nếu có dự án được cho phá sản, giải thể thì cũng là một biện pháp tích cực vì nếu tiếp tục duy trì sẽ không hiệu quả.
12 dự án thua lỗ nghìn tỉ: Cho phá sản cũng là giải pháp tích cực

 

                       


Một trong 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương đã hoạt động trở lại - Ảnh: Internet

 

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị" ngày 18.9, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành Công Thương vẫn đang được tái cơ cấu. Trong 6 nhà máy sản xuất kinh doanh thua lỗ thì sau khi tái cơ cấu đã có 2 doanh nghiệp làm ăn có lãi là DAP 1 và nhà máy Gang thép Lào Cai.

Có 4 dự án bắt đầu giảm lỗ gồm: Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Lào Cai và Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Nhóm 3 dự án trước đây dừng sản xuất thì hiện đã bắt đầu sản xuất lại, trong đó có nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTEX). Ba dự án xây dựng dở dang hiện được tính toán lại là Nhà máy giấy Phương Nam sẽ được bán, dự án Ethanol Phú Thọ và Gang thép Thái Nguyên sẽ được rà soát, tìm nhà đầu tư.

Ông Tiến đánh giá việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ rất khó khăn vì phương án xử lý theo cơ chế thị trường. Do đó, nếu không bán được thì phải chấp nhận cho phá sản. Dự án nào không khởi động được phải chuyển sang hình thức khác.

"Chính phủ phải kiên quyết thực hiện việc này. Trong lộ tình thực hiện, các doanh nghiệp phải nói thẳng nói thật, công khai tình hình doanh nghiệp, hằng năm báo cáo tiến độ để Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành đưa ra giải pháp căn cơ nhằm xử lý dứt điểm. Thậm chí, việc cho phá sản, giải thể cũng là một giải pháp tích cực nếu duy trì lại sẽ không hiệu quả", ông Tiến nói.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng nhìn nhận 12 đại dự án này không hẳn là không có tiềm năng. Vấn đề là phải tìm nhà đầu tư tương xứng để khai thác, biết cách hoạt động doanh nghiệp hiệu quả, không nên bán theo chỉ định.

"Còn nếu doanh nghiệp bỏ tiền vào góp vốn thì phải xem đầu ra có không, có tạo ra lợi nhuận, cân bằng được vốn không... Hiện nay, Bộ Tài chính đang yêu cầu Vinachem, PVN báo cáo thật rõ tình trạng của các dự án, tính hiệu quả, khả năng hòa vốn ở đâu, khả năng có thể bán được sản phẩm không. Nếu sản xuất ra mà không bán được thì cũng ứ đọng sản phẩm, lỗ mẹ đẻ lỗ con", ông Tiến cho hay.

Trong khi đó, ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại nhìn nhận đối với 12 đại dự án của ngành Công Thương, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, chỉ cần đảm bảo thu hồi vốn cho nên việc bán đi là đúng đắn.

Tuy nhiên, các dự án trên đều vướng vào vấn đề pháp lý như: xác định giá, xử lý quyền sử dụng đất, xác định giá đất như nào, xử lý quan hệ với tổng thầu EPC ra sao trước khi xem xét nên cổ phần hóa hay bán.

"Biện pháp căn cơ hiện nay là cần xử lý triệt để trước khi xem xét bán cho ai, nếu chúng ta chưa xử lý thì chưa thể bán được và nên bán cho tư nhân", ông Hùng nói.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ là 43.673,63 tỉ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỉ đồng (tăng 45,65%). Tổng tài sản của 12 dự án là 57.679,02 tỉ đồng; tổng nợ phải trả 55.063,38 tỉ đồng.

Nguồn tin: motthegioi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây